(ĐSPL) – Bất chấp lời kêu gọi của Mỹ và Anh, Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định sẽ vẫn chuyển giao tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral đầu tiên cho Nga vào tháng 10 tới.
Phát biểu của Tổng thống Hollande được đưa ra đêm trước cuộc họp của ngoại trưởng các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) bàn về những biện pháp cấm vận Nga do cuộc khủng hoảng ở Ukraina. Ông Hollande nói rằng tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral đầu tiên sẽ được bàn giao cho Nga vào tháng 10 nhưng quyết định giao chiếc thứ 2 sẽ còn chờ vào thái độ của Nga.
|
Tổng thống Pháp Francois Hollande cương quyết bán tàu chiến cho Nga |
Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng giải thích hợp đồng mua bán tàu chiến được Pháp ký với Nga từ năm 2011. Thời điểm trên, các biện pháp trừng phạt Nga chưa ngăn cản Paris thực hiện giao dịch. Ông Hollande nhấn mạnh người Nga đã trả hơn 1 tỷ euro và nếu như thương vụ đổ bể, Pháp sẽ phải trả lại số tiền này.
Lãnh đạo Đảng Xã hội cầm quyền Jean-Christophe Cambadelis nói trên kênh truyền hình Pháp ngày 22/3 rằng ông Hollande đã không nể mặt các đồng minh khi vẫn tiếp tục cung cấp tàu chiến cho Nga. Nếu như thương vụ này thành công, Pháp là nước đầu tiên trong khối Liên minh quân sự Bắc Đại Tây dương (NATO) bán thiết bị quân sự cho Nga. Hợp đồng có tổng giá trị 1,2 tỷ euro.
Bình luận về thông tin Pháp kiên quyết thực hiện giao dịch với Nga, Tổng thống Litva Dalia Grybauskaite nói rằng Châu Âu đang thể hiện sự yếu thế trước Nga.
|
Hải quân Pháp hiện có 3 tàu đổ bộ lớp Mistral hoạt động kể từ năm 2006 |
Khoảng 400 thủy thủ Nga đã sang Pháp từ ngày 30/6 để tham gia khóa huấn luyện đào tạo với con tàu đổ bộ chở trực thăng Mistral đầu tiên. Danh tính của các thủy thủ không được tiết lộ và họ sẽ ở lại đào tạo cho đến hết tháng 9.
Trong khi Mỹ và Anh kịch liệt phản đối hợp đồng mua bán tàu chiến giữa Pháp và Nga thì Tổng thống Francois Hollande lại nhận được sự ủng hộ của giới chính trị gia ở trong nước. “Lời nói của Pháp, hợp đồng đã ký kết là những điều cần phải được tôn trọng. Khi người Mỹ nói ‘nhảy’, không có nghĩa là chúng ta phải nhảy theo”, Xavier Bertrand, một cựu bộ trưởng dưới thời ông Sarkozy bình luận.
Tàu đổ bộ Mistral – niềm tự hào của Pháp
Bên cạnh máy bay chiến đấu Dassault Rafale, tàu đổ bộ Mistral là một trong những khí tài quân sự hoàn toàn do Pháp nghiên cứu và sản xuất.
Hải quân Pháp hiện có 3 tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral hoạt động kể từ năm 2006 bao gồm Mistral, Tonnerre, Dixmude. Nga đã ký hợp đồng mua hai tàu đổ bộ trị giá 1,2 tỷ USD vào năm 2010 và đặt tên là Vladivostok và Sevastopol.
|
Mistral là lớp tàu đổ bộ lớn nhất hiện nay ở châu Âu và có thể hoạt động với nhiều sứ mệnh khác nhau |
Tàu đổ bộ Mistral có thể thực hiện các nhiệm vụ với mục đích khác nhau làm tàu chỉ huy, đổ bộ tấn công, hỗ trợ hậu cần, di tản, bệnh viện dã chiến và thực hiện các sứ mệnh tác chiến hải quân khác.
Với chiều dài 199m, rộng 32m, lượng giãn nước tối đa 21.300 tấn, tàu độ bộ lớp Mistral đạt tốc độ tối đa 19 hải lý/giờ nhờ hệ thống động cơ diesel công suất 20,8MW. Tầm hoạt động của Mistral đạt 20.000km và là tàu đổ bộ lớn nhất ở Châu Âu hiện nay.
Hệ thống phòng vệ của tàu đổ bộ lớp Mistral gồm có 2 tổ hợp tên lửa phòng không MBDA Simbad, 2 tổ hợp pháo phòng không Breda-Mauser 30mm và 4 súng máy 12,7mm Browning M2-HB. Tàu có thể mang theo từ 450-900 lính thủy đánh bộ, 40 xe tăng Leclerc MBTs, 16 trực thăng cỡ vừa hoặc 35 trực thăng hạng nhẹ.
Hải quân Pháp lần đầu tiên sử dụng tàu đổ bộ Mistral trong cuộc chiến tranh Lebanon năm 2006 nhằm mục đích sơ tán công dân Châu Âu. Các quan chức Pháp từng đề xuất nâng cấp thêm khả năng phòng vệ của Mistral với việc thay hệ thống tên lửa Simbad vốn phải vận hành bằng tay bằng các ống phóng tên lửa Tetral hoàn toàn tự động.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-mac-dong-minh-phap-chuyen-giao-tau-chien-mistral-cho-nga-a42471.html