Theo đại diện bộ GTVT, nếu người vi phạm cho rằng nồng độ cồn của mình do ăn hoa quả thì có quyền được xét nghiệm máu để cho kết quả chính xác nhất.
Không có chuyện ăn hoa quả, uống siro bị xử phạt
Sau khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được ban hành, trên một số trang mạng xã hội đã lan truyền thông tin về việc ăn vải, nho, dứa, táo, sầu riêng, xoài... hay uống siro có thể tạo ra nồng độ cồn trong hơi thở, dẫn đến việc xử phạt khiến không ít người dân tỏ ra lo lắng.
Tài xế có quyền khiếu nại nếu như nồng độ cồn trong cơ thể là do ăn hoa quả, không phải do uống bia rượu. |
Đại diện bộ GTVT cho biết, có trường hợp người dân ăn một số loại hoa quả hay uống siro khiến trong người cũng có nồng độ cồn. Tuy nhiên, nồng độ cồn này sẽ không lưu lại lâu và trong quá trình kiểm tra, xử lý, lập biên bản người điều khiển phương tiện vi phạm hoàn toàn có quyền được giải thích về lý do có nồng độ cồn, thậm chí sau đó là khiếu nại về quyết định xử phạt chưa đúng.
"Chúng tôi khẳng định không có chuyện người dân chỉ ăn hoa quả hoặc uống một số loại siro mà trong người có nồng độ cồn cũng bị xử phạt như những trường hợp sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Hiện tại đang có một bộ phận người dân chưa hiểu rõ về Nghị định mới nên đã có những ý kiến chưa chính xác”.
Được biết, nguyên nhân dẫn đến trường hợp người dân ăn một số loại thực phẩm như vải, nho, dứa, táo, sầu riêng, xoài... mà trong người có nồng độ là do các loại trái cây trên chứa hàm lượng đường rất cao. Khi để ở môi trường không khí dễ bị lên men, dẫn đến hiện tượng đường hóa rượu vừa nhanh và nồng độ cũng cao hơn các loại trái cây khác.
“Trong trường hợp, người vi phạm cho rằng, nồng độ cồn của mình do ăn hoa quả chứ không phải do uống rượu bia, đồ uống có cồn thì có quyền được xét nghiệm máu để cho kết quả chính xác nhất”, đại diện bộ GTVT khẳng định.
Tài xế từ chối nộp phạt có thể bị tăng lên “kịch khung”
Cũng liên quan đến những vấn đề nảy sinh sau tuần đầu tiên áp dụng Nghị định 100, bên cạnh những tài xế chấp hành hiệu lệnh thì vẫn còn một số lái xe tìm cách đối phó như để xe lại, không ký biên bản...
Trước hành vi này, luật Phạm Ngọc Hải (Công ty Luật AMI) cho PV Đời sống & Pháp luật biết: Hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ là trái quy định của pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 5, Điều 6, Điều 7, và Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP".
CSGT tiến hành đo nồng độ cồn đối với tài xế. |
Cụ thể, tại khoản 10, Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, người điều khiển phương tiện là xe ô tô và các loại xe tương tự có thể bị xử phạt với mức phạt tiền là 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị tước Giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng.
Với hành vi tương tự, người điều khiển phương tiện là xe mô tô có thể bị xử phạt với mức tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Người điều khiển máy kéo, xe chuyên dùng sẽ bị phạt từ 16 - 18 triệu đồng (điểm b khoản 9 Điều 7) đồng thời bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe; Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ nếu điều khiển xe máy chuyên dùng từ 22 - 24 tháng.
Ngoài ra, người đi xe đạp, xe đạp điện nếu không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của CSGT cũng bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng (theo điểm d khoản 4 Điều 8).
Luật sư Hải cũng cho biết, mức phạt trên là tương đương với mức phạt cao nhất của hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Do vậy, việc dùng các biện pháp chống đối, không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn sẽ không làm giảm đi mức tiền bị xử phạt của người vi phạm mà ngược lại còn đưa mức phạt tăng lên “kịch khung”.
Do đó, người tham gia giao thông nói chung và người bị vi phạm nói riêng cần nắm những quy định nêu trên để chấp hành pháp luật cho đúng, bảo vệ quyền lợi của chính bản thân mình.
Nguyễn Phượng(T/h)