(ĐSPL) - Ngôi mộ của tướng quân Nghiêm Tĩnh - mộ tổ của dòng họ Nghiêm làng Quan Độ (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) là ngôi mộ cổ hiếm hoi còn lại từ thời Lý được công nhận là di tích lịch sử quốc gia.
Điều đặc biệt, trải qua gần 1.000 năm lịch sử, ngôi mộ tổ họ Nghiêm lại do dòng họ Nguyễn Tiền cùng làng hương khói, thờ phụng. Việc mộ tổ của dòng họ này nhưng dòng họ khác trông coi thờ phụng là một câu chuyện rất lạ trên mảnh đất Kinh Bắc.
Bản giao ước có một không hai
Vào một buổi sáng mát trong, chúng tôi hành trình từ Thủ đô Hà Nội về đất Kinh Bắc để tìm hiểu về ngôi mộ cổ và câu chuyện lạ xung quanh ngôi mộ của Đại tư mã Nghiêm Tĩnh. Được biết, ngôi mộ cổ này còn có tên gọi là đền Miễu Đô, nằm ở làng Quan Độ. Theo đánh giá của giới khảo cổ thì đây là ngôi mộ cổ hiếm hoi của thời Lý còn tồn tại nguyên vẹn cho đến tận ngày nay. Chủ nhân ngôi mộ cổ này là phò mã của vua Lý Cao Tông, chồng của công chúa Từ Tiên (Lý Thị Phương).
Khu mộ Đại tư mã Nghiêm Tĩnh luôn được trông nom cẩn thận, cửa đóng then cài. |
|
Theo sử ghi, Đại tư mã Nghiêm Tĩnh vốn là người có tài năng về võ nghệ và binh pháp. Nhờ lập nhiều công lớn nên đến khi mất, nhà vua ban cho gia quyến 35 mẫu ruộng xây mộ. Cũng trong khuôn viên khu mộ cổ này, hiện còn có mộ của công chúa Lý Thị Phương - được táng bên cạnh chồng sau khi mất.
Đến nay, dân làng Quan Độ vẫn bảo tồn được ngôi mộ cổ này gần như nguyên vẹn. Khi được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, ngôi mộ này được trùng tu, tôn tạo khá khang trang. Theo các cụ thượng thọ trong làng, từ thời xa xưa, khu mộ này đã nổi tiếng rất thiêng, tuyệt đối không ai dám mạo phạm.
Một câu chuyện lạ gắn liền với ngôi mộ này, đó là việc ngôi mộ quan Đại tư mã Nghiêm Tĩnh - tổ của họ Nghiêm nhưng họ Nguyễn Tiền đảm nhận việc trông coi, thờ phụng gần suốt một ngàn năm qua. Với người dân nơi đây, đó là câu chuyện lạ kỳ, khó lý giải. Dòng họ Nghiêm được người dân trong vùng biết đến là một dòng họ nổi danh khoa bảng ở đất Kinh Bắc.
Bản giao ước của hai dòng họ Nghiêm – Nguyễn Tiền được lập năm 1993. |
|
Từ thời Lý Trần đến hết thời Nguyễn luôn có người đỗ đạt, làm quan lớn trong triều. Chính vì vậy, nhiều người tỏ ra nghi ngờ, con cháu họ Nghiêm, hậu duệ của quan Đại tư mã Nghiêm Tĩnh con đàn, cháu đống, vậy mà dòng họ nổi danh có học vấn và văn hóa ở xứ Kinh Bắc xưa lại bỏ bê việc thờ tổ là không thể xảy ra. Nhưng, sự thật đằng sau ngôi mộ cổ này là cả một câu chuyện bí ẩn của lịch sử chưa được giải mã.
Nghe người dân Quan Độ kể về câu chuyện này, chúng tôi cũng hết sức tò mò và ngạc nhiên. Và để lý giải cho câu chuyện kỳ lạ này, người làng giới thiệu chúng tôi gặp ông Nghiêm Văn Tập, tộc trưởng của dòng họ Nghiêm, người giữ gia phả dòng họ và những giấy tờ liên quan các cụ để lại.
Rót ly trà mời khách, ông Tập nói: "Đúng là có chuyện ngôi mộ tổ của dòng họ chúng tôi được họ Nguyễn Tiền cùng làng đảm nhận việc trông nom, hương khói. Đó là mộ cụ tổ Nghiêm Tĩnh có niên đại gần ngàn năm. Không giống như các ngôi mộ khác thường lộ thiên, mộ cụ Nghiêm Tĩnh nằm giữa nhà thờ, quanh năm không mưa nắng, cửa đóng then cài.
Có lẽ từ xa xưa các cụ đã sợ bọn trộm dòm ngó, nghĩ rằng, cụ quan to khi mất sẽ chôn theo vàng bạc, châu báu. Còn câu chuyện vì sao cụ tổ họ Nghiêm con cháu không thờ mà họ khác thờ, đây là câu chuyện thuộc về lịch sử xa xưa, bởi vậy mới có chuyện tổ tiên của họ Nghiêm lại được họ Nguyễn Tiền thờ phụng".
Xem thêm video: Phát hiện "cây tỷ đô" cổ thụ lớn và lâu đời nhất Việt Nam.
