Đó là ý kiến của bà Bùi Thị An - ĐBQH Khóa XIII (TP Hà Nội) trong buổi trả lời Đời Sống và Pháp Luật về những rủi ro của người lao động XKLĐ tại Ả Rập.
Trong thời gian quan, Đời Sống và Pháp Luật đăng tải nhiều trường hợp người lao động Việt Nam tại Ả Rập kêu cứu vì bị ngược đãi và những “khuất tất” trong hợp đồng. Đến thời điểm này đã có 6 người lao động được về nước. Tuy nhiên, hầu hết những người lao động này đều không hề biết mình được ký hợp đồng với công ty XKLĐ nào mà chỉ được thông qua các đơn vị môi giới. Việc người lao động không được trực tiếp tuyển dụng hay ký hợp đồng dẫn đến khi xảy ra sự cố, rủi ro thì người lao động không biết trông chờ vào đâu.
PV Đời Sống và Pháp Luật đã buổi phỏng vấn trực tiếp ĐBQH Khóa XIII (TP Hà Nội) Bùi Thị An về những vấn đề liên quan của tình trạng trên.
ĐBQH Khóa XIII (TP Hà Nội) Bùi Thị An trả lời về tình trạng XKLĐ tại Ả Rập. |
Theo bà thì nguyên nhân nào đang trực tiếp dẫn đến nhưng rắc rối cho người dân khi XKLĐ sang Ả Rập thời gian vừa qua?
ĐBQH Bùi Thị An: XKLĐ với trình độ cao thì có thể thu về được lượng ngoại tệ rất lớn, tuy nhiên theo tôi mảng XKLĐ lao động giản đơn trong bối cảnh lao động Việt Nam có lẽ dần dần nên hạn chế. Vì XKLĐ giản đơn có giá trị hơi rẻ có thu lợi cho đất nước về không phải là cao.
Tôi có theo dõi báo chí trong thời gian vừa qua và thấy được việc quản lý từ phía cơ quan nhà nước trong việc này là yếu. Việc để tình trạng người lao động ở các nước Trung Đông như Ả Rập Xê Út sang đó làm việc thường rơi vào tình cảnh bơ vơ, họ có thể bị lừa từ khi đã ở Việt Nam (từ các đơn vị môi giới lừa đảo) để rồi hầu như không ai giúp đỡ họ khi gặp khó khăn, rủi ro dẫn đến tình trạng “bỏ con giữa chợ”. Trong khi đó còn người thân, vợ con của họ đang chờ ở nhà với hy vọng mọi người đi XKLĐ sẽ được đổi đời khiến tôi thấy thất vọng hoàn toàn.
Nói về góc độ chuyên môn thì các doanh nghiệp XKLĐ cần phải có trách nhiệm như thế nào đối với người lao động khi có rủi ro trong thời gian làm việc và khi hết hạn hợp đồng?
ĐBQH Bùi Thị An: Một cái trách nhiệm là khi đưa người lao động đi XKLĐ từ đầu, các doanh nghiệp phải theo dõi cả quá trình để có thể đưa họ về nước an toàn. Không thể nói là tôi chỉ đưa người ta đi lúc đầu rồi còn không có trách nhiệm nào về sau nữa.
Theo bà liệu có lỗ hổng nào trong khâu quản lý hoạt động doanh nghiệp XKLĐ gián tiếp tạo nên những vấn đề khó khăn cho người lao động thời gian vừa qua?
ĐBQH Bùi Thị An: Chắc chắn có lỗ hổng nên dẫn đến tình trạng nhiều người dân bị lừa làm việc ở nước ngoài như vậy. Trong trường hợp này tôi nghĩ chắc chắn có vấn đề, còn sai phạm như thế nào, sai phạm đến đâu thì chỉ có sự ra soát của các cơ quan chức năng như Bộ LĐ TBXH, Sở LĐ TBXH thì mới biết được.
Cần có giải pháp nào nhằm giải quyết triệt để những nguyên nhân đang gây khó khăn cho người lao động?
ĐBQH Bùi Thị An: Theo tôi thì Bộ LĐ TBXH cần rà soát từ địa phương có bao nhiêu doanh nghiệp XKLĐ lên đến các cấp trên. Qua theo dõi của Bộ LĐ TBXH, vùng nào, doanh nghiệp nào có nhiều người lao động bị lừa nhiều nhất và đánh giá lại hoạt động của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào để xảy ra quá nhiều tình trạng rủi ro cho người lao động thì cần xem lại cấp phép hoạt động. Từ đó mới có thể khẳng định được các trường hợp nào cấp phép sai hay đúng hoặc có lợi ích phía sau không.
Sau khi kiếm tra đánh giá thì các cơ quan quản lý nhà nước cần công khai để cho báo chí, truyền hình và người dân được biết và Bộ LĐ TBXH nên có những biện pháp xử lý thích đáng.