Dự thảo luật Giao thông đường bộ sửa đổi có đề xuất các phương tiện mô tô, xe máy, xe đạp điện, máy điện phải bật đèn cả ban ngày khi lưu thông.
Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo luật Giao thông đường bộ sửa đổi, đáng chú ý, có đề xuất các phương tiện mô tô, xe máy, xe đạp điện, máy điện phải bật đèn cả ban ngày khi lưu thông.
Theo điều 27 của dự thảo luật, các phương tiện tham gia giao thông vào ban đêm (từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau) hoặc khi trời tối, khi có sương mù, thời tiết xấu bị hạn chế tầm nhìn phải bật sáng đèn chiếu xa hoặc chiếu gần, đèn sương mù (nếu có), đèn chiếu hậu, đèn định vị.
Phương tiện phải tắt đèn chiếu xa và bật đèn chiếu gần (tắt đèn pha) khi lưu thông qua các khu vực dân cư có hệ thống chiếu sáng, khi xe xin vượt chuẩn bị vượt, để không chói mắt người điều khiển phương tiện theo chiều ngược lại.
Đáng chú ý, điểm 3 điều 27 quy định, trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất, hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau.
Bộ GTVT đề xuất xe máy phải bật đèn cả ngày - Hình minh họa |
Trao đổi trên Tri thức trực tuyến, ông Hoàng Thế Tùng, Phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT), cho biết quy định xe máy bật đèn cả ngày được Bộ GTVT căn cứ theo Công ước Vienna 1968 mà Việt Nam là thành viên từ năm 2014.
Loại đèn được bật vào ban ngày gọi là Daytime Running Light (DRL - khác với đèn pha, cos) nhằm tăng khả năng nhận biết các phương tiện khi tham gia lưu thông trên đường, đặc biệt tại các nước châu Âu có nhiều sương mù...
Tại Việt Nam, một số dòng xe nhập về Việt Nam như Honda SH, Honda Lead, Winner X... đều đã loại bỏ công tắc đèn. Đèn nhận diện được bật bất cứ khi nào xe nổ máy. Tuy nhiên cũng có nhiều dòng xe chưa có DRL mà chỉ có 2 chế độ pha, cos.
"Chúng tôi đã lường đến trường hợp này và quy định các dòng xe cũ chỉ có 2 chế độ pha, cos thì ban ngày phải bật đèn cos", ông Tùng cho biết.
Theo ông, điều khoản này nếu được áp dụng sẽ tạo ra thay đổi lớn trong thói quen sử dụng đèn xe của người tham gia giao thông ở Việt Nam. Quy định hiện hành mới chỉ yêu cầu người lái xe máy bật đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19h hôm trước đến 5h hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn.
Theo Điểm l, Khoản 1, Điều 6 Nghị định 100/2019, xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe môtô, xe gắn máy sẽ bị xử phạt 100.000-200.000 đồng nếu không sử dụng đèn chiếu sáng từ 19h hôm trước đến 5h hôm sau.
Đại diện Vụ An toàn giao thông cho biết, lỗi không bật đèn xe vào ban ngày trong tương lai cũng sẽ bị xử phạt, nhưng trước đó sẽ có thời gian tuyên truyền, nhắc nhở để người dân làm quen.
Trao đổi trên báo Pháp luật TP HCM, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay, Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ có quy định về bật đèn chiếu sáng cả ngày đối với phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, quy định này chỉ phù hợp với các nước châu Âu, ánh sáng ban ngày không đủ, sương mù nhiều, cần bật đèn để nhận diện.
Còn ở Việt Nam, một đất nước nhiệt đới với thời tiết vào mùa hè nhiệt độ luôn ở mức cao. Nếu bật đèn gây chói mắt với người điều khiển phương tiện giao thông đi ngược chiều. Cạnh đó sẽ tiêu tốn một lượng điện ở bình ắcquy, từ đó tăng tiêu thụ nhiên liệu, tăng chi phí, tăng lượng phát thải khí gây ô nhiễm môi trường.
“Nên tôi cho rằng việc bật đèn xe máy vào ban ngày với nước ta là không cần thiết. Đặc biệt việc bật đèn cũng không giảm thiểu được tai nạn giao thông, mà còn tác dụng ngược, như ô nhiễm môi trường, gây chói mắt…” - ông Quyền nêu quan điểm.
Cự Giải(T/h)