Dự thảo bỏ biên chế suốt đời đối với giáo viên đang khiến không ít giáo viên băn khoăn, mặc dù có thể trở thành động lực để giáo viên giảng dạy chất lượng trong từng giai đoạn, nhưng cũng đặt ra "nỗi lo" có thể khiến giáo viên trẻ "ngại" gắn bó với nghề, dẫn đến "khan hiếm" nhân lực tại các trường công lập.
Nan giải bài toán biên chế
Điều 25 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức đang được thảo luận tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ xã hội. Đặc biệt là cộng đồng giáo viên, một trong những đối tượng có số lượng bị ảnh hưởng rất lớn từ chính sách này.
Nếu dự thảo luật được thông qua thì đội ngũ giáo viên dạy trong các trường phổ thông, đặc biệt là trường công lập rất khó an tâm làm việc và tạo điều kiện cho hiệu trưởng sa thải giáo viên nếu họ làm mất lòng lãnh đạo.
Dự thảo bỏ biên chế suốt đời đang khiến không ít giáo viên băn khoăn. Ảnh minh họa |
Là một giáo viên mầm non đã công tác nhiều năm tại Lào Cai, cô Hoàng Thanh Sâm chia sẻ: "Mặc dù bản thân tôi đã thuộc biên chế suốt đời từ lâu, không chịu ảnh hưởng gì từ nội dung như dự thảo nêu, nhưng theo quan điểm cá nhân, tôi lo rằng, nếu bỏ biên chế suốt đời, có thể "gây khó dễ" cho một số giáo viên. Đối với cử nhân sư phạm vừa ra trường, cũng có thể dễ dàng "bỏ qua" nếu không thực sự yêu nghề. Những cử nhân ra trường không phải ai tốt nghiệp loại ưu cũng muốn chen chân vào trường công lập, những cử nhân tha thiết muốn vào trường công lập có lẽ cũng một phần vì biên chế suốt đời, vì sự ổn định, vì "bảo hành trọn đời". Nếu bây giờ không còn sự an toàn này nữa, có thể trường công lập sẽ mất đi một "lực hấp dẫn" đáng kể!".
Cô T.T.L., một giáo viên THCS tại quận Long Biên, Hà Nội cho rằng: "Theo tôi, có thể bỏ biên chế suốt đời, nhưng phải đảm bảo được lương và các chế độ đãi ngộ khác xứng đáng. Sinh viên hiện nay chọn theo sư phạm vốn đã rất ít, thiếu thí sinh, dẫn đến chất lượng đầu vào giảm. Nếu mức lương không thay đổi, môi trường làm việc "khắt khe" mà còn bỏ biên chế suốt đời, thì sẽ có nhiều giáo viên bỏ việc. Đối với bản thân tôi, nếu đúng như dự luật kia, bỏ biên chế suốt đời, mà các chế độ đãi ngộ khác vẫn "giậm chân tại chỗ", tôi cũng sẽ bỏ nghề, vì công sức bỏ ra không xứng đáng, không được trân trọng. Trong khi ngày càng bắt giáo viên phải nâng chuẩn, đào tạo trên chuẩn, yêu cầu hết chứng chỉ này, chứng chỉ kia, như bản thân tôi, trong tủ có hơn 10 cái bằng, chứng chỉ mà vẫn chưa đáp ứng đủ...".
Cho rằng việc bỏ biên chế suốt đời cũng không làm ảnh hưởng quá lớn đến môi trường làm việc, cô Nguyễn Hoài, một giáo viên tại quận Hà Đông, Hà Nội bày tỏ: "Tôi nhận thấy, giáo viên làm việc theo biên chế suốt đời hay hợp đồng thì khi nghỉ hưu vẫn được hưởng mức lợi ích tương tự. Tuy nhiên, nếu giữ biên chế suốt đời, có thể những nhà giáo lão thành, hoặc có thâm niên sẽ yên tâm công tác hơn, vì không phải canh cánh câu chuyện ký hợp đồng từng đợt một".
Trường công phải tìm giải pháp thu hút giáo viên
Trước những lo lắng của nhiều giáo viên về nội dung dự thảo, TS.Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục lại bày tỏ sự ủng hộ: "Theo tôi, việc bỏ biên chế suốt đời có thể dẫn đến nguy cơ thiếu giáo viên tại một số trường công lập. Tuy nhiên, đó lại là một động lực để một trường công lập có thể tự lực cánh sinh tìm ra điểm mạnh và giải pháp thu hút nhân lực. Không ít trường công lập khi được đưa ra cạnh một trường tư thục, vẫn có sức hút hơn, giáo viên không chỉ quan tâm đến mức lương, mà còn chú trọng môi trường làm việc, cách thức làm việc và uy tín của trường".
Theo bà, mặc dù có nhiều cách để nâng chất lượng giáo viên, nhưng việc bỏ biên chế suốt đời sẽ tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến mỗi giáo viên, khiến giáo viên phải tự làm mới mình, tự cải thiện trình độ... "Hiện nay, cơ chế xin - cho dễ dẫn đến tình trạng thiếu - thừa cục bộ về nhân sự ở nhiều trường học. Vì vậy, bỏ biên chế suốt đời cũng có thể giải quyết phần nào tình trạng thiếu - thừa giáo viên này. Khi không còn "gói bảo hành trọn đời", giáo viên phải tự mình tốt hơn, tự nâng cao chất lượng giảng dạy để tiếp tục ký hợp đồng", TS.Vũ Thu Hương nêu quan điểm.
Theo dự thảo, kể từ ngày 01/7/2020, tất cả các trường hợp chưa thực hiện hợp đồng làm việc không xác định thời hạn phải ký kết hợp đồng xác định thời hạn. Chỉ có viên chức đã thực hiện xong hợp đồng làm việc xác định thời hạn tại các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được chuyển sang hợp đồng làm việc không xác định thời hạn.
Cẩm Mịch
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật Chủ Nhật số 44