(ĐSPL) - Đến thời điểm này, "Người đẹp Nhân ái" đã trải qua năm tập cùng hàng loạt dự án trải dài ở nhiều địa phương của đất nước.
Qua các video hành trình của thí sinh, khán giả có dịp tìm hiểu tính cách, khả năng xử lý tình huống và sâu xa hơn là tầm nhìn về xã hội của các người đẹp. Chỉ còn hai tuần nữa, chương trình sẽ hoàn thành việc giới thiệu 36 dự án nhân ái. Và thí sinh đăng quang danh hiệu "Người đẹp Nhân ái" sẽ được công bố ngay trong đêm Chung kết.
Tuần này, “Người đẹp Nhân ái” là hành trình của 4 thí sinh thuộc top 18 thí sinh vào vòng Chung kết thuộc khu vực phía Bắc: - Đào Thị Hà (SBD 094) thực hiện chiến dịch “Vận động hiến máu cho Viện huyết học Trung Ương”. - Huỳnh Thúy Vi (SBD 290) theo đuổi dự án “Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường”. - Trần Tố Như (SBD 193) thực hiện dự án lắp đặt trang thiết bị thể dục thể thao cho chị em phụ nữ tại huyện Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu - Ngô Thanh Thanh Tú (SBD 246) đến với Đắc Lắc với công trình “Lắp đặt khu vui chơi giải trí tuổi thơ”. |
Hàng ghế nóng ở tuần này diễn đã có sự thay đổi. Á hậu Hoa hậu Việt Nam 2014 Huyền My thay thế diễn viên Chi Bảo trở thành bình luận viên và nhận nhiệm vụ bảo vệ cho dự án của thí sinh Ngô Thanh Thanh Tú.
So với các vị dày dặn kinh nghiệm cạnh bên, Huyền My sở hữu lối ăn nói tự nhiên, trẻ trung và tận dụng lợi thế này để bảo vệ cho thí sinh thuộc đội của mình. Bên cạnh đó, nghệ sĩ MC Trấn Thành bảo vệ thí sinh Trần Tố Như. Nhà báo Trác Thúy Miêu chọn người đẹp Cần Thơ Huỳnh Thúy Vi. Cuối cùng, nghệ sĩ Xuân Bắc dành sự quan tâm đến dự án vận động chiến dịch hiến máu của thí sinh Đào Thị Hà.
1. Thí sinh Đào Thị Hà lan rộng thông điệp “Hiến máu cứu người”
Đào Thị Hà, cô gái từng đăng quang cuộc thi “Người đẹp Phố Biển 2016”, tạo nên một khởi đầu may mắn cho tập 6 của chương trình. Cô đảm nhận việc thực hiện dự án “Kết nối đỏ”- đạp xe tình nguyện và vận động hiến máu cho Viện huyết học Trung Ương.
Tại viện, lượng người đến hiến máu mỗi ngày hầu như không đáp ứng nhu cầu sử dụng của bệnh nhân. Bên cạnh đó, đa số sinh viên tại các thành phố lớn đều trở về quê vào mùa hè khiến tháng 6 - 7 hàng năm luôn là thời điểm khan máu nhất trong năm. Chính vì thế, thử thách lớn nhất của dự án này nằm ở yếu tố khơi dậy tầm quan trọng của việc hiến máu với người dân. Đây cũng là kỳ vọng mà ban bình luận dành cho thí sinh Nghệ An sau khi xem video giới thiệu dự án.
Không dừng lại ở việc lắng nghe ý kiến từ cán bộ, Đào Thị Hà còn đi sâu vào tìm hiểu hoàn cảnh của các em nhỏ đang được điều trị tại đây. Trong đó, rất nhiều em phải sống suốt đời bên cạnh chiếc máy thay máu và thải sắt do bệnh tan máu bẩm sinh. Nét ngây thơ, sự tinh nghịch của các cô cậu bé trong chiếc áo bệnh nhân khiến Đào Thị Hà càng thêm quyết tâm hoàn thành dự án. Đến lúc này, người đẹp dần bỏ đi suy nghĩ “đi hiến máu cùng bạn bè chỉ để cho vui” và nhận ra tầm quan trọng của máu đối với mạng sống của những mầm non của đất nước.
