(ĐSPL) - Sân tòa hôm ấy có một người đàn ông khắc khổ, mái tóc rối bù, đi đôi dép lê lếch thếch bước vào công đường trong trạng thái đau khổ tột cùng. Ông ngước ánh mắt sầu thảm lên nhìn đứa con gái đang đứng trơ trọi sau vành móng ngựa, nấc lên, tay ôm ngực ho sù sụ. Mắt ông thâm quầng vì mất ngủ giờ ầng ậc nước. Ông đau và xấu hổ khi có con gái là kẻ phạm tội.
Sự khắc nghiệt của thời gian
Công đường lạnh ngắt như tờ, đối nghịch với thời tiết oi nồng, chói chang ngoài khung cửa sổ của tháng Sáu. Lúc này, HĐXX vẫn chưa vào phòng xử án, bên trong mới chỉ có lác đác vài người dự khán. Người bị hại nhìn bị cáo đầy vẻ căm ghét: “Mới tí tuổi ranh mà đã có thói trộm cắp, không biết cái ngữ này mai sau có làm được trò trống gì không?...”. Trong khi đó, người thân của bị cáo nhìn bị cáo đầy vẻ xót xa.
Trò chuyện với chúng tôi, người thân của bị cáo đã khóc khi kể về tuổi thơ thiệt thòi của Đỗ Hồng Nhung, nữ bị cáo sinh năm 1990, trú tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội. Theo lời kể của họ, cuộc sống của Nhung rất bất hạnh và đây cũng chính là nguyên nhân khiến cô bé “nhúng chàm” khi vừa mới chập chững bước vào ngưỡng cửa cuộc đời.
Lúc mới sinh ra, cô bé Nhung là sự quan tâm của cả gia đình. Chỉ cần cô bé cất tiếng khóc là mọi người trong nhà lại vỗ về, cưng nựng... Tuy nhiên, tuổi thơ êm ấm của cô không kéo dài được lâu. Vào một đêm định mệnh, mẹ cô đã lặng lẽ bỏ chồng và con gái ra đi để tìm hạnh phúc cho riêng mình. Trước khi ra đi, mẹ Nhung ôm con lần cuối, nước mắt giàn giụa. Rồi chị cắn môi đến bật máu, mở cửa, hòa mình vào bóng đêm.
Đêm ấy, cô con gái khát sữa mẹ khóc khản cả cổ, lạc cả tiếng khiến người cha đau xót đến quặn lòng. Từ đây, ông phải sống trong cảnh gà trống nuôi con khiến nhiều người xót xa.
Nhung lớn lên thiếu vắng hơi ấm của mẹ, tất cả yêu thương, cô bé dồn hết cho người cha thân yêu. Vốn là một cô bé thông minh, hoạt bát, Nhung chăm chỉ học hành cùng nhiều thành tích cao trong học tập và là nguồn động viên lớn của cha. Ngày Nhung bước chân vào giảng đường đại học, cả gia đình cô vỡ òa trong hạnh phúc. Họ bắt đầu nghĩ đến một tương lai xán lạn cho đứa con gái “mồ côi” mẹ từ tấm bé. Vì gia đình khó khăn, hàng ngày, Nhung oằn mình trên chiếc xe đạp cũ kỹ đến trường học. Ngày ra trường, cũng vì gia cảnh khốn khó, cộng thêm thiếu kinh nghiệm thực tế, Nhung phải chấp nhận đi làm gia sư trong một thời gian dài.
Qua người quen giới thiệu, Nhung được nhận vào làm nhân viên bán hàng tại một cửa hàng vàng bạc lớn ở khu vực phố cổ Hà Nội. Vốn sống trong nghèo khó, nay bước chân vào nơi phồn hoa đô thị, tiếp xúc nhiều với các vị khách giàu sang, dần dần trong tâm thức của cô gái trẻ luôn lởn vởn ước mơ được giàu sang, sung túc như họ. Cũng vì mong ước đổi đời này, bi kịch cuộc đời của cô bắt đầu...
