(ĐSPL) – “Nếu đoàn xe tải của công ty em mà trèo lần lượt lên cái cân ấy, thì có mà sạt nghiệp. Bọn em có cách đối phó hết. Chỉ cần thao tác nhỏ, bọn em sẽ phá hỏng luôn cái cân đó, và thế là, đoàn xe lại tiếp tục đi. Chuyện này giới xe tải bọn em được phổ biến rõ lắm…”.
"Mật lệnh" phá hoại cân điện tử
Mới đây, trong lần ngồi trà đá ven đường, cùng một cậu em làm lái xe cho một doanh nghiệp khai thác đá ở tỉnh nọ, khi nói chuyện về những con đường vừa làm đã hỏng, cậu ta bật mí: “Thưa với anh, dù có Mỹ hay Nhật sang Việt Nam làm đường, thì cũng nát hết. Không đường sá nào trên thế giới có thể chịu nổi xe tải của Việt Nam đâu. Bọn em chở đá mà đúng trọng tải thì có mà ăn cám. Tất cả xe tải của bọn em đều chở vượt trọng tải cho phép 10 lần!”.
Nghe cậu em bật mí điều này, tôi thực sự choáng. Chiếc xe có thiết kế trọng tải 10 tấn, chở 20 tấn đã là khủng khiếp rồi, đằng này chở đến 100 tấn, thì quả thực kinh hoàng, khó có thể tưởng tượng nổi. Điều này có thể lý giải vì sao đường sá ở Việt Nam vừa làm đã hỏng. Và, cũng có thể giải thích được rằng, vì sao ở nước ta, lại gọi xe tải là hung thần đường phố.
Tôi đặt câu hỏi, dự án đặt trạm cân lưu động điện tử ở 63 tỉnh thành, mà Bộ Giao thông Vận tải thực hiện ráo riết, chẳng lẽ không có tác dụng gì?
Cậu em tài xế bảo: “Nếu đoàn xe tải của công ty em mà trèo lần lượt lên cái cân ấy, thì có mà sạt nghiệp. Bọn em có cách đối phó hết. Chỉ cần thao tác nhỏ, bọn em sẽ phá hỏng luôn cái cân đó, và thế là, đoàn xe lại tiếp tục đi. Chuyện này giới xe tải bọn em được phổ biến rõ lắm…”.
Dân lái xe tải vốn có nhiều “mưu mô”, nhưng cái cách phá hoại có hệ thống như cậu ta bật mí, phá hỏng những chiếc cân bạc tỷ mà Nhà nước trang bị, thì quả là khó có thể chấp nhận.
|
Xe tải chở vượt trọng tải cho phép gấp cả 10 lần đã phá nát đường sá. |
Tôi đề xuất với cậu em, được tận mắt hành động phá hoại trạm cân, nhưng cậu từ chối. Cậu ta cho rằng, việc này là bí mật, không thể tiết lộ được. Việc gây khó dễ với trạm cân có sự chỉ đạo ngầm, nên trong đoàn xe rầm rập từ mỏ đá đi ra, chiếc xe nào nhận nhiệm vụ phá hoại, phải đến phút chót mới nhận được lệnh.
Mất ăn mất ngủ vì những chiêu trò phá hoại
Không có cách nào khai thác thông tin, tôi tìm đến trạm cân ở tỉnh X., cách Hà Nội không xa lắm. Quản lý trạm cân gồm 3 đơn vị. Cán bộ Cục Quản lý đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải) sử dụng trạm cân; thanh tra giao thông giám sát; cảnh sát giao thông dừng xe, xử phạt. Tuy nhiên, vì trạm cân của tỉnh này liên tục hỏng, nên đơn vị cung ứng trạm cân đã cử một kỹ sư xuống giám sát, quản lý.
Vị kỹ sư này đề nghị tôi không tiết lộ danh tính, thậm chí không tiết lộ cả vị trí đặt trạm cân này, cũng không chụp ảnh, quay phim. Điều này quả thực quá lạ. Tuy nhiên, nhìn khuôn mặt bơ phờ của vị kỹ sư, và nghe lời giải thích, tôi đã hiểu rõ vấn đề.
Theo anh, trạm cân vừa được đưa về tỉnh X. này, đã liên tục gặp trục trặc. Lúc thì đứt cáp, lúc hỏng camera, lúc kết quả sai, lúc máy tính nhiễm virus…
Chiếc cân điện tử mặc dù sản xuất bởi Công ty TNHH một thành viên Hanel, nhưng những thiết bị quan trọng đều nhập từ Mỹ và châu Âu, đã được kiểm định chất lượng, nên không thể là đồ kém chất lượng. Vị kỹ sư này đã được công ty điều về sửa chữa. Anh nhanh chóng phát hiện các lỗi từ trạm cân đều là do cố ý phá hoại.
Khi đã khắc phục sự cố, giám sát chặt chẽ, khiến những đoàn xe vượt trọng tải cả chục lần không “lươn lẹo” được nữa, thì chúng lái cả chiếc xe mấy chục tấn tông thẳng vào trạm cân, khiến chiếc cân vốn chịu được sức nặng trăm tấn cũng phải văng tung tóe.
Theo vị kỹ sư nọ, chiếc xe đâm vào trạm cân, dù có phải đền, dù phải truy cứu hình sự, thì họ cũng không sợ, vì lợi ích quá lớn. Khi cân hỏng, thì đoàn xe vượt trọng tải tiếp tục lầm lũi đi qua, vô tư phá nát những con đường ngàn tỷ, mà lực lượng chức năng không làm gì được. Đó cũng chính là lý do, vị kỹ sư nọ liên tục bị đe dọa, bị khủng bố bằng cả điện thoại lẫn trực tiếp. Không chỉ anh, mà cả đội ngũ quản lý trạm cân cũng phải vất vả đối phó.
Theo chỉ dẫn của vị kỹ sư kia, tôi tìm đến Công ty TNHH một thành viên Hanel, đơn vị sản xuất những chiếc cân di động trị giá bạc tỷ. Cũng giống như vị kỹ sư nọ, Phó Tổng giám đốc Hanel, bà Bùi Thị Hải Yến mang khuôn mặt bơ phờ. Theo bà, từ ngày đưa trạm cân kiểm tra trọng tải xe lưu động ra thực địa, bà mất ăn mất ngủ.
“Mặc dù đây là những chiếc cân được kiểm định chất lượng bởi Viện đo lường Việt Nam, nhưng khi đưa ra sử dụng thì liên tiếp báo hỏng. Nhiều tỉnh kiến nghị, phản ánh, thậm chí khiếu kiện, rồi rêu rao chúng tôi sản xuất cân kém chất lượng” – bà Yến cho biết.
Nói rồi, bà Yến cung cấp cho tôi bảng tổng hợp lỗi từ ngày 1/4 đến ngày 5/5/2014. Chỉ hơn một tháng đã có tới 68 lỗi xảy ra với 32 chiếc cân, trên tổng số 63 chiếc cân được cung cấp cho 63 tỉnh thành.
Tuy nhiên, lại chỉ có 6 sự cố do lỗi thiết bị camera, được xử lý nhanh chóng. Một số lỗi do cách vận hành không đúng, còn lại, trên 50 lỗi là do các lái xe phá hoại trạm cân.
Theo bà Yến, đây là những chiếc cân cực kỳ hiện đại, gần như tự động hóa toàn bộ. Khi xe lên bàn cân, camera sẽ tự động chụp lại biển số, truyền dữ liệu thẳng về trung tâm kiểm soát của Cục Đường bộ ở Hà Nội và báo luôn số tiền phạt.
Chính vì vận hành tự động, nên nhân viên vận hành không can thiệp được vào trạm cân để phát sinh tiêu cực, lái xe cũng không ăn gian được.
Dự án vừa triển khai, các tỉnh đã liên tiếp báo cân hỏng. Có tỉnh kiên quyết không dùng cân và khiếu kiện cân sai. Sau khi các cơ quan kiểm định vào kiểm tra, thì sai số chỉ là 1,3\%, trong khi sai số cho phép là 3\%. Có cân không hiểu vì lý do gì mà camera lại chiếu… lên trời, có cân rõ rành dấu hiệu bị vặt hỏng cáp, thậm chí có vết dao cắt đứt cáp, khiến cân hỏng luôn. Thậm chí, có cán bộ cắm USB vào máy tính chơi game, nên máy nhiễm virus, cân không hoạt động được…
Điều kỳ lạ nữa, nhiều cán bộ được huấn luyện vận hành cân, được cấp chứng chỉ thì không vận hành, trong khi người chưa đi học, không biết gì vận hành cân sử dụng dẫn đến hỏng cân. Không hiểu vô tình hay cố ý mà họ đặt cân ở chỗ gồ ghề, chèn đá bên dưới, nên khi xe trọng tải lớn trèo lên, sẽ phá hỏng cân. Thậm chí, có nơi còn đặt cân vào chỗ không có sóng 3G, không truyền dữ liệu về Hà Nội được, rồi báo cân hỏng.
Tuy nhiên, tất cả những cách sử dụng sai nhanh chóng bị phát hiện, bởi camera truyền dữ liệu trực tuyến về trung tâm kiểm soát. Ngoài việc có nghi ngờ một số cán bộ vô tình hoặc cố ý làm hỏng cân, thì lái xe rất tích cực phá cân.
Theo bà Yến, vì lợi ích quá lớn, nên lái xe, doanh nghiệp tìm mọi cách phá hoại trạm cân. Đã có nhiều vụ lái xe lao thẳng vào trạm cân để phá. Thậm chí, có vụ, khi trạm cân đang hạ, họ cho xe máy đâm đứt cáp, dẫn đến hỏng cân.
Tuy nhiên, theo bà Yến, điều nguy hiểm nhất là các tài xế xe tải đã phổ biến cho nhau cách thức phá hoại trạm cân. Vì là cân điện tử lưu động, khá mong manh, nên họ có nhiều cách phá.
Theo quy định, khi lái xe vào cân, chỉ được đi với tốc độ 5km/h, đi đúng vị trí. Thế nhưng, tài xế lao mạnh vào cân, rồi phanh gấp. Trọng lực quá lớn khi phanh gấp sẽ khiến cân bị dồn lại, gây đứt cáp, báo hỏng.
Khi cán bộ giám sát chặt tốc độ xe lúc đi lên bàn cân, thì họ lại rồ ga, rồi phanh gấp khi xe đang ở trên cân, khiến cáp đứt. Rồi cố tình đi lệch cân, làm vênh cân, cũng sẽ khiến cân bị hỏng, báo sai. Khi cân hỏng, hoặc báo sai trọng lượng, tài xế sẽ xúm lại phản đối, kiện cáo, gây ách tắc giao thông và thế là cả đoàn xe trọng tải lớn thoát trạm cân, tiếp tục tàn phá đường sá.
Qua đây, có thể đặt câu hỏi: Có hay không chuyện tài xế xe tải phá hoại trạm cân quy mô lớn với mục đích phá hoạt đề án cân điện tử?
Mong rằng, các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, tìm phương án quản lý trạm cân hiệu quả, làm rõ động cơ phá hoại của các đối tượng.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-mat-chieu-pha-hoai-can-dien-tu-pha-duong-cua-tai-xe-a35099.html