Tần Thủy Hoàng là vị hoàng đế sáng lập ra nhà Tần, triều đại thống nhất đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Để chuẩn bị trước cho cuộc sống ở bên kia thế giới, hoàng đế nhà Tần đã bắt đầu cho xây dựng lăng mộ vào năm 246 trước Công nguyên. Sau 38 năm xây dựng với hơn 700.000 công nhân và thợ thủ công lành nghề, khu lăng mộ này mới được hoàn thành.
Trong lịch sử, khu vực Quảng Châu từng hứng chịu một trận động đất mạnh hơn 8 độ richter nhưng lăng mộ vẫn không bị phá hủy, không bị ngập nước.
Các nhà khảo cổ Trung Quốc đã phát hiện lăng mộ Tần Thủy Hoàng vào mùa xuân năm 1974 sau khi một số nông dân đang đào giếng gần Tây An phát hiện hàng loạt tượng binh sĩ làm bằng đất nung với kích thước tương đương người thật.
Phần lớn nghĩa trang xung quanh lăng mộ sau đó dần được khám phá. Bên ngoài lăng mộ được xây dựng kiên cố, các bức tường thành bao quanh lăng được làm từ tro trắng, đất cát, hoàng thổ và được thêm vào gạo nếp cùng đinh sắt, có tác dụng chống mưa gió rất tốt.
Theo số liệu thăm dò khảo cổ mới nhất, lăng mộ Tần Thủy Hoàng nằm ở phía Bắc dãy núi Ly Sơn, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, có chiều dài 260 m từ Đông qua Tây và rộng 160 m từ Bắc sang Nam. Với tổng diện tích 41.600 m2, tương đương diện tích 5 sân bóng đá quốc tế.
Tuy nhiên, đến nay, khu lăng mộ này vẫn là một nơi được coi là "bất khả xâm phạm" vì nhiều lý do bao gồm cả về khoa học và yếu tố tâm linh. Các nhà khảo cổ học cho rằng cuộc khai quật có thể làm hỏng ngôi mộ, đồng thời làm mất đi thông tin lịch sử quan trọng.
Việc mở ngôi mộ cũng có thể dẫn đến nhiều nguy hiểm chết người và tức thì. Trong một tài liệu được viết khoảng 100 năm sau cái chết của Tần Thủy Hoàng, nhà sử học Trung Quốc cổ đại Tư Mã Thiên giải thích rằng ngôi mộ cài rất nhiều bẫy để giết bất kỳ kẻ xâm nhập nào.
“Những tượng lính cầm sẵn nỏ và tên để bắn bất cứ ai bước vào lăng mộ. Thủy ngân được sử dụng để mô phỏng hàng trăm con sông. Trong đó có sông Dương Tử, sông Hoàng Hà và biển lớn. Chúng được thiết lập để chảy một cách cơ học”, nhà sử học Tư Mã Thiên viết.
Trong cuốn “Hán Sử” cũng có mô tả tương tự về hệ thống bảo vệ lăng mộ. Trong nhiều năm, không có bằng chứng cho việc lăng mộ của Tần Thủy Hoàng từng bị đào xới. Người ta cho rằng tuyến phòng thủ đầu tiên trong lăng mộ là dùng cát tạo thành một "biển cát" ở xung quanh, khiến những kẻ trộm mộ không thể xâm nhập bằng cách đào hố.
Cát lún là một trong những phương thức sớm nhất mà người xưa dùng để đề phòng trộm cắp. Tương truyền, để duy trì độ lún và dòng chảy của cát, những người thợ thủ công cổ đại đã phải nung những loại cát này ở nhiệt độ cực lớn để bất cứ lúc nào chúng cũng có thể dễ dàng lún xuống. Một khi đã rơi vào bẫy cát, nơi này có thể trở thành mồ chôn chính những kẻ trộm mộ.
Thậm chí, ngay cả khi vượt qua phòng tuyến thứ nhất, kẻ trộm mộ cũng không chắc mình có thể sống sót không khi tiến sâu vào bên trong. Ghi chép cổ đại cho biết, có rất nhiều cửa, các lối đi, đều ẩn giấu những chiếc nỏ. Một khi chạm vào, nỏ sẽ tự động bắn hạ kẻ xâm nhập.
Các đơn vị được giao bảo tồn, nghiên cứu lăng mộ Tần Thủy Hoàng và hiện vật cghi nhận rằng bên trong phần trung tâm lăng chưa khai phá hoàn toàn có thể có những mũi tên sẽ bắn xa được 800 bước chân với lực tương đương 700kg phóng thẳng vào những ai tiến vào.
Ngoài ra, mộ của hoàng đế Tần Thủy Hoàng được bao bọc bởi một dòng sông thủy ngân. Cách đây khoảng 20 năm, một nhóm các nhà khảo cổ học người Mỹ từng đến khảo sát khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng.
Sử dụng công nghệ tiên tiến để đo đạc lăng mộ ngầm dưới đất, các nhà khảo cổ phát hiện lớp đất phía trên tồn tại hàm lượng thủy ngân cao hơn nhiều so với mức bình thường. Lượng thủy ngân trong lăng mộ ước tính cao gấp 280 lần bình thường. Điều này khá trùng hợp với những ghi chép trong bộ sử ký Tư Mã Thiên về dòng sông thủy ngân bên trong lăng mộ. Theo ước đoán của giới khoa học, hàm lượng thủy ngân ở đây có thể lên tới hơn 100 tấn.
Cho đến ngày nay, lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn được xem là một nơi ẩn chứa nhiều bí mật chưa có lời giải đáp trong lịch sử Trung Quốc. Có lẽ chỉ đến khi công trình này được khám phá toàn bộ, hậu thế mới có được giải đáp chính xác cho những bí ẩn tưởng chừng như đã bị lịch sử vùi chôn vĩnh viễn.
Mộc Miên (T/h)