Bị cáo Nhung bật khóc ân hận với tội lỗi mình gây ra. Ảnh Thành Long. |
Mờ mắt vì tiền
Cửa hàng vàng bạc nơi Nhung làm việc có rất nhiều đồ trang sức quý giá. Dần dần, trong lòng Nhung nảy sinh ý đồ bất chính muốn chiếm đoạt những thứ quý giá, đắt tiền kia bằng mọi giá. Chỉ trong vòng 5 tháng làm nhân viên bán hàng, Nhung đã lấy trộm được 174 món đồ trang sức. Sau khi lấy được đồ, Nhung mang đi cầm cố, lấy tiền để mua sắm quần áo hàng hiệu và tiêu xài cá nhân theo phong cách của một kiều nữ con... nhà giàu.
Chi tiêu “ném tiền qua cửa sổ”, số tiền trộm cắp được chẳng mấy chốc sạch trơn. “Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma”, trong một lần trộm cắp bất thành, chủ cửa hàng vàng bạc nơi Nhung làm việc đã phát giác ra hành vi xấu của cô. Trong quá trình kiểm kê hàng hóa, chủ cửa hàng phát hiện thiếu đến 174 sản phẩm vàng bạc các loại nên đã trình báo cơ quan công an và cơ quan công an không quá khó để truy ra hung thủ chính là nữ nhân viên 9X này.
Tại Cơ quan điều tra, Nhung khai nhận từ khoảng tháng 3/2015 đến ngày 11/8/2015, Nhung đã nhiều lần lấy cắp tài sản là vòng vàng, nhẫn vàng, dây chuyền vàng trong tủ bán hàng do mình quản lý giấu vào túi váy đồng phục của nhân viên, đợi đến hết giờ làm việc thì mang ra tiệm cầm cố hoặc bán tại các hiệu vàng khác để lấy tiền. Tổng số tài sản Nhung trộm cắp được định giá lên tới hơn 2 tỉ đồng.
Tại phiên tòa, bị cáo Nhung cúi đầu thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình đúng như cáo trạng của VKS đã truy tố. Cô con gái tội lỗi đã bật khóc khi trông thấy người cha già tiều tụy đang lâm trọng bệnh. Bà nội Nhung tóc bạc trắng, chân tay run lẩy bẩy cũng đến dự tòa. Để giữ cho bà cụ khỏi bị ngã, người nhà Nhung đã phải ngồi cạnh, ôm chặt. Đôi mắt mờ đục của bà lão không thể nhìn rõ đứa cháu nội hư hỏng đang phải nhận sự trừng phạt của pháp luật. Lòng bà như bị ai xát muối. Mấy lần bà lập cập định đứng dậy, xin HĐXX giảm án cho cháu gái nhưng người thân giữ lại. Nhìn cảnh bà già lo lắng, thương cho cháu gái, nhiều người nuốt lệ xót xa.
Đến lúc này, Nhung mới vô cùng sợ hãi và ân hận về những gì mà mình đã gây ra. Cô nhớ đến lời dạy của thầy giáo năm xưa: “Đói cho sạch, rách cho thơm”, trong lòng trào lên một nỗi xót xa. Nhung khóc nức nở, quay xuống xin lỗi bị hại và những người thân trong gia đình, mong được tha thứ cũng như tha thiết xin HĐXX cho hưởng mức án khoan hồng để sớm được trở về phụng dưỡng cha già, chăm lo cho bà nội.
Mặc dù gia đình bị cáo cũng đã bồi thường một phần cho bị hại, bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, hoàn cảnh lại đặc biệt khó khăn nhưng xét thấy hành vi của Nhung là đặc biệt nghiêm trọng, giá trị tài sản trộm cắp lại rất lớn nên sau khi nghị án, HĐXX quyết định phạt Nhung 15 năm tù về tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 138, BLHS.
Phiên tòa khép lại, Nhung lê bước lên xe thùng, ngoái mặt lại nhìn người thân mà lệ rơi lã chã. Có lẽ trong sâu thẳm tâm hồn của người con tội lỗi đang day dứt với câu hỏi: “Liệu khi ra tù, Nhung có còn cơ hội được nhìn thấy mặt bà và bố nữa hay không?”. Trong sân tòa, nắng vàng nhảy nhót trên gương mặt sạm đen, khắc khổ của người cha. Ông đứng thẫn thờ nhìn theo bóng cô con gái rượu của mình.
YẾN NHI