+Aa-
    Zalo

    Bí mật tình trạng sức khỏe các đời tổng thống Mỹ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tin tức về tình trạng sức khỏe của ứng cử viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton đã tràn ngập truyền thông suốt thời gian gần đây, khiến dư luận dấy lên câu hỏi liệu bà...

    Tin tức về tình trạng sức khỏe của ứng cử viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton đã tràn ngập truyền thông suốt thời gian gần đây, khiến dư luận dấy lên câu hỏi liệu bà có đủ sức khỏe nếu được bầu làm tổng thống.
    Trong lịch sử Mỹ, hầu như tổng thống nào cũng có vấn đề về sức khỏe nhưng tất cả các vấn đề đều bị che giấu ít nhiều.
    Sau nhiều lần xuất hiện yếu ớt, có dấu hiệu ho hắng trước công chúng thì hôm 9/9, bà Clinton đã bị chẩn đoán nhiễm bệnh viêm phổi. Chuyên viên y tế của cựu Ngoại trưởng Mỹ khẳng định bà đang hồi phục tốt sau khi dùng thuốc điều trị, đồng thời vẫn đủ sức khỏe để tiếp tục cuộc đua cạnh tranh với đối thủ của đảng Cộng hòa Donald Trump. Ở độ tuổi thất thập, bà Clinton (68 tuổi) và ông Trump (70 tuổi) là cặp đối thủ nhiều tuổi nhất trong lịch sử đại diện cho hai chính đảng. Nếu giành được chiếc ghế Nhà Trắng năm nay, bà Hillary Clinton sẽ là tổng thống Mỹ đắc cử lớn tuổi thứ hai sau ông Ronald Reagan, còn ông Donald Trump sẽ là người cao tuổi nhất. Bởi vậy mối lo ngại về sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần đối với họ là điều không thể tránh khỏi. Đứng trước sức ép của cử tri, cả hai ứng cử viên năm 2016 đều cam kết sớm công bố hồ sơ y tế của mình. Yếu tố này cũng là một bước ngoặt quyết định để các cử tri cân nhắc lá phiếu của mình trong cuộc bầu cử tháng 11 sắp tới.

    Ông Dwight D. Eisenhower trong chiến dịch tranh cử vào năm 61 tuổi.

    Chuyên gia Jacob Appel thuộc trường Y khoa Mt. Sinai (New York, Mỹ) đã có thời gian dài nghiên cứu về sức khỏe của các ứng cử viên Tổng thống. Ông cho biết trong lịch sử nước Mỹ, các ứng cử viên tổng thống không cần phải tiết lộ tình trạng sức khỏe. Điều này thay đổi vào năm 1955, khi Tổng thống Dwight Eisenhower bị đau tim và cho phép bác sĩ riêng thông báo với người dân. Kể từ đó, người dân Mỹ cho rằng họ có quyền biết thể trạng của ứng cử viên tổng thống có chịu được áp lực công việc hay không. Do đó, nhiều ứng viên có vấn đề sức khỏe đã tìm cách giấu nhẹm.

    Tổng thống Mỹ thứ 28, ông Woodrow Wilson từng bị một trận đột quỵ năm 1919, nhưng người dân chỉ biết nhiều tháng sau khi ông đã bình phục. Hay như Grover Cleveland, người từng hai lần trở thành ông chủ Nhà Trắng, bị một khối u ung thư ở trong miệng. Năm 1893, ông đã lẳng lặng làm cuộc phẫu thuật cắt bỏ khối u trên du thuyền của một người bạn. Nhà sử học Matthew Algeo nhận định rằng vì cố tình che giấu bệnh tật nghiêm trọng nên ông Cleveland không dám mời các bác sĩ chuyên khoa hàng đầu thăm khám mà chỉ để cho bác sĩ lâu năm của gia đình ông chữa trị.

    Tổng thống vừa đắc cử John F. Kennedy năm 1960.


    Hay như câu chuyện vị Tổng thống Mỹ thứ 34 Dwight Eisenhower vừa bước sang nhiệm kỳ thứ hai, ông đã trở nên hom hem, già yếu mặc dù tuổi thực không quá cao. Ông sinh năm 1890, đắc cử lần đầu năm 62 tuổi. Eisenhower từng bị nhồi máu cơ tim nghiêm trọng vào năm 1955 và phải nằm viện điều trị trong một khoảng thời gian dài. Thoạt đầu, ông giấu kín bệnh tình, chỉ thông báo với báo giới rằng ông bị rối loạn tiêu hóa, và cho tới lúc hồi phục trở lại mới chính thức công bố. Do biến chứng từ lần đau tim, bên tâm thất trái của ông bị phình ra, tạo tiền đề cho một cơn đột quỵ nguy hiểm hai năm sau đó. Trong một cuộc họp nội các, Tổng thống Eisenhower thậm chí còn bất ngờ không thể nói chuyện hay cử động bàn tay phải. Cho tới khi qua đời năm 1969, ông đã bị 8 cơn đau tim, cùng với một loạt chứng bệnh hành hạ.

