Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng nằm ở phía Bắc núi Ly Sơn thuộc huyện Lâm Đồng, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, cách trung tâm thành phố Tây An ngày nay khoảng 35 km. Đây là một trong những lăng mộ hoàng gia lớn có cấu trúc đặc biệt và nhiều bí ẩn nhất trên thế giới. Đã hơn 2.000 năm kể từ khi Tần Thủy Hoàng thống nhất sáu quốc gia và thành lập nhà Tần vào năm 221 trước Công nguyên.
Một trong những giai thoại nổi bật nhất về lăng mộ Tần Thủy Hoàng chính là câu chuyện về các ngọn đèn "vĩnh cửu." Những ngọn đèn này, được cho là không bao giờ tắt, được đặt trong các khu vực của lăng để bảo vệ sự an nghỉ của vị hoàng đế này. Hiện tượng này không chỉ xuất hiện trong văn hóa Trung Quốc mà còn được ghi nhận tại nhiều nền văn minh khác, như Ai Cập, Hy Lạp và La Mã cổ đại.
Theo các ghi chép lịch sử, đèn "Trường Minh Đăng" được sử dụng rộng rãi trong lăng mộ các hoàng đế và quý tộc. Những chiếc đèn này được thiết kế đặc biệt để kéo dài thời gian cháy, thậm chí trong môi trường khắc nghiệt và kín khí.
Cho đến nay, không có lời giải thích khoa học nào hoàn toàn thỏa đáng cho hiện tượng đèn vĩnh cửu. Một giả thuyết phổ biến là các ngọn đèn này được thiết kế đặc biệt, với cấu trúc chứa hai lớp: lớp bên trong đựng dầu và bấc, trong khi lớp ngoài chứa nước để làm mát. Sự kết hợp này có thể giúp đèn cháy lâu hơn, nhưng không thể kéo dài hàng nghìn năm như các ghi chép mô tả.
Nhà hóa học người Đức Hennig Brand vào thế kỷ 17 từng đưa ra giả thuyết rằng các ngọn đèn vĩnh cửu có thể sử dụng phốt pho, một chất dễ cháy và có thể tự phát sáng trong điều kiện nhất định. Tuy nhiên, khả năng duy trì sự cháy hàng nghìn năm vẫn còn là điều gây tranh cãi.
Một nghiên cứu khác cho rằng dầu cá, cụ thể là mỡ cá voi hoặc cá thu, có thể đã được sử dụng làm nhiên liệu. Loại dầu này có khả năng cháy chậm và tự tái tạo, nhưng điều kiện khắc nghiệt trong các lăng mộ kín cũng khiến giả thuyết này trở nên thiếu thuyết phục.
Trong khi đó, nhà hóa học người Mỹ Simon Affik, sau hơn 30 năm nghiên cứu và hàng trăm thí nghiệm, đã đưa ra một lời giải thích khả thi. Ông cho rằng các ngọn đèn trong lăng sử dụng hỗn hợp đặc biệt của phốt pho và các chất dễ cháy khác, có khả năng tự phát sáng khi gặp oxy. Theo lý giải này, khi các ngôi mộ được mở, ánh sáng từ đèn bùng lên do oxy tràn vào, tạo cảm giác rằng chúng đã cháy suốt hàng nghìn năm.
Nghiên cứu của ông Simon đã nhận được nhiều sự đồng tình của giới khảo cổ khắp thế giới. Mặc dù vậy, những ngọn đèn vĩnh cửu trong lăng mộ Tần đế sẽ còn là bí ẩn chừng nào lăng mộ chưa được khai quật.
Do hạn chế của công nghệ khảo cổ và bảo vệ di tích văn hóa, kể từ lần đầu phát hiện lăng mộ Tần Thủy Hoàng vào năm 1974, cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể giải mã được hàng loạt bí ẩn về nơi này. Bảo vật mà người ta biết đến nhiều nhất ở lăng mộ vẫn là những hầm đội quân binh mã bằng đất nung.
Các nhà khảo cổ lo ngại rằng việc mở lăng có thể gây hư hại không thể khắc phục cho các hiện vật bên trong. Nhiều kỹ thuật tiên tiến, như radar xuyên đất, đã được sử dụng để nghiên cứu cấu trúc lăng mà không cần xâm phạm trực tiếp.