Một loại hồng Nhật Bản dù mức giá từ 2,5 triệu đồng/hộp (5-7 quả), đắt gấp cả chục lần hàng Việt nhưng được nhiều người tìm mua, tính trung bình ra mỗi quả có giá hơn 400 nghìn đồng/quả.
Cuối tháng 8, thị trường Trung thu 2019 đã bắt đầu vào cao điểm. Các mặt hàng hoa quả, bánh và đồ trang trí năm nay được người tiêu dùng đánh giá đa dạng, xuất hiện nhiều mặt hàng xa xỉ độc lạ.
Đánh vào phân khúc những khách hàng có tiền, nhiều cửa hàng hoa quả nhập khẩu và hàng xách tay Hà Nội mang về loại hồng Nhật Bản, rao bán mỗi hộp (loại 2 quả) với giá 600.000 - 800.000 đồng. Loại đắt hơn, được đựng trong các hộp quà được thiết kế riêng, có giá từ 2-2,5 triệu đồng.
Theo quan sát, hình dáng và màu sắc hồng Nhật Bản tương đồng với hồng giòn Việt Nam song kích thước lớn hơn khá nhiều, mỗi quả nặng khoảng 400g. Lớp vỏ mỏng, màu vàng và chuyển dần sang cam khi trái chín kỹ.
Hồng Nhật Bản dù mức giá từ 2,5 triệu đồng/hộp. Ảnh: Trí thức trẻ |
"Năm ngoái cửa hàng nhập loại hồng mè đen (ruột màu đen) về bán rất chạy, thấy nhu cầu của khách cao nên năm nay nhập thêm một loại hồng giòn Nhật Bản. Đặc điểm của hồng Nhật là lớp vỏ siêu mỏng, giòn, có thể ăn trực tiếp. Bên trong ruột dày, không có hạt, vị ngọt đậm, không bị chát bao giờ. Sau 2 ngày, chúng tôi bán được gần 50kg hồng Nhật. Trong đó, có hai đơn hàng mua lượng lớn, hồng được đóng hộp làm quà biếu, mỗi hộp có chi phí khoảng 2,5 triệu đồng.
So với các loại hoa quả thì hồng không yêu cầu cao về bảo quản, khi đóng hộp và vận chuyển trong thời gian ngắn, trái vẫn đảm bảo tươi ngon", Thùy Anh (chủ hàng hoa quả nhập khẩu trên phố hàng Cót, HN) chia sẻ trên báo Dân Sinh.
Trong khi đó, tại các siêu thị và chợ truyền thống, hồng giòn Việt có giá từ 30.000 - 50.000 đồng/kg. Mặc dù có lợi thế về mức giá và hương vị không hề kém cạnh so với hàng ngoại song hồng Việt đã quen thuộc với nhiều người.
Đến khoảng tháng 8 Âm lịch, quả hồng Việt Nam lại suất hiện đầy trên các sạp bán hoa quả, hồng chia ra làm 2 loại hồng giòn và hồng chín, quả hồng để ăn, hoặc phơi khô bằng cách bỏ hạt, ép mỏng rồi phơi hoặc sấy, đêm phơi sương cho khô, cất vào hộp đến khi vỏ bên ngoài có mốc trắng, lấy ra sấy lại cho đến khô. Núm cuống quả hồng còn gọi là tai hồng cũng được phơi hoặc sấy khô làm thuốc.
Kiều Trang(T/h)