Đôi giày vải nằm trong trang phục truyền thống của người Giáy ở Lai Châu đặc trưng cho nét đẹp văn hóa của các dân tộc vùng Tây Bắc, ẩn chứa sau đó là quan niệm về một thế giới tâm linh huyền bí.
Người ta thường gọi đôi giày vải là giày Nhắng. Đôi giày ấm áp, bền đẹp được người phụ nữ Giáy cần mẫn làm thủ công không thể thiếu trong các dịp ma chay cưới hỏi. Đặc biệt từ lâu, người Giáy đã quan niệm rằng đi đôi giày Nhắng lúc chết thì khi sang bên kia thế giới họ sẽ trở về với tuổi thanh xuân đẹp nhất đời người.
Quan niệm trẻ lại sau khi chết
Mỗi dân tộc đều có những tục ma chay cưới hỏi, riêng người Giáy ở Lai Châu lúc chết phải sắm một đôi giày Nhắng kết hợp với trang phục truyền thống của họ. Người dân tộc Giáy tâm niệm đôi giày vải có sức mạnh chuyển hóa một cõi nhân sinh, đưa con người trở về tuổi trẻ. Người già đã mất đều đi đôi giày vải có màu sắc sặc sở như người trẻ với hy vọng được hồi xuân, ở một thế giới tâm linh họ vẫn là người Giáy nhưng đẹp và trẻ hơn lúc họ chết.
Đôi Giày Nhắng không đắt nhưng khá đẹp và công phu. |
Như một lần nữa được lên xe hoa, người Giáy kể lại rằng họ quan niệm người con gái chết đi sẽ về làm dâu mới. Mặc dù thân xác đã già nhưng linh hồn vẫn là một nàng dâu son sắt được dẫn về nhà chồng, đầu quấn khăn, chân đi đôi giày Nhắng. Bà Má Thị Mùi 70 tuổi chia sẻ: “Đi giày này mình còn lên thiên cưới với chúng nó, ông còn đón đi làm dâu. Người trên thiên, những con ma sẽ đón mình đi làm con dâu mới ở trên đó. Mình phải có áo mới để mặc giày mới để đi. Hơn nữa người ta cũng nghĩ rằng lúc chết đi qua rừng phải có đôi giày để đi không thì sẽ bị con sâu trong rừng cắn.”
Thợ làm đôi giày Nhắng bằng vải và bẹ măng khô. |
Giữa mênh mông lừng chừng dốc núi, thế giới tâm linh của người Giáy cũng bắt nguồn từ những giấc mơ của họ. Người ta thường thấy những người chết hiện về trẻ đẹp không còn mang thân xác của họ lúc sinh thời. Theo lời kể của bà Lò Thị Trỏn, nhiều người nằm ngủ mơ thấy người chết hiện về phải thốt lên rằng: "Ôi còn trẻ còn đẹp quá". Bố mẹ già mất đi con cái mơ về thấy còn đẹp còn khỏe còn như thanh niên, họ đi và mặc cái gì là đẹp nhất. Kế tục từ quan niệm thời xa xưa và ảnh hưởng của những giấc mơ mà tục chôn người chết của người Giáy ở Lai Châu trở thành phong tục còn duy trì mãi đến ngày nay.
Tục chôn người chết của người Giáy
Điều đặc biệt thường thấy trong trang phục truyền thống các dân tộc tiểu số ở Việt Nam là các họa tiết thổ cẩm đan dệt màu sắc. Ở người Giáy quần áo chỉ có một màu là tím, lam, hồng,…Chủ yếu màu sắc nhạt và dịu mắt, trái ngược với đôi giày họ thường đi. Người dân tộc Giáy lúc mai táng phải mặc trang phục người Giáy và đi đôi giày Nhắng, con gái mặc áo xẻ vạt, con trai mặc áo tân thời. Đôi giày Nhắng thêu hoa phải cúc vải không may đính cúc nhựa hay hợp kim. Bác Hoàng Văn Dung trưởng bản Nậm Lỏng chia sẻ: “ không được phép cho cúc khác ngoài cúc vải, răng vàng cũng không được cho người ta mang đi, áo quần chỉ được mặc áo một màu của trang phục Giáy. Từ ngày xưa cha ông chúng tôi đã làm như thế thì chúng tôi cũng theo.”
Người phụ nữ Giáy hoàn thành đôi Giày đã được đặt may. |
Tục chôn người chết trong bản cũng phải theo quy tắc để đúng với tâm linh người Giáy. Bác Hoàng Văn Dung kể lại, lúc cho người vào quan tài phải nhét đầy quần áo tránh lung lay nếu không con cháu ở đời sẽ làm ăn không tốt. Tránh các vật nhét vào tai của người qua đời vì như thế người nhà còn sống sẽ bị ù hay điếc tai. Người Giáy ở lai Châu còn quan niệm lúc chết không để trên giường lâu mà phải để nằm dưới đất, tránh việc người chết đeo cái giường suốt trên mình khi ở nơi chín suối.
Vang lên những giá trị nguyên sơ của vùng núi Tây Bắc còn hiện hữu nét đẹp trong đời sống tâm linh người dân tộc Giáy. Để làm ma người Giáy họ luôn quan niệm rằng lúc chết mang theo đôi Giày Nhắng. Nếu lỡ lúc chết không khịp đặt may thì người già trong bản phải chuẩn bị trước cho mình một đôi.
Phạm Hiên - Chiêm Hạ