Những con thú nhồi bông nằm chỏng chơ trên kệ gần lối vào của tòa nhà. Thiết bị sân chơi cho trẻ em vẫn còn đó bên cạnh những bộ đồng phục Taliban treo lủng lẳng phơi khô trên hàng rào. Chỉ 10 ngày trước đó, nơi này từng là một trường mẫu giáo tồn tại với những bức tường màu hồng nhạt.
Ngôi trường cũ giờ đóng vai trò là căn cứ mới của đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ Taliban được gọi là Badri hay “Bộ chỉ huy Badri”.
Căn cứ này không chỉ là nơi sinh sống của những chiến binh cứng rắn nhất, những người di chuyển với lớp ngụy trang và trang bị vũ khí do Mỹ sản xuất , mà còn là nơi những chiến binh Taliban được huấn luyện để trở thành những phần tử đánh bom liều chết sẵn sàng tử vì đạo.
“Bộ chỉ huy này có hai phần”, ông Hafiz Badry - một chiến binh cấp cao của Badri 313 nói bằng giọng trầm. "Có những người đào tạo để trở thành chiến binh lực lượng đặc nhiệm và những người đào tạo để trở thành những kẻ đánh bom liều chết đặc biệt”.
Sau một hồi thuyết phục, lãnh đạo đơn vị cấp trên đồng ý cho các phóng viên vào trong. Họ đi qua những con đường bê tông nứt nẻ, nơi trẻ em thường chơi đùa và vào một văn phòng có khẩu M240 của Mỹ đang đặt ở tư thế chĩa ra cửa cùng băng đạn ở chế độ chờ sẵn.
Tiểu đoàn được trang bị rất nhiều thiết bị tối tân của Mỹ, bao gồm quân phục rằn ri, áo giáp, xe Humvee, kính nhìn đêm, súng ngắn M4 và M16. Còn với các vũ khí cá nhân cỡ nhỏ, những chiến binh Taliban mang theo các khẩu Glock sáng bóng và súng lục cầm tay M1911 (hay Colt 1911).
“Chúng tôi không được đào tạo chuyên nghiệp trước khi gia nhập Taliban”, Badry, 29 tuổi, người tỉnh Helmand, cười giải thích. "Chúng tôi chỉ có súng và bắt đầu”.
Badry cho biết, một chiến binh bắt buộc phải “thực hiện những hành động đặc biệt” trước khi được tuyển chọn để huấn luyện.
Nói về những tay súng đánh bom liều chết, Badry và một chiến binh đồng nghiệp khác, Kari Omadi Abdullah, 26 tuổi, đều đồng tình rằng họ bị “quá tải” với những người muốn được chọn lựa cho vị trí “thiêng liêng” đó.
“Một số chiến binh thậm chí còn đến gặp chúng tôi khóc lóc và van xin, đặt câu hỏi tại sao chúng tôi không chọn họ vào đội cảm tử?”, Badry nói.
Những người đàn ông nói rằng khóa đào tạo kéo dài từ 40 ngày đến sáu tháng, tùy thuộc vào nhiệm vụ, và liên quan đến công việc chiến thuật chuyên sâu và nghiên cứu tôn giáo.
Hầu hết những người được tuyển dụng đều xuất thân từ các gia đình nghèo và phần lớn không có học thức. Biệt đội này được cho là có mối liên hệ chặt chẽ với Mạng lưới Haqqani, vốn là đồng minh của al-Qaeda. Mạng lưới Haqqani từ lâu cũng đã tung hô cho những chiến thắng của “Bộ Tư lệnh Badri”. Điều đó cho thấy rằng cả hai đều rất giống nhau.
Theo ước tính, biệt đội Badri 313 có hàng trăm, nếu không nói là hàng nghìn, các chiến binh thiện chiến, được đào tạo bài bản. Theo Badry, có khoảng 300 lực lượng đặc biệt bên trong và xung quanh Thủ đô Kabul của Afghanistan.
Hoạt động tấn công tự sát được Taliban ví như tử vì đạo và được xem như một hành động đáng tôn kính. Thậm chí, con trai của Thủ lĩnh tối cao mới của Tiểu vương Quốc Hồi giáo Afghanistan, Haibatullah Akhundzada, cũng từng là một phần tử đánh bom liều chết.
Sau khi Kabul rơi vào tay Taliban vào tháng trước, Taliban khoe rằng Badri 313 đã nhanh chóng chiếm được dinh tổng thống. Các chiến binh Badri thậm chí còn nhại lại Mỹ trong một bài đăng trên mạng xã hội, tái hiện lại hình ảnh biểu tượng của những người lính giương cao lá cờ Mỹ trên đảo Iwo Jima vào năm 1945 với bức chân dung chính họ đang giương cao lá cờ Taliban đen trắng trong chiến thắng của Afghanistan .
Trong khi các chiến binh hiện đang cố gắng truyền tải thông điệp về "hòa bình", song không có dấu hiệu nào cho thấy “trường học tự sát” sẽ chấm dứt. Những người đàn ông cũng nói rõ rằng vũ khí hạng nặng và xây dựng lực lượng không quân là trọng tâm tiếp theo trong chương trình nghị sự.
“Chúng tôi sẽ tập trung đào tạo các vũ khí lớn, cũng như trực thăng, máy bay phản lực, bất cứ thứ gì có sẵn. Chúng tôi đang đào tạo về những điều này để cho thế giới thấy rằng chúng tôi có thể làm được”, một chiến binh cấp cao cho biết.
Mộc Miên (Theo New York Post)