Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quyết định hủy sơ tuyển đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu trong nước đối với 8 dự án cao tốc Bắc – Nam.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quyết định hủy sơ tuyển đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu trong nước đối với 8 dự án PPP thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Sáng 24/9, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã chính thức phát đi thông tin cho biết, sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan, Bộ đã chính thức lựa chọn chỉ đấu thầu trong nước với 8 dự án thành phần dự kiến đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) của cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Theo ông Đông, đây là dự án lớn, quan trọng và nhận được sự quan tâm của cả xã hội, cả hệ thống chính trị trong và ngoài nước.
Dự án đã được Quốc hội thông qua, dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020 11 dự án thành phần với chiều dài 654 cây số, tổng vốn đầu tư hơn 100.000 tỉ đồng, trong đó 3 dự án đầu tư công (những đoạn không hấp dẫn với nhà đầu tư) và 8 dự án BOT.
8 dự án BOT hiện vẫn đang ở giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư nhưng đã tốn không ít giấy mực suốt thời gian qua, vì thông tin chỉ có nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm đầu tư.
Việt Nam sẽ chỉ chọn nhà thầu trong nước thực hiện cao tốc Bắc - Nam. Ảnh minh họa |
Theo ông Đông, 8 dự án này đã được mời thầu quốc tế rộng rãi để chọn nhà đầu tư, thực hiện theo quy định của luật Đấu thầu.
Đến tháng 7/2019, tất cả các ban quản lý dự án đã nhận được 60 hồ sơ của các ứng viên trong và ngoài nước. Qua đánh giá, có 4 dự án không có nhà đầu tư tham gia, 2 dự án chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia và 2 dự án còn lại có 2 - 3 nhà đầu tư tham gia, trong đó có 1 số nhà đầu tư trong nước liên danh với nước ngoài.
Với số lượng hồ sơ nhận được như trên, Bộ đánh giá là các dự án này chưa hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, cạnh tranh không lớn. Xét bối cảnh quốc tế rất phức tạp, cân nhắc khả năng cũng như phát huy nội lực của doanh nghiệp trong nước, Bộ có báo cáo với các cơ quan khác nhau, thống nhất đấu thầu cạnh tranh trong nước để lựa chọn nhà đầu tư trong nước. Quyết định này đến từ việc cân nhắc 2 yếu tố: vấn đề an ninh quốc phòng của tuyến đường huyết mạch Bắc - Nam và việc các nhà đầu tư nước ngoài cũng không quá quan tâm đến dự án này (đến nay chỉ có các nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm).
Được biết, theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV, giai đoạn 2017-2020, dự án cao tốc Bắc - Nam tiếp tục đầu tư một số đoạn phía Đông với chiều dài khoảng 654 km, chia làm 11 dự án thành phần gồm các đoạn: từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh); từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên - Huế); từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai), Cầu Mỹ Thuận 2, (Tiền Giang và Vĩnh Long).
Trong đó có 3 dự án sử dụng vốn đầu tư công, 8 dự án thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BOT được triển khai đấu thầu quốc tế chọn nhà đầu tư thực hiện. Tổng mức đầu tư toàn bộ dự án hơn 102.000 tỉ đồng, trong đó có hơn 50.000 tỉ đồng vốn đầu tư công, hơn 51.000 tỉ đồng do các nhà đầu tư huy động.
Mới đây, ngày 16-9, Bộ GTVT đã khởi công dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 98km nối Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế với tổng mức đầu tư 7.669 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Đây là dự án đầu tiên của 11 dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được khởi công.
Dự kiến tổng mức đầu tư 8 dự án này 104.070 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư Nhà nước 40.360 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Vũ Đậu (T/h)