Nhiều dấu ấn
Nằm ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Thái Nguyên, Phú Lương gồm 2 thị trấn và 13 xã với tổng diện tích tự nhiên 349,8km2. Tại đây, huyện Phú Lương được đánh giá là huyện có điểm xuất phát thấp, hạ tầng kinh tế - xã hội và cơ sở vật chất nhiều khó khăn, thiếu sự đồng bộ; là địa phương có cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hạn chế, thu nhập, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao.
Dân số của huyện có trên 110 nghìn người thuộc 8 dân tộc, số dân trong độ tuổi lao động trên 60 nghìn người, chủ yếu là lao động ở nông thôn, lao động qua đào tạo đạt khoảng 75%. Những năm gần đây, huyện Phú Lương đã không ngừng đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương và sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc.
Đến nay, tỷ lệ đường trục xã, liên xã được cứng hóa trong toàn huyện đạt 90,68%, tăng 70 km so với năm 2010; đường trục xóm, liên xóm, ngõ xóm đạt chuẩn chiếm trên 63%; 153 km kênh mương được kiên cố hóa hàng năm, bảo đảm tưới tiêu chủ động cho hơn 6.600 ha đất sản xuất nông nghiệp…
Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, Bí thư huyện Phú Lương Nguyễn Quốc Hữu cho biết, trong năm 2024, Huyện ủy Phú Lương tiếp tục xác định lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó tập trung tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch, công trình, dự án trọng điểm của tỉnh và huyện, giai đoạn 2021 - 2025; nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Đề án xây dựng NTM huyện Phú Lương giai đoạn 2022 - 2025.
Bí thư huyện Phú Lương Nguyễn Quốc Hữu (ở giữa) trao đổi với nông dân xã Ôn Lương về gieo cấy và thu hoạch lúa vụ mùa.
Bám sát Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về xây dựng và phát triển huyện Phú Lương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
"Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương và sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế đạt nhiều kết quả tiến bộ, an ninh nông thôn được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Vai trò của hệ thống chính trị và chủ thể nhân dân được phát huy hiệu quả", ông Hữu nhấn mạnh.
Theo đó, thực hiện Kết luận số 1338-KL/TU, ngày 26/10/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về lãnh đạo xây dựng và phát triển huyện Phú Lương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đặt mục tiêu huyện Phú Lương đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024.
Đến nay, toàn huyện có 13/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 100%, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 23,07%; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 15,38%; có 40 xóm đạt chuẩn xóm nông thôn mới kiểu mẫu, 3 xóm nông thôn mới thông minh; có 28 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên; xã Tức Tranh tiếp tục xây dựng nông thôn mới thông minh. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đến cuối năm 2023 đạt 52 triệu đồng/người/năm (tăng gấp đôi so với năm 2011); tỷ lệ nghèo toàn huyện còn 2,68% (giảm 21,99% so với năm 2011);
Huyện Phú Lương đã đạt 5/6 điều kiện, 28/36 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí huyện NTM (tăng 1 chỉ tiêu so với tháng 8/2024). Trong 9 tháng năm 2024, huyện đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn để hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng huyện NTM: Lập Đồ án quy hoạch vùng huyện; thực hiện dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường huyện gồm Gốc Bàng - Làng Hin, Đu - Khe Mát, ATK - Phủ Lý - Hợp (đến nay có 593/603 hộ dân hiến đất, tài sản trên đất; diện tích đã hiến trên 15.000m2 đất, 4.167 mét tường bao và nhiều cây cối, hoa màu, tài sản khác...); đầu tư xây dựng công trình Nhà đa năng và Bể bơi thuộc Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện; tập trung xây dựng Trường THPT Phú Lương và Trường THPT Yên Ninh công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; mua thêm 2 xe ô tô chuyên dụng chở rác và ép rác...
Huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2024, sớm hơn 1 năm so với mục tiêu đề ra
Huyện Phú Lương phát động Phong trào “Mở rộng đường giao thông nông thôn rộng - sáng - xanh - sạch - đẹp” đang phát huy hiệu quả sức dân trong việc chung sức xây dựng NTM, chính quyền đã vận động Nhân dân hiến đất, mở rộng 7 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài hơn 6km.
