Quy định về hiệu lực của biển báo giao thông
Theo khoản 1 Điều 11 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người tham gia giao thông có nghĩa vụ phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ.
Trong đó, thứ tự hiệu lực của biển báo giao thông trong hệ thống báo hiệu được xác định theo Điều 4 Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT: “Nếu đoạn đường đồng thời bố trí các hình thức báo hiệu có ý nghĩa khác nhau, người tham gia giao thông phải chấp hành loại hiệu lệnh theo thứ tự sau: Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông. Hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Hiệu lệnh của biển báo hiệu giao thông. Hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường”.
Trường hợp có cả biển báo hiệu cố định và biển báo tạm thời có ý nghĩa khác nhau thì chấp hành hiệu lệnh của biển báo tạm thời.
Biển báo bị che khuất có hiệu lực không?
Luật Giao thông đường bộ tại điều 37.2 chỉ quy định chung là “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành có trách nhiệm cắm biển báo” mà thiếu các quy định về giám sát, phối hợp và chế tài vi phạm đối với đơn vị được giao nhiệm vụ cắm biển báo.
Cạnh đó, theo quy định khoản 1, điều 59 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì người có thẩm quyền xử phạt phải xác minh các tình tiết khác có ảnh hưởng tới việc ra quyết định xử phạt. Việc biển báo không rõ thông số, bị che khuất, lắp đặt ở vị trí bất hợp lý là “tình tiết khác” có ý nghĩa quan trọng đối với việc xem xét, ra quyết định xử phạt.
Nhưng điều 59 lại chỉ quy định “trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh các tình tiết…” nên không phải là điều khoản bắt buộc người có thẩm quyền xử phạt hành chính có nghĩa vụ chứng minh hành vi vi phạm của người vi phạm vì nếu cho là “không cần thiết” thì người có thẩm quyền xử phạt sẽ không bắt buộc phải xác minh cho dù đã có ý kiến của người bị lập biên bản là không đồng ý với lỗi ghi trong biên bản.
Như vậy, khi gặp phải trường hợp bị lập biên bản vi phạm vì các biển báo giao thông không đúng quy định, bị che khuất, người tham gia giao thông nên yêu cầu chụp hình, mô tả hiện trạng biển báo và ghi ý kiến không đồng ý của mình vào biên bản.
Người tham gia giao thông bị lập biên bản và bị xử phạt có quyền gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng hay khởi kiện hành vi hành chính (lập biên bản sai), quyết định hành chính sai (ra quyết định không có cơ sở) của cảnh sát giao thông đến tòa án thẩm quyền để được giải quyết.