Thông tin từ báo Lao Động, khu mộ cổ rộng lớn và bề thế như cung điện tọa lạc giữa vườn cây vú sữa của ông Trần Thanh Hùng (ngụ tại ấp Trường Đông A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ). Khu lăng mộ này được xây dựng cách đây khoảng 200 năm, dù đã trải qua gần hai thế kỷ, ngôi mộ vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính và khang trang, thể hiện rõ nét sự giàu sang, quyền quý một thời của dòng họ Trần.
Ông Hùng là cháu đời thứ 5 của ông Trần Ban Tới (tên thật là Trần Để), một thương gia người Hoa đến vùng đất này sinh sống và cũng là người có ý tưởng thiết kế, thực hiện khu mộ cổ này.
Từ nhỏ, ông Hùng đã được nghe kể lại những câu chuyện về nguồn gốc tổ tiên mình. Theo đó, vào thế kỷ 19, ông tổ Trần Để đến miệt Phong Điền lập nghiệp.
Lúc sinh thời, ông Trần Để có 2 người vợ. Bà vợ lớn tên Võ Thị Quý, do không thể sinh nở, đã tìm một người phụ nữ khác để chồng mình lấy làm vợ lẽ rồi có với nhau 8 người con.
Do việc làm ăn thuận lợi nên chỉ một thời gian sau, ông Trần Để trở nên giàu có thuộc hàng nhất xứ Cần Thơ vào thời đó. Lúc này, ông bắt đầu bỏ ra số tiền, vàng lớn để xây dựng lên căn dinh thự lớn nhất nhì vùng Nam Kì lục tỉnh xưa, được nhiều người dân thuở bấy giờ đem ra so sánh với dinh thự của công tử Bạc Liêu.
“Trước đây, ông tổ tôi có căn dinh thự 100 cửa nhưng sau đó đập bỏ…”, ông Hùng kể. Còn về ngôi mộ, sau khi giàu có, ông Trần Để mới nhờ người vẽ sơ sồ đồ để xây dựng. Đến khi ông chết, ngôi mộ vẫn đang thi công.
“Chính vì vậy, thi thể của ông để lại đến 3 tháng 10 ngày mới chôn. Khi chôn xong, người con thứ 5 vẫn đứng ra tiếp tục thi công cho đến khi hoàn thành”, ông Hùng chia sẻ trên báo VietNamNet.
Khu mộ cổ được xây dựng kiên cố. Ngay lối vào là 2 cánh cửa bằng thép dày, cao quá đầu người. Điều lạ là cửa được thiết kế không hàn dính với nhau như những cánh cổng thời nay, mà có các thanh mộng sắt ghép vào, kết dính các thanh sắt như đóng đinh. Lối vào có nhiều bậc thang.
Cả khu mộ được thiết kế như những tòa cung điện nho nhỏ, rất công phu, tinh xảo, đầy hoa văn chạm khắc tinh tế, cả phía trên trần, theo báo Giao Thông.
Ngoài khu mộ chính, bên cạnh còn 2 ngôi mộ cổ nữa mang đậm phong cách kiến trúc Pháp. Đó là mộ vợ chồng người con thứ 7 của ông Trần Để, do đích thân ông Bảy thiết kế sau khi du học từ Pháp về.
Ông Hùng khẳng định, gần như cả khu mộ hiện nay đều nguyên trạng: “Nhiều chỗ trên ngôi mộ đã bị hư hao nhưng tôi không muốn sửa nhiều, sẽ làm mất giá trị mà ông bà để lại. Tôi sẽ giữ gìn và bảo tồn để con cháu sau này lớn lên, nhìn ngôi mộ mà biết đến nguồn gốc của mình.
Hiểu về nguồn gốc của mình cũng là học tập ông bà tổ tiên, đó là làm giàu bằng chính công sức của mình, tích lũy dần mà giàu có, khi giàu rồi thì lại đóng góp cho xã hội”.
Vào giữa năm 2023, ông Nguyễn Thanh Vũ, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Thới cho biết, khu mộ cổ này là độc nhất ở địa phương với kiến trúc độc đáo: “Qua thời gian dài, hiện nay ít người biết về nó, trong đó có lý do không nhiều người đọc được chữ ở các bia và trong khuôn viên mộ”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Hồ Phương Thảo, Chủ tịch UBND xã Tân Thới cho hay: “Tôi cũng đã đến thăm khu mộ này và đề xuất ông Hùng làm thủ tục để công nhận di tích, dẹp bỏ chuồng heo… để đón khách du lịch. Tuy nhiên, ông Hùng còn lấn cấn vì sợ không trang trải nổi chi phí để làm thủ tục. Xã sẽ xem xét, hỗ trợ nếu có thể”.
Ông Hùng cho hay, dù rất muốn nhưng vẫn chưa rõ về thủ tục nên vẫn chần chừ. Theo ông, trước giờ chưa có nhà khảo cổ, cán bộ bảo tàng nào tìm đến vì chưa biết khu mộ độc đáo này.
Ảnh: VietNamNet, Người Lao Động, Giao Thông, Pháp luật Việt Nam