Trong video trình chiếu kết quả dự án, Đào Thị Hà thể hiện nhiệt huyết cao độ trong buổi ra quân đạp xe và tuyên truyền thông điệp “Hiến máu cứu người” . Cô sau đó trở lại Viện huyết học Trung Ương để thăm và tặng quà cho 50 bệnh nhân nghèo, mỗi suất trị giá 500.000 ngàn đồng.
Sau những công sức của của thí sinh Đào Thị Hà và đội tình nguyện viên, Viện đã nhận hơn 95 đơn vị máu. Người đẹp chào kết video bằng một lời nhắn nhủ rằng mọi người nên tham gia các chiến dịch hiến máu tình nguyện vì máu rất cần thiết và đặc biệt quan trọng đối với những trẻ em mắc phải bệnh đường huyết.
Dự án được ban bình luận đánh giá cao sự chân thành và mộc mạc. Nghệ sĩ Trấn Thành đùa vui rằng anh sẽ tình nguyện đến đầu tiên trong buổi hiến máu do người đẹp Nghệ An tổ chức. Bên cạnh đó, Đào Thị Hà được nhà báo Trác Thúy Miêu dành lời khen do tìm hiểu kĩ về dự án. Người đẹp trả lời rõ ràng, chi tiết về dự án cũng như cách thức để được hiến máu. Điều này chứng tỏ cô chỉ là một thí sinh tham gia chương trình, mà trở thành một người lãnh đạo dự án thật sự.
2. Thí sinh Cần Thơ hóa thân thành cô gái dân tộc Mường
Xã Hạ Bì, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình là nơi sinh sống của nhiều người thuộc dân tộc Mường. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn về điều kiện sinh hoạt và học tập, nhu cầu thưởng thức và phát triển những giá trị về văn hóa tại vẫn rất được đề cao. Tuy vậy, khó khăn về tài chính và thiếu đi những kế hoạch bảo tồn văn hóa của địa phương khiến cho những nét văn hóa đặc trưng ngày càng mai một. Một nghệ nhân lớn tuổi sống tại xã đầy tiếc nuối cho biết không còn nhiều người trẻ trong làng có thể chế tạo ra những nhạc cụ truyền thống như trước đây. Do đó, một dự án về văn hóa dân tộc sẽ là thử thách đặt ra cho thí sinh Huỳnh Thúy Vi (SBD 290).
Lần đầu được tiếp cận đến một dân tộc thiểu số thuộc khu vực phía Bắc, người đẹp đến từ miền Nam không khỏi bỡ ngỡ và tò mò. Thúy Vi lập tức nhận ra những nét độc đáo, khác lạ của văn hóa bản sắc dân tộc Mường từ trang phục, nhạc cụ,… Tại đây, cô gái miền Tây được khoác lên mình bộ trang phục của người Mường. Nhờ làn da sáng và nét đẹp nhẹ nhàng, Thúy Vi nhận rất nhiều lời khen giống người bản xứ. Trước những câu nói đó, cô cảm thấy rất hạnh phúc và cảm thấy như bản thân đã trở thành một phần của nơi đây.
Nhờ khả năng tự tìm hiểu và đào sâu vấn đề, Thúy Vi càng nhận ra điều cần giữ gìn chưa hẳn là những vật phẩm hữu hình. Thay vào đó, cô đặt ra cho mình mục tiêu lưu giữ và đề cao những cảm xúc đối với văn hóa đặc trưng của dân tộc Mường nói riêng và Việt Nam nói chung. Có như vậy, dự án mới thật sự phát huy được tính lâu dài và thiết thực. Cô cũng cho biết thêm, nhu cầu về một sân khấu trình diễn là cần thiết, vì đó sẽ là nơi diễn ra những buổi giao lưu văn nghệ, giới thiệu nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc.
Thúy Vi đã biến những suy nghĩ trên thành hành động khi dùng gói tài trợ để xây dựng một sân khấu nổi. Khi chứng kiến những tấm phông nền và hệ thống đèn chiếu sáng hoạt động chỉn chu, người đẹp Cần Thơ không giấu được sự hạnh phúc.
Từ nay, người dân nơi đây có thể tụ họp, sinh hoạt và thỏa mãn nhu cầu ca hát, nhảy múa trên một sân khấu khang trang. Không những vậy, Thúy Vi không ngại khó tập luyện và biểu diễn một điệu nhảy của dân tộc Mường để gửi tặng bà con trong đêm giao lưu văn nghệ. Đặc biệt, cô cùng Ban tổ chức dành tặng 40 bộ trang phục biểu diễn và một loạt nhạc cụ dân tộc nhằm tạo cơ hội cho địa phương phát triển những sự kiện giao lưu văn nghệ.
Trong phần bình luận của ban giám khảo, nhà báo Trác Thúy Miêu cảm ơn cô gái Cần Thơ và chương trình vì có những nỗ lực mang đậm tính bảo tồn văn hóa. Nữ giám khảo cũng nhắc đến vùng đất Cần Thơ, nơi có chợ nổi Cái Răng, đờn ca tài tử… đang ngày càng bị mai một. Ngay khi đó, người đẹp bắt đầu rưng rưng, xúc động và chia sẻ cô cũng cảm thấy tiếc nuối khi văn hóa quê nhà không còn được thế hệ trẻ lưu giữ như xưa. Sau khi thực hiện dự án nhân ái này, cô quyết tâm sẽ đưa văn hóa truyền thống, đặc trưng của Cần Thơ quay trở lại và sẽ phát triển hơn.
3. Thí sinh Trần Tố Như tự tin trước màn chất vấn của bình luận viên Trấn Thành
Thí sinh Trần Tố Như (SBD 193) thuộc đội của nghệ sĩ Trấn Thành thực hiện dự án lắp đặt trang thiết bị thể dục thể thao cho chị em phụ nữ tại huyện Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu. Công viên đường Nguyễn Huệ là một trong những địa điểm vui chơi, sinh hoạt của người dân Côn Đảo. Tuy nhiên, sự thiếu thốn về hình thức giải trí và cuộc sống lam lũ, lo lắng cơm áo gạo tiền khiến nơi đây thiếu vắng tiếng cười của những người phụ nữ.
Trước tình hình đó, Tố Như đã dùng gói tài trợ để lắp đặt hàng loạt những chiếc máy tập luyện cho cơ thể. Cô hi vọng nhờ có những chiếc máy tập này, những người phụ nữ huyện đảo sẽ thêm hình thức giải trí và chăm sóc vóc dáng, đời sống tinh thần của mình.
Nhờ sự cố gắng và tập trung, Tồ Như sớm hoàn thành dự án của mình. Những chiếc máy tập mang đến một vẻ ngoài hiện đại và mới mẻ cho khu công viên thuộc huyện Côn Đảo. Nụ cười của nhiều chị em phụ nữ nơi đây là minh chứng mạnh mẽ nhất về kết quả công việc của Tố Như. Tuy nhiên, người đẹp từng gặp Tổng thống Obama dường như chưa hoàn toàn hiểu rõ được thông điệp bao quát của dự án.
Để giúp Tố Như nhận ra điều này, nghệ sĩ Trấn Thành bất ngờ “tấn công” cô với loạt câu hỏi xoáy sâu về mục đích và ý nghĩa của dự án. Chưa dừng lại ở đó, Trấn Thành tiếp tục yêu cầu Tố Như chia sẻ về ý kiến người dân với dự án lắp đặt trang thiết bị thể dục thể thao. Trước hàng loạt yếu tố cần làm rõ, Tố Như đôi lúc rơi vào tình trạng bối rối.
Để giúp thí sinh do mình bảo vệ, nghệ sĩ Trấn Thành cho rằng Tố Như phải hiểu đúng hơn về ý nghĩa của dự án, về nỗ lực cô đã bỏ ra. Theo Trấn Thành, Côn Đảo là một vùng đất gắn liền với những kí ức đau buồn. Chưa kể việc di chuyển khó khăn khiến người dân hầu như bị cô cập, khó có cơ hội kết nói với người ngoài.
Cũng từ đó, phụ nữ huyện đảo hạn chế dần những nhu cầu chăm sóc bản thân. Họ dường như quên đi quyền được làm đẹp, quyền được “ăn ngon mặc đẹp” chính đáng. Anh cho rằng những chiếc máy tập của Tố Như như một cách đổi mới nhận thức và suy nghĩ về cuộc sống của những phụ nữ nơi đây. Qua những lời góp ý của nghệ sĩ Trấn Thành, người đẹp Thái Nguyên rất cảm kích và thêm phần tự hào về dự án của mình.
4. Nhà báo Trác Thúy Miêu nhắc nhở thí sinh Ngô Thanh Thanh Tú vì chưa hiểu rõ trẻ em miền núi
Ngô Thanh Thanh Tú, thí sinh cuối cùng của chương trình, nhận được sự bảo vệ từ Á hậu Huyền My. Em gái của Á hậu Ngô Trà My thực hiện dự án “Lắp đặt khu vui chơi giải trí tuổi thơ” tại buôn Dur 1, xã Dur K’măn, huyện Krông Ana, tỉnh Đắc Lắc. Mô-típ lắp đặt khu vui chơi cho trẻ em từng được nhiều thí sinh “Người đẹp Nhân ái” thực hiện trước đó. Tuy nhiên, cách thức triển khai của Ngô Thanh Thanh Tú chưa được đánh giá cao.
Trong những ngày thực hiện dự án, Thanh Tú di chuyển bằng xe đạp băng qua những con đường làng để tìm hiểu thêm về cuộc sống và sinh hoạt của trẻ em nơi đây. Rất nhiều lần, cô chứng kiến cảnh các em nhỏ phải đi chăn trâu, làm ruộng cùng bố mẹ sau giờ học. Các em coi những công việc đồng áng này như những giờ giải trí và hồn nhiên vui đùa trên những thửa ruộng. Những trò chơi rất hiếm gặp tại thành thị như ô ăn quan, mèo đuổi chuột hay cờ đá lại khiến trẻ em tại buôn Dur 1 cười tươi khoái chí. Dễ dàng thấy được, những điều rất đỗi bình thường trong cuộc sống như một sân bóng, một khu vui chơi lại là những thứ rất xa xỉ đối với trẻ em miền núi.
Theo đó, Thanh Tú sử dụng gói tài trợ 100 triệu đồng nhằm đổ tráng bê tông cho nền sân của khu vui chơi với diện tích 564 m2. Ngay sau đó, các trò chơi cho các em thiếu nhi bao gồm xích đu, cầu trượt, thú nhún, lồng quay, bập bênh được chuyển đến và lấp đầy khu vui chơi. Từng khu vui chơi hoàn thành là từng ấy mồ hôi và công sức mà Thanh Tú đã bỏ ra. Cô nở nụ cười rạng rỡ khi biết rằng sau những giờ học căng thẳng, các em đã có một khu vui chơi đầy bổ ích và thú vị. Và nụ cười đón nhận của trẻ em nơi đây chính là món quà lớn nhất Thanh Tú nhận được trong suốt hành trình nhân ái.
Á hậu Huyền My chia sẻ, khi bằng tuổi các em cô chỉ biết cắp xách đến trường, chứ không cùng gia đình san sẻ gánh nặng cơm áo gạo tiền. Người đẹp đặt ra vấn đề cùng Thanh Tú rằng dự án không chỉ chỉ là đáp ứng nhu cầu giải trí của trẻ em. Ở tầm bao quát hơn, đó là những đóng góp nhằm giúp phát triển tương lai của chính các em, những đứa trẻ thiếu thốn. Nhà báo Trác Thúy Miêu nhắc nhở Thanh Tú rằng bên cạnh việc lắp đặt thêm khu vui chơi, Thanh Tú cũng nên cân nhắc phát huy những trò chơi truyền thống, giản dị như lò co, ô ăn quan, cờ đá để mang lại vẻ đẹp đúng nghĩa của trẻ thơ miền núi. Vị bình luận viên này nói rõ quan điểm rằng trẻ em nhà quê có thú vui là được phụ giúp cha mẹ và đừng nên triệt tiêu điều đó.
Tập thứ 7 của chuỗi chương trình “Người đẹp Nhân ái” sẽ được phát sóng vào 20 giờ tối 14/8 trên kênh VTV9. Đặc biệt, kết quả của phần thi “Người đẹp Nhân ái” sẽ được Ban giám khảo Hoa hậu Việt Nam 2016 chấm điểm độc lập và công tâm. Thí sinh giành chiến thắng được tiến thẳng vào top 5 chung cuộc trong đêm chung kết toàn quốc sẽ diễn ra vào cuối tháng 8 tại TP HCM.
Tiểu Quỳnh
Nguồn: Người đưa tin
Mời độc giả xem thêm video giải trí:
[mecloud]Vw4cOlJNZM[/mecloud]