Bị cáo bật khóc khi dặn các con trước lúc nhận mức án
Tranh thủ giờ nghị án, tài xế Trần Đình Trung ôm vội hai con vào lòng, rồi căn dặn các con trong nước mắt: “Các con ở nhà ngoan, nghe lời mẹ, ba đi lâu lắm mới về”. Những đứa trẻ ngây ngô có lẽ vẫn chưa hiểu lý do tại sao ba lại căn dặn như vậy. Chỉ có người lớn mới hiểu, một phút bất cẩn trong lúc tham gia giao thông đã gây ra nỗi đau quá lớn cho nhiều gia đình...
Tài xế ngủ gật
Sau thời gian tạm hoãn, ngày 13/11, TAND huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) đã mở lại phiên tòa xét xử và tuyên án 14 năm tù giam đối với Trần Đình Trung (35 tuổi, quê tỉnh Bình Định, ngụ phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM) về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Theo cáo trạng, vào 3h ngày 14/6, Trần Đình Trung điều khiển xe ô tô biển số 51C-947.80 kéo theo sơ mi rơ moóc biển số 51R-323.49 chở thùng container chứa hàng hóa đi từ cảng Cát Lái, TP.HCM đến cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.
Đến khoảng 6h15 cùng ngày, khi đến khu vực cổng chào tỉnh Tây Ninh thuộc ấp Suối Sâu, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, Trung ngủ gật không làm chủ tay lái, điều khiển xe lấn sang phần đường bên trái. Tiếp đó, xe container đụng vào xe ôtô biển số 51F-370.00 do ông Nguyễn Văn D. điều khiển chở bà Nguyễn Thị Tr., anh Trần Ngọc H., chị Nguyễn Ngọc Th.và cháu Trần Ngọc Hải M. lưu thông trên làn đường ô tô theo hướng ngược lại. Cú va chạm làm toàn bộ 5 người trên xe ô tô con tử vong.
Tại phiên tòa, bị cáo Trần Đình Trung cho hay, khoảng thời gian 24 giờ trước và sau vụ tai nạn, từ 2h sáng 13/6, Trung bắt đầu lịch trình điều khiển đầu kéo container rỗng từ cảng Cát Lái (TP.HCM) đi theo Quốc lộ 22 sang Campuchia lấy hàng qua cửa khẩu Mộc Bài.
Đến tối cùng ngày, Trung quay về TP.HCM, sau đó đợi lấy container khác từ cảng Cát Lái và tiếp tục đi Mộc Bài từ 3h sáng 14/6 mà không ngả lưng, chợp mắt. Đến 6h15 cùng ngày, Trung ngủ gật, không làm chủ tay lái nên gây ra tai nạn thảm khốc.
Trả lời HĐXX về quy định chế độ giờ làm việc của tài xế, Trung cho biết, tài xế không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Sau mỗi 4 giờ, tài xế phải nghỉ ngơi rồi mới tiếp tục lái 4 giờ tiếp theo. Tuy nhiên, khi chủ tọa hỏi: “Tại sao bị cáo điều khiển xe suốt 2 ngày mà không nghỉ ngơi?”, bị cáo Trần Đình Trung chỉ im lặng và nhìn xuống.
Về chiếc xe container gây tai nạn, bị cáo Trung khai nhận, xe do cá nhân của gia đình mua, nhưng do cần có tư cách pháp nhân để thuận tiện trong làm ăn nên nhờ công ty TNHH MTV vận tải Cường Hưng Thịnh đứng tên giùm.
Cũng tại phiên tòa, phía bị hại cũng đề nghị xét xử bị cáo theo quy định pháp luật. Đối với gia đình bị hại, trước đó, bị cáo Trung cũng đã bồi thường 150 triệu đồng cho gia đình anh Nguyễn Minh Thương, là người đại diện hợp pháp của bị hại Nguyễn Văn D., tài xế xe con biển số 51F-370.00.
Anh Thương không yêu cầu bồi thường gì thêm, đồng thời có đơn bãi nại, xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Trung. Theo VKSND huyện Trảng Bàng, tổng thiệt hại về tài sản của vụ tai nạn trên 311,8 triệu đồng (gồm giá trị xe ô tô con 200 triệu đồng và giá trị trụ điện đôi bị gãy 111,8 triệu đồng).
