+Aa-
    Zalo

    Kon Tum: Hàng trăm xe quá tải nằm lì "né" trạm cân

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hàng trăm xe tải "nằm lì" không chịu qua trạm dù đỗ ngay trước bàn cân cho thấy họ có cách riêng để qua trạm mà không bị hạ tải?

    Hàng trăm xe tải "nằm lì" không chịu qua trạm dù đỗ ngay trước bàn cân cho thấy họ có cách riêng để qua trạm mà không bị hạ tải?

    Sau 1 tuần triển khai việc kiểm soát tải trọng xe, tình trạng xe tải chở quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường ở tỉnh Kon Tum đã có dấu hiệu giảm nhiệt. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của 3 trạm cân tải trọng tại địa phương này cũng đã làm “lộ sáng” nhiều vấn đề trong công tác kiểm soát giao thông, dẫn đến những bức xúc mà lâu nay người dân gọi là nạn “mãi lộ”, và cả những câu hỏi nóng hổi tính thời sự, rằng có hay không “một trật tự mới” đang được cánh lái xe thiết lập để qua mặt lực lượng chức năng?

    Kon Tum: Hàng trăm xe quá tải nằm lì
    Nhiều xe tải quay đầu hoặc dừng lại để né trạm cân Sao Mai, thành phố Kon Tum. Ảnh: K.Đ

    Từ ngày 1/4, ngay sau khi lực lượng liên ngành của tỉnh Kon Tum thiết lập một trạm cân lưu động trên quốc lộ 14, đoạn ở đèo Sao Mai thuộc TP Kon Tum, một hiện tượng không bình thường đã xảy ra. Đó là sự ùn ứ hàng trăm xe tải chở hàng hóa, tại hàng chục điểm đậu đỗ mới phát sinh, trên suốt chiều dài nhiều cây số từ đèo Sao Mai, tỉnh Kon Tum tới tận thôn Đại An 2, xã Ya Khươl, huyện Chư Păh (Gia Lai). Nhìn bằng mắt thường đã có thể thấy các xe này đều trong tình trạng quá khổ, quá tải.

    Thế nhưng, sau hai ngày đêm túc trực, lực lượng chức năng chỉ xử lý được 5 trường hợp với mức quá tải phổ biến từ 5 - 30\%. Nguyên nhân là lái xe nằm lì không chịu qua trạm dù đậu đỗ ngay trước bàn cân. Thượng úy Nguyễn Tiến Dũng, Đội tuần tra số 1, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Kon Tum thừa nhận sự bất lực của những người thực thi công vụ.

    Có lẽ đa số tài xế đều nghe được thông tin từ ngày 1/4/2014 đồng loạt cả nước tổ chức cân trọng tải nên họ cho xe đậu ở đây. Họ đang đứng thì mình cũng không thể xử lý được mà chỉ kiểm tra các phương tiện lưu thông thôi”, ông Nguyễn Tiến Dũng nói.

    Việc các lái xe nhất định không qua trạm cân cho thấy, họ đang chờ đợi cơ quan chức năng nản lòng, hoặc có cách riêng để qua trạm mà không bị xử lý hạ tải. Thực tế cho thấy, không ít lái xe đã đạt được ý đồ của mình. Ngay buổi trưa ngày 2/4, sau hơn 1 ngày, hàng chục xe tải đã “bằng cách nào đó” qua được trạm kiểm soát đèo Sao Mai, thành phố Kon Tum mà không phải lên bàn cân. Cũng trên QL14 và QL 40 thuộc tỉnh Kon Tum, các xe chở vật liệu xây dựng, nông sản vẫn điềm nhiên lưu thông trên đường mà theo ông Nguyễn Thái Hoàng Anh, cán bộ Thanh tra giao thông, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum, đa số xe chở vật liệu đều ở tình trạng quá tải.

    Có một nghịch lý nữa cũng đang xảy ra trong việc cân tải trọng xe tại Kon Tum. Đó là việc cả ba trạm cân xe lưu động của tỉnh này đều được thiết lập ngay trên mặt quốc lộ và chưa có bãi hạ tải. Trong quá trình lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ đã gây cản trở giao thông, đi ngược lại mục đích của việc kiểm soát tải trọng xe là để đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Điều này xảy ra tại Trạm cân đèo Sao Mai, khi mà việc hạ tải được thực hiện ngay trên quốc lộ. Hay trạm cân ở tổ dân phố 3, phường Ngô Mây, TP Kon Tum được lập ngay trên đường một chiều khu vực nội thị.

    Về bất cập nêu trên, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Chánh thanh tra Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum cho biết: “Bộ Giao thông vận tải đã ban hành tiêu chuẩn quốc gia về các trạm cân cố định cũng như lưu động, song việc đầu tư xây dựng của các trạm cân này rất lớn và tốn kém. Việc đầu tư thứ nhất là phải có kinh phí, thứ hai phải có thời gian và đặc biệt là tìm mặt bằng để đặt một trạm cân như thế cũng rất khó trên trục đường hiện nay. Vừa qua, liên ngành cũng đã đi xác định được một điểm trên đường Hồ Chí Minh, tuy nhiên, phải có kinh phí để đầu tư”.

    Sự thiếu thốn về cơ sở vật chất phục vụ việc hạ tải xe mà lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum nêu là lực cản chính đối với việc kiểm soát xe quá khổ, quá tải đang hàng ngày phá nát hạ tầng giao thông. Thế nhưng đây lại là trợ lực tuyệt vời để tạo nên những quy tắc ngầm, hình thành tình trạng “đi đêm” và “mãi lộ” như bấy lâu nay đã xảy ra. Ngay cả trong những ngày được gọi là cao điểm xử lý xe qua khổ quá tải, từ ngày 1/4 -4/4, cả 3 trạm cân lưu động tại tỉnh Kon Tum mới chỉ xử lý vẻn vẹn 13 trường hợp xe quá tải.

    Hàng trăm xe, sau một thời gian ngắn ùn lại, không chịu qua trạm cân, đều đã lựa chọn được thời cơ thích hợp để qua trạm mà không bị xử lý. Tình trạng này nếu vẫn tiếp tục, kế hoạch xử lý xe quá khổ quá tải năm 2014 của các tỉnh sẽ chủ yếu dừng lại trên giấy tờ. Những con đường sẽ tiếp tục oằn xuống bởi xe quá tải.

    Theo VOV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kon-tum-hang-tram-xe-qua-tai-nam-li-ne-tram-can-a28410.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Bài học đắt giá từ Trạm cân Dầu Giây

    Bài học đắt giá từ Trạm cân Dầu Giây

    Giới “xế” đường dài một thời “khiếp vía” vì những "chiêu" làm tiền trắng trợn của một số nhân viên Trạm cân tải trọng Dầu Giây (Trảng Bom, Đồng Nai). Câu hỏi đặt ra là, tiêu cực sẽ ở mức độ nào, khi các trạm cân lưu động (TCLĐ) được thiết lập đồng loạt trong phạm vi cả nước?