Nhiều người cho rằng có được đứa con ngoan là điều tuyệt vời nhất, bởi vì chúng chẳng bao giờ phá phách, phản bác hay bướng bỉnh, nhưng có thật đúng như vậy không?
Một câu chuyện thương tâm vừa xảy ra tại thành phố Nam Kinh, Trung Quốc, đã làm chấn động dư luận. Cô bé tên Bảo Bảo, 12 tuổi đã nhảy sông tự tử sau khi bị bố đánh mắng.
Bố mẹ cô bé đau khổ và day dứt khi biết nguyên nhân con mình tự tử. |
Theo lời bố cô bé kể lại, con gái ông vốn là một học sinh ngoan ngoãn, có thành tích học tập tốt. Nhưng từ tháng 4 trở lại đây, cô bé có hành vi về nhà lấy cắp tiền của bố mẹ.
Lần đầu tiên, nữ sinh lớp 8 này lấy cắp 600 NDT (khoảng 2 triệu đồng). Khi bố mẹ hỏi vì sao, cô chỉ đáp: “Lần sau con không dám như thế nữa”.
Ngày 23/5, cô lại bị phát hiện lấy cắp tiền của bố mẹ một lần nữa. Nhưng lần này dù bị bố quát nạt, cô chỉ im lặng và khóc. Người bố khi ấy vô cùng tức giận và đánh và mắng con.
Kết quả, ngày 25/5, cô bé đã rời khỏi nhà. Sau nhiều ngày tìm kiếm, cuối cùng mọi người tìm thấy xác của cô bé ở bên bờ sông.
Sau khi điều tra, cảnh sát phát hiện nguyên nhân cô bé lấy trộm tiền của bố mẹ vì bị một nam sinh cùng lớp đe dọa bắt đưa 50 NDT (175.000 đồng) trong suốt một khoảng thời gian dài, nếu không sẽ bị đánh, thậm chí “bị giết”.
Cô bé đã cầu cứu đến cô giáo. Tuy nhiên, cô giáo không giúp vì nghĩ đó chỉ là lời nói dối.
Hình ảnh cô bé cô độc đi tự tử trong đêm được camera giám sát ghi lại. |
Sau khi biết được sự thật, cha cô bé vô cùng đau đớn và tự trách bản thân không tìm hiểu con cho kỹ hơn.
Trong sự việc này, nếu giáo viên có thêm niềm tin vào học trò, nếu cha mẹ có thể tìm ra cách giao tiếp với con ngay khi họ phát hiện ra hành vi lấy cắp tiền thì rất có thể, đứa trẻ sẽ có đủ niềm tin, sự an toàn và bi kịch đã không xảy ra.
Khi câu chuyện được chia sẻ, nhiều người dùng mạng cho rằng có lẽ Bảo Bảo sẽ không có hành động dại dột trên nếu như cô bé chịu kể lại cho bố mẹ. Nhưng cuối cùng cô bé lại tìm chết. Đó là hệ lụy của 2 cách giáo dục sai lầm mà nhiều cha mẹ khác cũng đang mắc phải:
Không tin tưởng con cái
Nhiều cha mẹ không tin tưởng con mình, họ cho rằng mọi suy nghĩ và hành động của trẻ luôn non nớt và chưa chuẩn mực, vì thế cần phải uốn nắn nhiều. Nếu phát sinh những hành động lệch chuẩn, trẻ sẽ bị quy kết là sai trái, hư hỏng.
Một trường hợp điển hình cho việc bố mẹ thờ ơ, thiếu niềm tin với con là khi con gặp phải vấn đề gì, lời đầu tiên của bố mẹ không phải an ủi mà đặt hàng loạt các câu hỏi "Vì sao?", sau đó đổi lỗi cho chính đứa trẻ.
Nếu con bị cảm cúm, cha mẹ lập tức sẽ đổ lỗi do con không mặc ấm. Nếu bị trộm lấy mất đồ, nguyên nhân sẽ là do con chủ quan không biết cất cẩn thận.
Tất cả những điều trên tưởng chừng là bình thường nhưng nó như một lưỡi dao cắt dần cảm hứng nói chuyện của con với bố mẹ.
Kết quả là bố mẹ cảm thấy con cái mình rất ngoan ngoãn vì không bao giờ cãi lại. Nhưng một khi trẻ gặp khó khăn vượt quá khả năng giải quyết của chúng, hệ quả thường rất bi đát.
Dạy con cam chịu thay vì phản kháng
Theo tư tưởng giáo dục phương Đông, trẻ con luôn được dạy phải khiêm tốn, ngoan ngoãn và tuyệt đối nghe lời người lớn. Cách dạy này sẽ sản sinh ra những đứa trẻ luôn cam chịu để trở nên ngoan ngoãn thay vì biết phản kháng bảo vệ mình.
Người lớn thường cho rằng có được những đứa con ngoan là điều tuyệt vời nhất, bởi vì chúng chẳng bao giờ phá phách, phản bác hay bướng bỉnh. Nhưng bên trong trẻ là những bất mãn luôn được kìm nén, những suy nghĩ mà chúng không bao giờ bộc lộ hoặc không dám bộc lộ.
Ví dụ như cô bé Bảo Bảo, khi bị bạn bè bắt nạt, cô bé đã không phản kháng lại mà chỉ lặng lẽ tự giải quyết trong yên lặng. Không dám đánh lộn, không dám đấu tranh vì sợ bị đánh giá là đứa trẻ "hư", và rồi mọi thứ đã vượt qua sức chịu đựng của cô bé này.
Từng có câu nói: "Người hạnh phúc dùng thời thơ ấu chữa lành vết thương cho cuộc sống của họ, nhưng những người đau khổ dùng tương lai chữa lành vết thương thời thơ ấu".
Do vậy, bố mẹ hãy là những người bạn, người đồng hành, san sẻ yêu thương để con mình có một thời thơ ấu tốt đẹp, một miền ký ức để gửi gắm tinh thần, đối mặt với tương lai.
Minh Khôi(T/h)