Tồn tại hàng trăm năm qua giữa bán đảo Linh Đàm (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội), ngôi mộ cổ bằng đá từng mang theo lời đồn về kho của cải khổng lồ và cả thân thế nhân vật lịch sử nằm bên dưới.
Nhiều người nói rằng, đây là vùng đất địa linh, hội tụ sinh khí của trời, đất và nước, nên ngôi mộ ấy chính là nơi chôn cất thi thể của vua Quang Trung, vị anh hùng áo vải của dân tộc Việt . Đi tìm sự thực về lai lịch ngôi mộ nổi tiếng, chúng tôi đã bị cuốn hút bới những câu chuyện chưa từng nghe kể về ngôi mộ có lai lịch hết sức đặc biệt này.
Những giai thoại quanh ngôi mộ hoang vu
Trong khi Cơ quan công an tiến hành truy bắt chủ mưu vụ gài mìn phá cổ mộ và các chuyên gia còn đang khai quật, thì người dân địa phương đã rỉ tai nhau lời đồn nhân vật lịch sử nằm phía dưới rất có thể là một vị vua. Lý do của lời đồn này là do khi bọn trộm quật mộ, người dân phát hiện bông sen xanh bằng đá, được chạm trổ tinh tế đã lộ ra. Một bậc cao niên trong làng Linh Đàm bảo: “Nghe các cụ kể lại, búp sen xanh trên mộ là biểu tượng gắn liền các bậc vua chúa, nên chúng tôi cũng đoán già đoán non như vậy. Cộng với những câu chuyện trước đó cho rằng đây là mộ của vua Quang Trung nên người dân càng tin”. Khi ngôi mộ được phục dựng lại, búp sen xanh lớn bằng đá đã được gắn lên trên đỉnh và vẫn còn nguyên vẹn đến ngày nay. |
Thời phong kiến, làng Linh Đàm (hay còn gọi là Linh Đường - PV) hợp với làng Đại Từ thành xã Linh Đàm, sau này là một thôn thuộc xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì (cũ), nay thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Ngôi làng ngự trên mảnh đất nhìn như một hòn đảo nhỏ nổi lên ở phía đầm Linh Đàm. Linh Đàm có nghĩa là đầm cỏ thơm. Còn Linh Đường có nghĩa là hồ nước có cỏ linh chi, một loại cỏ dùng làm thuốc. Đầm còn được gọi là Liên Đàm, nghĩa là đầm sen, bởi trong đầm có rất nhiều hoa sen. Đến ngày nay, cuộc sống của con người nơi đây lúc nào cũng bận rộn, hối hả chạy theo cuộc sống nơi đô thị hiện đại.
Có lẽ bởi vậy nên ngay cả những người dân sống quanh khu vực làng Linh Đàm cũng ít biết đến sự xuất hiện của một ngôi mộ đá vô danh, quy mô hết sức đồ sộ, nằm cách Quốc lộ 1A chỉ chừng 1 km về phía Đông. Những ngày rong ruổi đi tìm hiểu về nguồn gốc của ngôi mộ, hầu hết người dân làng Linh Đàm, kể cả các bậc cao niên, cũng không tường tận “di tích” này được đặt ở đó từ bao giờ và phía dưới lớp thành quách là thi thể của bậc tiền bối nào.
Bà Nguyễn Thị Huân (75 tuổi, người làng Linh Đàm) nhớ lại: “Từ ngày lớn lên, tôi đã thấy có ngôi cổ mộ rồi. Thời điểm ấy, khu vực này còn hoang sơ lắm. Cả lăng mộ, nếu so ra to gần bằng một gian nhà. Riêng lăng bằng đá đã cao hơn 2m, ốp bằng những phiến đá rất dày. Trước đây, ít người để ý đến nên nhìn thấy mộ có kiến trúc kỳ lạ, người dân cũng chỉ nghĩ rằng đó là một ngôi mộ cổ. Tôi ở đây đã lâu, trước đây cũng có nhiều người tò mò đến hỏi thăm về ngôi mộ, nhưng tôi cũng chỉ đoán già đoán non chắc đây là mộ của một vị quan, vị tướng nào đó thời phong kiến. Còn nó có từ bao giờ và gia thế của người dưới mộ thì trong làng cũng không ai biết”.
Lật lại những dòng ký ức, bà Huân còn nhớ mãi một chuyện xảy ra 30 năm trước. “Thời gian ấy, người dân trong làng không ai quan tâm đến ngôi mộ cổ đó như thế nào. Nhưng một hôm, có một người phụ nữ trong làng trên đường đi làm đồng về qua khu vực chôn ngôi mộ. Cô ấy nói nhìn thấy bên cạnh ngôi mộ có bóng người xung quanh phát ra ánh sáng màu trắng. Sợ quá, cô ấy đạp xe thục mạng về nhà. Nhưng sau này, vì công việc, nhiều người lại đi qua con đường này như bình thường, cũng không còn ai thấy sự lạ thường. Họ lại kháo nhau chắc người phụ nữ kia chỉ “thần hồn nát thần tính”. Chuyện “hồn ma” ngôi mộ cổ đến đây cũng lắng lại”.
Tiếng nổ trong đêm
Những lời đồn huyễn hoặc, những câu chuyện mang đậm chất liêu trai khiến người dân làng Linh Đàm hết lòng kính ngưỡng ngôi mộ. Qua năm tháng, người trong làng chưa bao giờ dám mạo phạm, hay có ý đào xới dù họ biết lời đồn đại về kho vàng bạc táng theo vị vua chúa hay quan lại ẩn danh nào đó phía dưới những lớp thành quách, nhưng bọn trộm mộ thì không có sự kính ngưỡng như vậy. Những đồn đại về của cải và quy mô bề thế của ngôi mộ giữa cánh đồng hoang vu đã đánh thức lòng tham của những kẻ tham lam, mong đổi đời nhờ trộm đồ người chết…
Theo lời kể của người dân làng Linh Đường, nhiều ngày trước khi xảy ra chuyện động trời liên quan đến ngôi mộ, những kẻ khả nghi, điệu bộ lấm lét đã nhiều lần xuất hiện, thăm dò quanh khu vực nghĩa trang. Sau một thời gian thăm dò, tìm hiểu, bọn chúng đã biết chính xác vị trí của ngôi mộ, nắm được địa thế và tìm hiểu kỹ quy luật sinh hoạt của người dân nơi đây. Cuối cùng, vào một đêm giá rét giữa tháng mười năm Kỷ Tỵ (1989), khi những người dân làng Linh Đàm chìm trong giấc ngủ thì đám “mộ tặc” đã ra tay.
Ông Tạ Văn Dung (80 tuổi, người làng Linh Đàm) kể lại: “Đêm ấy, dưới màn đêm lạnh cắt da cắt thịt, chúng tôi đang say ngủ thì giật mình tỉnh dậy vì tiếng nổ chát chúa. Bọn “mộ tặc” đã tính toán rất kỹ, khi lựa chọn thời tiết mưa gió và lúc tàu Thống Nhất đi qua để giật mìn phá mộ. Sáng hôm sau, mọi người nói chuyện đêm hôm trước với nhau, ai cũng đoán già đoán non rằng chắc là có bọn đến đào trộm mộ. Nhưng không ai dám ra ngoài này vì là khu nghĩa trang, mà cây cối lại quá rậm rạp, đầy rắn rết”. Cũng theo ông Dung thì ngay đêm hôm sau, khoảng 12h đêm, bọn trộm lại tiếp tục cho nổ mìn một lần nữa. Bị tiếng nổ đánh thức, người dân làng Linh Đàm bèn họp nhau lại, đợi đến khi trời tảng sáng kéo ra cổ mộ để kiểm tra. “Lúc đến nơi, chúng tôi thấy cánh cửa đá phía trước đã bị đánh sập. Phía trong cánh cửa, một đường dẫn xuống bị chúng moi đất đá để tìm cách trộm đồ vật tùy táng theo người đã khuất”.
Video tham khảo:
Cận cảnh ngôi mộ có khả năng chữa bệnh ở Hà Nội
Qua kiểm tra, xác định ngôi mộ chưa mất mát gì nhiều, người dân Linh Đàm tin rằng bọn trộm sẽ còn quay lại. Sau khi tính toán nhanh, một mặt cử người đi trình báo công an xã, huyện, một mặt người dân quyết định cắt cử lực lượng mai phục, quyết tóm gọn bọn trộm táo tợn dám phạm vào ngôi mộ thiêng. Đúng như dự đoán, đêm hôm sau, những tên “mộ tặc” đã trở lại. Không hề phòng bị, chúng đã bị gần 100 chiến sĩ cảnh sát và cả những người dân mai phục gần đó bủa vây ngay khi xuất hiện bên cạnh khu vực cổ mộ, dùng xà beng bắt đầu cậy phá. Phát hiện lực lượng chức năng, năm tên quật mộ chống trả quyết liệt, hai tên mở đường máu chạy thoát.
Cũng là người tham gia vây bắt những tên “mộ tặc”, nhớ lại đêm đông của hơn 20 năm về trước, ông Tuyền (người trực tiếp tham gia cuộc mai phục - PV) vẫn còn thấy rùng mình. Ông kể: “Sau một hồi giao tranh chỉ có kẻ chủ mưu là thoát thân, những tên còn lại đã bị tóm gọn tại chỗ. Lúc bị xét hỏi, bọn chúng khai không hề biết gì về ngôi mộ cổ này vì chỉ được thuê đi cảnh giới bên ngoài. Chủ mưu chính là hai tên vừa chạy thoát”. Sau cuộc phục kích trên, cơ quan chức năng lại lên kế hoạch truy bắt tên đầu sỏ đang chạy trốn, kẻ dám lập kế hoạch đánh thức giấc ngủ lâu đời của ngôi mộ cổ… Đồng thời, các nhà khảo cổ uy tín cũng được mời đến để tiến hành khai quật. Từ đây, những bí ẩn, những lời truyền tụng đầy huyễn hoặc về nhân vật lịch sử được táng dưới ngôi cổ mộ đã dần được hé mở.
Kỳ tới: Cổ vật từ lòng đất giúp giải mã giai thoại về mộ vua Quang Trung