Cũng liên quan đến câu chuyện này, tại thời điểm năm 1993, khi Nhà nước lập hồ sơ trao bằng di tích lịch sử quốc gia cho đền Miễu Đô, nảy sinh việc bằng di tích sẽ do dòng họ nào đón nhận. Hai dòng họ đã ngồi lại với nhau bàn bạc và làm ra một bản giao ước, theo đó, họ Nghiêm có trách nhiệm tổ chức đón nhận bằng di tích. Còn việc thờ cúng trông nom di tích đền Miễu Đô sau này do UBND xã quyết định. Ông Nghiêm Xuân Tập cũng cho rằng, đến nay, khu mộ tổ của quan Đại tư mã Nghiêm Tĩnh vẫn giữ nếp xưa là do họ Nguyễn Tiền trông coi và thờ phụng.
Biết chúng tôi có ý thắc mắc về câu chuyện kỳ lạ này, tộc trưởng Nguyễn Văn Tập tỏ ý muốn giải thích để chúng tôi hiểu. Theo đó, ông Tập cho rằng, biến động lịch sử thời kỳ chuyển tiếp triều Lý sang triều Trần hoặc một uẩn khúc nào đó họ Nghiêm không thờ tự cụ tổ nhà mình mà đành nhờ họ khác trông coi. Ông Tập cũng tiết lộ, quan Đại tư mã có người con gái xinh đẹp gả cho người họ Nguyễn Tiền. Do đó, việc họ Nguyễn Tiền trông coi khu mộ và thờ tự quan Đại tư mã là thờ tổ ngoại.
Cũng liên quan đến việc lý giải ngôi mộ của quan Đại tư mã Nghiêm Tĩnh, một thông tin do ông Nghiêm Xuân Khoái (67 tuổi) cho biết thêm: “Các cụ đời trước kể lại, hai con trai của Đại tư mã đều làm quan võ, mỗi người nhận nhiệm vụ một nơi, đều xa nhà, không có điều kiện phụng dưỡng cha mẹ. Ngày cha mẹ nằm xuống, mộ Đại tư mã và Quận phu nhân chủ yếu do con gái và người con rể họ Tiền đảm nhận. Sau này, đời cháu của Đại tư mã cũng làm quan, sống xa quê nên việc hương khói khu mộ Đại tư mã vẫn do con cháu họ Tiền đảm nhận. Và, kể từ đó đến nay, người họ Tiền nối đời trông nom, hương khói khu mộ”.
Ông Nghiêm Xuân Khoái. |
|
Bí ẩn lịch sử và những giả thuyết
Có hai cách lý giải về khu mộ đều có căn cứ nhưng chưa thực sự thuyết phục. Đặc biệt, khi đặt câu chuyện này vào trong bối cảnh thời đại có sự chuyển giao quyền lực giữa triều nhà Lý và triều đại nhà Trần mang đến cho chúng tôi nhiều điều nghi vấn. Cụ thể, Đại tư mã Nghiêm Tĩnh là phò mã vua Lý Cao Tông. Con của ông là Nghiêm Kế và Nghiêm Luận là cháu ngoại mang dòng máu dòng tộc của vị vua này. Khi triều Trần thay thế triều Lý, con cháu hoàng tộc của nhà Lý bị bức hại. Nhiều nơi, con cháu họ Lý đành buộc phải thay tên đổi họ sang họ Nguyễn để tránh gặp họa.
Việc Nghiêm Kế và Nghiêm Tĩnh mang dòng máu của nhà Lý nhưng lại được làm tướng quân chỉ huy quân đội trong triều Trần cho thấy, hai ông rất được tin tưởng. Bản thân tướng Nghiêm Kế được vua Trần phong Đặc tiến phụ quốc Bắc vệ Đại tướng quân, trực tiếp đối đầu với quân Mông Cổ ở vùng biên giới phía Bắc khi chúng xâm lược nước ta vào năm 1258.
Chiếu theo lịch sử, trong cuộc biến động lớn giữa triều Lý sang triều Trần, những người mang dòng máu của nhà Lý dù là ngoại tộc cũng chịu sự kìm hãm, thậm chí là bị giết hại. Trong khi hai người cháu này của vua Lý Cao Tông lại được trọng dụng là một chuyện lạ. Có chăng, trong bối cảnh lịch sử đó, để tránh dị nghị và để bảo vệ tôn miếu của tổ tiên tránh bị trả thù nên Nghiêm Kế và Nghiêm Tĩnh đã bí mật giao phó cho em gái thờ tự trông coi cha mẹ (phò mã và công chúa nhà Lý). Chính điều này là căn nguyên của việc mộ cụ tổ họ Nghiêm lại được họ Nguyễn Tiền trông coi thờ tự.
Chuyện đào mộ tìm vàng và kỳ công bảo vệ Để giữ gìn được ngôi mộ nguyên vẹn suốt gần một nghìn năm qua, công sức của họ Nguyễn Tiền là rất lớn, đó là điều mà tộc trưởng họ Nghiêm, ông Nghiêm Văn Tập chia sẻ với chúng tôi. Vì khu mộ này của phò mã và công chúa nhà Lý nên nhiều kẻ gian cho rằng, trong mộ có vàng bạc châu báu nên tìm cách đào bới. Vài năm trước đây, nhiều tên trộm đào đất dưới mộ đem đổ xuống ao, ban ngày thì phơi rơm rạ để che mắt người dân. Một người làng đi mò cua, bắt ốc phát hiện đất vương vãi từ ao vào mộ Lý phu nhân, đã báo cho họ Tiền và họ Nghiêm biết sự việc. Sau này, con cháu dòng họ Tiền đã cử người ngày đêm trông nom không để vụ việc tương tự xảy ra. Câu chuyện này cho thấy, việc giữ gìn khu một tổ Nghiêm Tĩnh và phu nhân là một kỳ công. |
T.PHÚC - VŨ PHƯƠNG
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-an-ve-ngoi-mo-o-kinh-bac-1000-tuoi-a90536.html