Tại các thị trấn, Nhân dân tích cực thực hiện xây dựng đô thị văn minh bằng các hoạt động như dọn dẹp hành lang giao thông, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; thực hiện tốt giữ gìn vệ sinh môi trường; xây dựng tiêu chí khu dân cư văn minh, tuyến phố tự quản, trồng cây xanh, xây dựng các tuyến đường hoa… Toàn huyện có 143 tuyến đường chiều dài 93,7km được trồng hoa; 5 tuyến đường chiều dài 11,85km được trồng cây xanh, cây bóng mát; có trên 50 tuyến đường cờ trên địa bàn 15 xã với chiều dài trên 88km; xây dựng, lắp hệ thống đèn chiếu sáng công cộng 148 tuyến đường chiều dài 168km.
Người dân là chủ thể cốt lõi
Ông Hữu cũng nhấn mạnh, huyện Phú Lương xác định 4 quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình xây dựng NTM, là tăng thu nhập bình quân đầu người, tăng phát triển các sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; xây dựng môi trường nông thôn quang đãng, sạch đẹp, thay đổi kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn theo hướng ngày càng hữu dụng; lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, lan tỏa, kết nối sự đoàn kết, phát huy các giá trị văn hóa là động lực của sự phát triển và NTM không phải lấy thành tích, mà tập trung vào nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Tất cả đều hướng tới chủ thể cốt lõi là người dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân trên địa bàn.
Trong quá trình triển khai thực hiện, huyện luôn đúc kết kinh nghiệm, giải pháp triển khai, từ kiến nghị của người dân, từ thực tiễn sản xuất, đời sống để tổng kết thành chủ trương, giải pháp và ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đảm bảo đúng, trúng tâm tư nguyện vọng của người dân và xây dựng NTM vì nhân dân.
Phú Lương tập trung phát triển cây trồng thế mạnh là chè.
Để nâng cao đời sống cho người dân, huyện đã lồng ghép, triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với Chương trình giảm nghèo bền vững; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Xác định nông nghiệp là một trụ đỡ phát triển, Phú Lương tập trung phát triển cây trồng thế mạnh là chè, với các vùng sản xuất tập trung tại Tức Tranh, Vô Tranh, Yên Lạc, Phú Đô. Hiện, diện tích chè của toàn huyện là trên 4.100 ha, trong đó diện tích được cấp chứng nhận VietGAP đạt 1.127 ha. Giá trị kinh tế của cây chè mang lại trong năm 2023 là gần 1.300 tỷ đồng; doanh thu bình quân ước đạt 310 - 330 triệu đồng/ha.
Để đạt được kết quả này, chính quyền các cấp và cơ quan chuyên môn của huyện đã quan tâm hỗ trợ người dân máy móc, hệ thống tưới phun tự động, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học để sản xuất theo hướng hữu cơ.
Cùng với đó là duy trì và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phú Lương” và nhãn hiệu tập thể “Chè Tức Tranh”, “Chè Vô Tranh”; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến chè tham gia các hoạt động quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
Thực hiện Đề án về phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm chè và các sản phẩm thế mạnh của huyện giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, đến nay địa phương đã tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, liên kết theo chuỗi trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo ra nhiều việc làm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cùng với cây chè, Phú Lương cũng xác định các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, chủ lực khác. Phú Lương có đặc sản gạo nếp vải nổi tiếng. Đây là nguôn liệu để tạo lên thương hiệu làng nghề bánh chưng Bờ Đậu nổi tiếng cả nước. Huyện phấn đấu năm 2024 sẽ có sản phẩm OCOP đạt 5 sao.
Bí thư huyện Phú Lương cho biết thêm, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, trong những năm qua (giai đoạn 2020 – 2024) huyện Phú Lương luôn chú trọng triển khai thực hiện tốt, hiệu quả các cơ chế, chính sách của nhà nước đối với phát triển sản phẩm nông nghiệp nói chung và phát triển sản phẩm nông nghiệp theo chương trình OCOP nói riêng.
Trong 4 năm triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm huyện đã có 28 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó có 11 sản phẩm đạt 4 sao và 17 sản phẩm đạt 3 sao; để đạt được kết quả trên huyện đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh về nhiều mặt.
Cụ thể, huyện Phú Lương đã hỗ trợ về đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ về xây dựng vùng nguyên liệu an toàn, bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và đạt chuẩn theo bộ tiêu chí OCOP; hỗ trợ nâng cao chất lượng, hoàn thiện sản phẩm; hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá và bán sản phẩm;...
"Những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua là động lực to lớn, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh và quyết tâm để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn huyện thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Phú Lương lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng huyện Phú Lương đạt chuẩn NTM trong năm 2024", Bí thư huyện Phú Lương nhấn mạnh.