+Aa-
    Zalo

    Bộ GD&ĐT: Hơn 52.000 học sinh lớp 1 xếp loại “Chưa hoàn thành” phản ánh đúng chất lượng, không phải do đổi mới SGK

    (ĐS&PL) - Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT khẳng định, việc hơn 52.000 học sinh lớp 1 xếp loại “Chưa hoàn thành” không xuất phát từ chương trình, SGK

    Báo Tiền Phong dẫn thông tin từ Bộ GD&ĐT cho hay, năm học vừa qua, toàn quốc có hơn 9,2 triệu học sinh tiểu học, tăng hơn 476.000 em. Năm học 2022-2023 áp dụng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với lớp 1, 2, 3 và chương trình hiện hành với học sinh lớp 4, lớp 5. Các địa phương, trường học đã ưu tiên giáo viên có năng lực, chuyên môn nghiệp vụ tốt để dạy các khối lớp thực hiện thay sách giáo khoa (SGK), thực hiện chương trình mới.

    Kết quả học tập của học sinh lớp 1 cho thấy có hơn 50.000 bị xếp loại “Chưa hoàn thành” trong 4 mức đánh giá gồm: Xuất sắc, Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành.

    Cụ thể, môn Tiếng Việt dẫn đầu các môn với 49.702 em bị đánh giá “Chưa hoàn thành”; tiếp theo là môn Toán có 39.022 em bị xếp loại tương tự. Trong khi khối 2 đến khối 4 mỗi khối có từ 13.000 đến gần 16.000 em bị xếp loại tương tự. Duy chỉ có khối 5 số lượng xếp loại “Chưa hoàn thành” ít nhất (hơn 5.000 em).

    bo gd dt hon 52 000 hoc sinh lop 1 bi danh gia chua hoan thanh khong phai do doi moi chuong trinh sgk
    Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT. Ảnh: Tiền Phong

    Trao đổi về việc hơn 50.000 học sinh lớp 1 bị đánh giá “Chưa hoàn thành”, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT khẳng định, con số đó đã phản ánh đúng chất lượng.

    Theo ông Tài, do lớp 1 là năm đầu tiên của bậc học vô cùng đặc biệt với nhiều yêu cầu về kỹ năng cần đạt, năng lực cần đạt cũng như tạo nền tảng vững chắc để học sinh thuận lợi học các năm tiếp theo. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là quản lý chặt chẽ khối lớp đầu tiên của cấp học vì nếu lỏng lẻo ở đây sẽ tạo khoảng trống dẫn đến nhiều nguy cơ không thể khắc phục được về sau, trong đó có nguy cơ tái mù chữ và ngồi nhầm lớp. 

    Một lý do nữa là trước thềm năm học vừa qua, kết quả khảo sát cho thấy có khoảng 2% trẻ 5 tuổi chưa được đi học mầm non, chủ yếu là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và có cả phần ảnh hưởng bởi yếu tố dịch bệnh. Không được học mẫu giáo, khi vào lớp 1, trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. 

    Ngoài ra, năm học 2022-2023 cũng là năm đầu tiên học sinh toàn quốc được đi học trực tiếp trọn vẹn sau dịch COVID-19 ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng nói chung.

    Ông Tài thông tin thêm, các trường đã có kế hoạch bù đắp kiến thức cho học sinh trong dịp hè và các em phải trải qua bài khảo sát trước khi được lên lớp. Tuy nhiên, “sẽ có trường hợp học sinh ở lại, nhưng không phải con số hơn 50.000 em”, ông Tài đánh giá.

    Nói về việc một số chuyên gia lo ngại chương trình, SGK mới vẫn nặng về kiến thức và khó đối với học sinh, nhất là học sinh lớp 1, ông Tài  khẳng định, con số hàng chục nghìn học sinh bị đánh giá, xếp loại “Chưa hoàn thành” cuối năm học không xuất phát từ chương trình, SGK.

    Ông Tài lý giải, khi thiết kế, xây dựng chương trình GDPT mới, các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đã rất quan tâm tới đối tượng học sinh lớp 1 để có những điều chỉnh phù hợp. Ví dụ, môn Tiếng Việt đã được điều chỉnh để tăng từ 350 tiết/năm học lên thành 420 tiết/năm học nhưng nội dung kiến thức không tăng. Nghĩa là vẫn chừng đó chữ cái, âm vần nhưng tăng thời gian thực hành để học sinh thuận lợi hơn khi nắm được kiến thức.

    Trong khi đó, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội cho rằng, chương trình, SGK mới nặng hay nhẹ là do giáo viên. Hiện nay, giáo viên được giao quyền linh hoạt trong dạy học làm sao đảm bảo mục tiêu cần đạt cuối kỳ, cuối năm.

    Trong bối cảnh không còn dịch bệnh, học sinh được làm quen bảng chữ cái, các con số đơn giản ở bậc mầm non nên lên lớp 1 thuận lợi hơn. “Phụ huynh không cần và không nên cho con học thêm, luyện chữ trước khi vào lớp 1 bởi vì trong chương trình năm học sẽ đáp ứng các nội dung đó”, vị hiệu trưởng nói.

    Theo quy định, học sinh đánh giá “Chưa hoàn thành” là chưa thực hiện được một số yêu cầu học tập hoặc chưa có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục.

    Những học sinh này sẽ được giáo viên bồi dưỡng trong dịp hè. Nếu đã được hướng dẫn, giúp đỡ mà vẫn chưa đủ điều kiện hoàn thành chương trình lớp học thì giáo viên lập danh sách báo cáo hiệu trưởng để kiểm tra, đánh giá. Qua đó, hiệu trưởng quyết định học sinh lên lớp hay lưu ban.

    Vân Anh

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-gd-dt-hon-52-000-hoc-sinh-lop-1-bi-danh-gia-chua-hoan-thanh-khong-phai-do-doi-moi-chuong-trinh-sgk-a584253.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan