(ĐSPL)- Theo nhận định của Viện nghiên cứu chính sách quốc tế (LIIP), Australia, căng thẳng leo thang trên Biển Đông sẽ là cơ hội gia tăng thế lực cho Nhật Bản.
|
Sự hung hăng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông vô tình gia tăng thế lực của Nhật Bản ở Đông Nam Á |
Chuyến thăm gần đây nhất của Tổng thống Obama đến Châu Á dường như không nhằm mục tiêu hạ nhiệt căng thẳng trên Biển Đông. Trái lại, ông Obama dường như khuyến khích Trung Quốc hung hăng theo đuổi yêu sách lãnh thổ.
Để nhấn mạnh hơn yêu sách của mình, Trung Quốc đã phát triển “chính sách ngoại giao cây gậy nhỏ” bằng cách theo đuổi một chiến lược lãnh thổ quyết đoán hơn, kết hợp với việc mở rộng tuần tra bán quân sự cùng với các hoạt động khai khẩn, nhanh chóng đưa giàn khoan hiện đại vào sâu vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng.
Sau nhiều năm kiên nhẫn, Việt Nam đang phải đấu tranh với những tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Sau khi đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thêm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục giở trò bằng cách tiếp tục khoan dầu trong vùng biển chồng lấn đang phân định, cấm doanh nghiệp nước này đấu thầu dự án ở Việt Nam. Trong chuyến đi Việt Nam được coi là động thái tái gia tăng những căng thẳng vào tháng 6 vừa qua, Ủy viên Quốc vụ viện (cựu Bộ trưởng Ngoại giao) Dương Khiết Trì ngang nhiên đổ lỗi cho rằng Việt Nam “thổi phồng” tranh chấp.
Có thể nhận thấy sự miễn cưỡng của Washington khi cung cấp hỗ trợ quân sự cho Philippines nếu thực sự có chiến tranh nổ ra trên Biển Đông. Trung Quốc cũng thừa nhận một cách công khai việc nước này đạng tiến hành các hoạt động xây dựng ở quần đảo Trường Sa. Đây là hành động vi phạm rõ ràng Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trong đó không khuyến khích các bên tranh chấp không đơn phương làm thay đổi hiện trạng.
Thông qua việc làm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông bằng cách tạo các đảo nhân tạo,Trung Quốc hướng mục tiêu củng cố những tuyên bố pháp lý của nước này bằng cách thiết lập chủ quyền trên biển đồng thời xây dựng một mạng lưới đường băng và các đồn trú quân sự để hỗ trợ Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tiềm năng trên Biển Đông. Để khẳng định lập trường cứng rắn về lãnh thổ, Trung Quốc cũng không ngần ngại công bố một bản đồ dọc thể hiện tham vọng và yêu sách lãnh thổ.
Bản đồ mới này đáng lo ngại ở hai khía cạnh. Thứ nhất, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trong khu vực mà họ gọi là "lợi ích cốt lõi" ở Biển Đông, biến "đường lưỡi bò" tự vẽ vô căn cứ thành ranh giới trên biển. Thứ hai, bản đồ này làm bùng phát chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc.
Động thái đáng báo động này của Bắc Kinh khiến cho Singapore lên tiếng chống lại Trung Quốc. Thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi một giải pháp dựa trên một nguyên tắc chung, dựa trên luật lệ quốc tế chứ không phải "chân lý thuộc về kẻ mạnh".
Philippines và Việt Nam đã nhanh chóng chấp nhận chính sách chủ động hơn của Nhật Bản trong khu vực. Kể từ khi trở lại nắm quyền vào cuối năm 2012, Thủ tướng Abe đã tìm mọi cách làm sâu sắc thêm sự hiện diện của của Tokyo ở Đông Nam Á, thể hiện Nhật Bản là quốc gia đối trọng với Trung Quốc và cung cấp đến 20 tỷ USD nhằm thúc đẩy kinh tế cho các thành viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Thông qua học thuyết "Abenomics ', ông cũng đã tìm cách chấm dứt tình trạng trì trệ kinh tế kéo dài nhiều thập niên của Nhật Bản nhằm hỗ trợ chính sách đối ngoại của Nhật Bản mạnh mẽ hơn.
Phải đối mặt với sự phản đối ở trong nước về các đề xuất sửa đổi hiến pháp hòa bình, chính quyền Abe vẫn thay đổi chính sách quốc phòng. Mục đích cuối cùng là cho phép Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đóng một vai trò trực tiếp trong việc đảm bảo đường giao thông trên biển và giúp đỡ các đồng minh an ninh nếu có xung đột vũ trang bùng nổ trong vùng biển quốc tế, đặc biệt là ở Biển Đông. Mỹ và Philippines đã hoan nghênh nỗ lực của Thủ tướng Abe trong việc nâng cấp chính sách quốc phòng của Nhật Bản. Tổng thống Philippines Benigno Aquino cũng nhiệt tình ủng hộ vai trò lớn hơn của quân đội Nhật Bản ở Châu Á.
Theo nhận định của Viện nghiên cứu chính sách quốc tế LIIP của Australia, hành động hung hăng quyết đoán của Trung Quốc đã vô tình tăng cường vị thế, trao thêm quyền cho đối thủ trong lịch sử là Nhật Bản – quốc gia đang theo đuổi vai trò lãnh đạo mới trong khu vực.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bien-dong-trung-quoc-vo-tinh-gia-tang-the-luc-nhat-ban-a39081.html