Giết người yêu vì bị nhắn tin đòi chia tay
Trần Phi Tùng (SN 1995), sinh ra ở làng quê thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Công việc ở quê nhà bấp bênh nên khoảng tháng 1/2023, Tùng khăn gói vào Đà Nẵng làm nghề đầu bếp tại một quán nhậu ở quận Cẩm Lệ.
Công việc làm bếp giúp Tùng quen biết và có quan hệ yêu đương với chị Nguyễn Thị D. (22 tuổi, ngụ đường Bình Thái 2, phường Hoà Thọ Đông, quận Cẩm Lệ), làm nghề buôn bán trái cây tại chợ Hoà Cầm.
Sau thời gian yêu đương, cảm thấy không hợp nhau nên đến đầu tháng 8/2023, chị D. nhắn tin chia tay Tùng. Tuy nhiên, chị D. không nói lý do, còn gửi hình người yêu mới cho Tùng kèm tin nhắn thách thức.
Quá bất ngờ và căm tức trước thái độ của bạn gái cũ nên Tùng nảy sinh ý định giết chị D. sau đó sẽ tự tử.
Nghĩ là làm, vào khoảng 7h ngày 7/8/2023, Tùng đón xe khách di chuyển từ Huế vào TP.Đà Nẵng, sau đó đón xe ôm di chuyển từ quận Liên Chiểu đến khu vực chợ Hoà Cầm.
Theo báo Công an Đà Nẵng, tại đây, thấy chị D. đang bán dừa cho khách, Tùng đi vòng ra sau lưng nạn nhân và bất ngờ lấy con dao chặt dừa để sẵn ở trên bàn và tấn công bạn gái cũ.
Khi chị D. phản kháng, Tùng tiếp tục chém và dùng tay trái kẹp cổ chị D. kéo ra phía trước; đồng thời tự cầm dao cứa vào cổ của mình. Phát hiện sự việc, người dân gần đó đến can ngăn, khống chế, tước dao và đưa chị D. đi cấp cứu; đồng thời điện báo cho cơ quan công an.
Tiếp nhận sự việc, Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Cẩm Lệ phối hợp với Công an phường Hoà Thọ Đông khống chế, bắt giữ Tùng và đưa Tùng đi sơ cứu.
Do vết thương nhẹ, bác sĩ chỉ định không cần phải nhập viện nên Cơ quan Công an đã đưa Tùng về trụ sở làm việc. Tại Cơ quan Công an, Tùng khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cẩm Lệ xác định Trần Phi Tùng đã dùng dao chém liên tiếp nhiều nhát vào dùng đầu, cổ của chị N.T.D nhằm mục đích tước đoạt mạng sống của nạn nhân. Tỷ lệ tổn thương cơ thể Tùng gây ra cho chị D. là 10%.
Hành vi này có dấu hiệu của tội Giết người, theo quy định tại điều 123 Bộ Luật hình sự.
Tòa tuyên án
Ngày 23/12/2023, TAND TP.Đà Nẵng mở phiên tòa lưu động xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Trần Phi Tùng (SN 1995, trú huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) về tội Giết người.
Theo VietnamNet, tại phiên tòa, Tùng khai nhận chỉ vì quá yêu nên bị cáo mới níu kéo tình cảm và nảy sinh ra ghen tuông.
Dù Tùng vẫn còn yêu, nhưng chị D. lại có tình mới. Đáng nói, bị hại còn chụp ảnh tình cảm với người mới, gửi cho Tùng, nhắn tin thách thức Tùng. Bị xúc phạm, Tùng mới ra tay.
Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án, HĐXX đã quyết định tuyên phạt bị cáo Trần Phi Tùng mức án 10 năm 6 tháng tù.
Mức án là bài học cảnh tỉnh cho Tùng cũng như các bạn trẻ thiếu hiểu biết pháp luật, chỉ vì cảm xúc bộc phát nhất thời mà gây ra hệ lụy đau lòng.
Làm sao để giảm thiểu mâu thuẫn?
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Phương Thảo (chuyên gia tham vấn tâm lý Đại học VinUni) chia sẻ trên báo Phụ nữ Việt Nam, mâu thuẫn và xung đột trong các mối quan hệ giữa các cá nhân khác nhau là điều khó tránh khỏi, ngay cả trong mối quan hệ thân mật giữa các cặp đôi. Tuy nhiên, đã xảy ra nhiều trường hợp những mâu thuẫn này leo thang dẫn đến bạo lực nghiêm trọng, thậm chí án mạng.
Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Phương Thảo, có không ít yếu tố dẫn đến hiện trạng đáng lo ngại này như: Thiếu kỹ năng giao tiếp dẫn đến hiểu lầm và bất mãn; Thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc dẫn đến sự giận giữ và mất kiểm soát hành vi; Thiếu kiến thức về pháp luật dẫn đến bình thường hóa hành vi bạo lực; Sai lệch về nhận thức dẫn đến tâm lý ghen tuông, kiểm soát quá mức hoặc níu kéo các mối quan hệ độc hại. Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ môi trường gia đình bạo lực hoặc lối sống thiếu lành mạnh như sử dụng chất kích thích, bia rượu cũng là một trong những tác nhân làm tăng nguy cơ tái diễn bạo lực.
Chuyên gia tâm lý cho hay, để giảm thiểu những vấn đề này là điều không đơn giản và cần có sự chung tay của cá nhân, gia đình và cả cộng đồng. Một số giải pháp có thể kể đến như trang bị các kỹ năng mềm về giao tiếp phi bạo lực và giao tiếp hiệu quả, kỹ năng quản lý hành vi và cảm xúc; Xây dựng chế tài chặt chẽ và phổ biến pháp luật về bạo lực gia đình, đời sống hôn nhân cho cộng đồng.
Cặp đôi cũng nên có kế hoạch ứng phó trước cho những thay đổi lớn trong cuộc sống, đặt ra những kỳ vọng và mục tiêu thực tế với bạn đời của mình, lắng nghe và giải quyết mâu thuẫn một cách tôn trọng, cũng như tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia tham vấn tâm lý trước khi sự việc vượt ngoài tầm kiểm soát.