Theo Deadline, biến thể R.1 của SARS-CoV-2 đã xuất hiện trong đợi bùng phát dịch COVID-19 tại một cơ sở y tế có nhiều điều dưỡng lành nghề ở bang Kentucky (Mỹ). Theo Thống đốc Andy Beshear, bang Kentucky là 1 trong 3 bang có tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất ở Mỹ.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) thông tin, trong ổ dịch tại cơ sở y tế trên, đã có 26 người dân và 20 nhân viên y tế mắc COVID-19. Qua giải trình tự gene 28 mẫu vật vào ngày 1/3, lực lượng chức năng đã phát hiện các đột biến giống với biến thể R.1.
Hiện nay, CDC Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa xác định R.1 là biến thể cần quan tâm hay đáng lo ngại nhưng biến thể này có một vài đột biến nguy hiểm. Cụ thể, CDC cho biết, biến thể R.1 có chứa đột biến làm gia tăng khả năng lây nhiễm. Ngoài ra, các đột biết khác được phát hiện trong R.1 có thể làm giảm hiệu quả của các kháng thể trung hòa.
Tuy nhiên, đối với biến thể này, vaccine ngừa COVID-19 vẫn có tác dụng làm giảm nguy cơ lây nhiễm và ngăn chặn các triệu chứng nghiêm trọng ở bệnh nhân. Ngoài ra, biến thể R.1 được cho là ít "cạnh tranh" hơn so với biến thể Delta đang "thống trị" toàn cầu.
Tính đến ngày 22/4, CDC Mỹ đã xác định được 1.125 trường hợp nhiễm biến thể R.1. Trong khi đó, Forbes cho biết hiện nay có khoảng 10.000 ca bệnh liên quan tới biến thể này được ghi nhận trên toàn thế giới, dù vậy khi so sánh với số ca mắc biến thể Delta, con số này vẫn còn rất nhỏ.
Biến thể R.1 được xác định lần đầu tiên tại Nhật Bản vào tháng 1/2021 ở 3 bệnh nhân trong cùng 1 gia đình. NHK cho biết cả 3 người đều sống ở Nhật Bản và không có tiền sử đi du lịch nước ngoài.
Minh Hạnh (Theo Dealine)