Ông Nguyễn Hoàng Thúc (người đại diện hợp pháp của các bị hại Nguyễn Thị Tr., Trần Ngọc H., Nguyễn Ngọc Th., Trần Ngọc Hải M.) yêu cầu HĐXX xem xét tài sản các nạn nhân mang theo. Tuy nhiên, gia đình các nạn nhân lại không thể cung cấp chứng cứ để chứng minh các nạn nhân có mang theo bao nhiêu (tiền, trang sức,...) nên chủ tọa không xét hỏi.
Về yêu cầu này, đại diện VKS trả lời rất rõ những tài sản mà VKS giám sát tại hiện trường thời điểm xảy ra tai nạn đã trả lại cho gia đình các nạn nhân. Riêng 1 chiếc điện thoại di động bị hư (theo hóa đơn mua có giá 6,9 triệu đồng), vợ bị cáo Trung xin bồi thường theo giá mà gia đình nạn nhân nêu ra.
Nước mắt đàn ông
Trong giờ nghị án, ôm 2 con nhỏ vào lòng, bị cáo Trung nấc nghẹn: “Các con ở nhà với mẹ ngoan, học giỏi. Cha đi lâu lắm cha mới về!”.
Bị cáo Trung ôm các con dặn dò. |
Hai con của Trung ngơ ngác, hồn nhiên đưa má cho cha hôn mà có lẽ chưa hiểu tại sao cha căn dặn như vậy. Các con của Trung cứ vô tư cười nói tại tòa khiến ai chứng kiến cũng phải đau lòng. Dù tòa chưa tuyên án nhưng bị cáo Trung đã đoán định được mức án cho tội lỗi của bản thân.
Trong nước mắt, Trung cố siết con vào lòng, hôn con nhiều lần với mong muốn tình cảm ấy vẫn vương vít, ấm áp, nuôi dưỡng các con trong những ngày bị cáo vắng nhà.
Ngồi bên cạnh cha mẹ, hai con của Trung cứ ngây thơ nhìn quay quanh quẩn nơi mà chẳng thể hiểu lòng cha mẹ đang rối bời, khổ sở. Đau đớn nghĩ đến cảnh đối mặt với án tù và xa vợ con, bị cáo Trung gục đầu khóc trong vòng tay an ủi của người thân. Mẹ của bị cáo Trung cũng có mặt tại phiên tòa, cứ chốc lát bà lại ứa nước mắt khóc thương con.
Đau đớn như thế nhưng chị Nguyễn Thị Lệ Tuyền (vợ bị cáo Trung) thành thật cho biết: “Nỗi đau của gia đình các nạn nhân không gì có thể bù đắp được. Tôi chỉ mong được mọi người hiểu và thông cảm cho chồng tôi”.
Theo chị Tuyền, sau khi xảy ra vụ tai nạn, tài sản gia đình bị niêm phong, phía công ty bảo hiểm cũng chưa chi trả. Mọi chi phí bồi thường thiệt hại cho phía các gia đình nạn nhân, chị Tuyền phải vay mượn, thậm chí đi “vay nóng”.
Sau giờ nghị án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Đình Trung 14 năm tù giam, đồng thời ghi nhận thỏa thuận thành trước đó của các bên liên quan (gồm chi phí mai táng, thiệt hại vật chất). Đồng thời, HĐXX tuyên buộc công ty Cường Hưng Thịnh (nơi đứng tên sở hữu phương tiện) phải bồi thường tổn thất tinh thần cho các gia đình bị hại 206 triệu đồng.
Trong đó, bồi thường cho gia đình ông Nguyễn Hoàng Thúc (người đại diện hợp pháp của các bị hại Nguyễn Thị Tr., Trần Ngọc H., Nguyễn Ngọc Th., Trần Ngọc Hải M.) 149 triệu đồng (bao gồm cả chiếc điện thoại 6,9 triệu đồng), bồi thường tổn thất tinh thần cho bà Trần Thị Kim Anh là người có công nuôi dưỡng bị hại Trần Ngọc H. 44,7 triệu đồng. Về trách nhiệm dân sự, gia đình các bị hại yêu cầu bồi thường chi phí mai táng, thiệt hại tài sản, tổn thất tinh thần tổng cộng 1,5 tỷ đồng. Hiện bị cáo Trung đã bồi thường 600 triệu (giao trực tiếp 400 triệu và nộp thi hành án 200 triệu đồng).
Ngọc Lài
Bài viết đăng trên ấn phẩm báo Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 47