    Người kế nhiệm ông Eisenhower là John F. Kennedy, mặc dù có bề ngoài tràn đầy sức sống, nhưng cũng đã gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm cả bệnh suy thượng thận (Addison). Chính trị gia này đã bí mật tiêm corticod để chống chọi với những cơn đau và hồ sơ bệnh án của ông cũng được các trợ lý giấu kín. Theo Los Angeles Times, trong chiến dịch vận động tranh cử năm 1960, các đối thủ của ông Kennedy đã tố cáo ứng cử viên đảng Dân chủ này cố tình giấu bệnh dù đã hai lần bị ngã quỵ khi đi dự sự kiện.

    Tại thời điểm Franklin Delano Roosevelt vận động tranh cử năm 1932, công chúng hầu như không nắm được thông tin gì thể trạng sức khỏe của ông. Giới báo chí cũng tránh đề cập đến việc ông cần xe lăn để hỗ trợ. Cho tới nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp, nhà lãnh đạo này mắc bệnh tim, thường xuyên mệt mỏi và khó tập trung. Năm 1944, trong lúc ông Roosevelt có ý định tranh cử lần thứ tư thì Frank Lahey, bác sĩ phẫu thuật của ông đã kết luận rằng ông không thể sống sót qua một nhiệm kỳ 4 năm nữa. Bản báo cáo này đã không được tiết lộ mãi cho tới năm 2011, thay vào đó là một tấm giấy chứng nhận “đủ điều kiện”. Cuối cùng, Roosevelt đã qua đời ngay mùa xuân năm sau.

    Tu chính án thứ 25 của Mỹ quy định rằng tổng thống phải chuyển giao quyền lực cho phó tổng thống trong trường hợp bị mất khả năng điều hành. Năm 2002 và năm 2007, ông George W. Bush đã hai lần phải ký đơn chuyển giao quyền lực cho “phó tướng” Dick Cheney để làm phẫu thuật nội soi. Mỗi lần chuyển giao cũng chỉ kéo dài vài tiếng đồng hồ. Theo Nicole Hemmer, giáo sư dự khuyết nghiên cứu tổng thống tại Đại học Virginia cho biết, trong khoảng một thế kỷ trở lại đây, các phó tổng thống thường được khám sức khỏe kỹ lưỡng cũng như tham gia sâu rộng hơn vào việc điều hành bộ máy chính phủ. Những yếu tố này nhằm đề phòng tình huống không may người đứng đầu nước Mỹ gặp vấn đề xấu thì sẽ có phó tổng thống sẵn sàng tiếp quản, không để xảy ra một cuộc gián đoạn chính trị kinh hoàng.

    Trong lịch sử Mỹ, đã có tới bốn tổng thống từ trần trong nhiệm kỳ của mình do mắc bệnh trọng là William Henry Harrison, Zachary Taylor, Warren G. Harding và Franklin Delano Roosevelt. Sự ra đi đột ngột của ông Franklin Delano Roosevelt sau một tháng đắc cử, vào tháng 4/1945, đã để lại một khoảng trống đầy thử thách cho Phó Tổng thống Harry Truman, buộc ông này phải đương đầu với cái kết của cuộc Thế chiến thứ hai. Ông Harry Truman không hề nắm rõ về chiến dịch thử vũ khí của chính phủ Mỹ mang tên Dự án Manhattan và đã rất khó khăn khi ra quyết định ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản. Cũng theo các bản ghi chép, Tổng thống thứ 9 của nước Mỹ William Henry Harrison ngày 26/3/1841 bị cảm lạnh nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm sau ba tuần điều trị, thậm chí còn biến chứng thành viêm phổi. Mặc dù các bác sĩ đã dùng đủ hình thức cứu chữa, kể cả tiêm thuốc phiện hay cho đỉa hút máu, ông Harrison đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 4/4 năm đó khi mới giữ chức được vẻn vẹn 32 ngày. Ông chính là ngài tổng thống xấu số, nắm quyền điều hành ngắn ngủi nhất trong lịch sử.

    Nguồn: TTXVN

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-mat-tinh-trang-suc-khoe-cac-doi-tong-thong-my-a148005.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan