Khi nhắc đến đại dịch, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến những căn bệnh khủng khiếp đã cướp đi sinh mạng của vô số người trong lịch sử. Có thể kể đến "Cái chết đen" thời Trung Cổ, dịch HIV/AIDS cuối thế kỷ XX, Ebola ở châu Phi, và gần đây nhất là COVID-19 lan tràn khắp toàn cầu.
Tuy nhiên, vẫn có những dịch bệnh không chỉ đáng sợ mà còn đầy bí ẩn, và tới nay nhân loại vẫn chưa tìm ra lời giải thích. Một trong số đó là sự kiện xảy ra vào tháng 7 năm 1518 tại Strasbourg, Pháp.
Người đầu tiên bị mắc phải hiện tượng này là một phụ nữ tên Frau Troffea. Bà bắt đầu nhảy múa trên phố một cách vô lý, không có bất kỳ âm nhạc hay nguyên nhân nào để khơi gợi cảm hứng. Sau khi về nhà, bà lại tiếp tục bước ra đường và nhảy múa không ngừng. Không một giai điệu, không một biểu cảm, nhưng bà vẫn nhảy như thể có một dàn nhạc đang vang lên xung quanh. Đặc biệt, bà nhảy suốt ngày đêm mà không tỏ ra mệt mỏi, cho đến ngày thứ sáu, khi bà kiệt sức và qua đời.
Theo Digitaljournal, ban đầu mọi người cho rằng Frau Troffea gặp vấn đề về tâm thần hoặc bị quỷ ám nên mới hành xử khác thường như vậy. Nhưng sau đó, điều kỳ lạ đã xảy ra - một người khác bắt đầu nhảy theo, rồi thêm một người nữa. Một tuần sau, đã có 34 người mô phỏng hành động tương tự Troffea trên các con phố của thành phố.
Chuyện càng trở nên khó hiểu hơn khi chỉ trong một thời gian ngắn, khoảng 400 người ở Strasbourg đã tham gia vào điệu nhảy này. Họ nhảy liên tục đến kiệt sức, nhiều người chết vì đau tim và kiệt quệ, theo các ghi chép từ thời đó.
Ban đầu, không ai biết nguyên nhân của hiện tượng này, và những người đứng đầu tin rằng chữa trị căn bệnh nhảy múa bằng cách "lấy độc trị độc" - yêu cầu họ nhảy nhiều hơn. Các sân khấu gỗ được dựng lên để người dân lên biểu diễn, không gian được mở rộng, và các nhạc công chuyên nghiệp được mời đến để cổ vũ ngày đêm.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã thất bại. Kết quả là hàng chục người nhảy không ngừng và chết vì nhồi máu cơ tim. Theo báo cáo, có thời điểm dịch bệnh đã cướp đi mạng sống của 15 đến 30 người mỗi ngày. Tổng cộng, hơn 100 người đã thiệt mạng vì hiện tượng bí ẩn này.
Sự kiện này sau đó được gọi là dịch nhảy múa và dù đã 500 năm trôi qua, nó vẫn còn đầy bí ẩn. Để xác minh tính xác thực của dịch nhảy múa năm 1518, các nhà sử học hiện đại đã tìm kiếm và phân tích tài liệu còn lại, cho rằng có đủ bằng chứng để khẳng định sự kiện này đã thực sự xảy ra.
Các chuyên gia lần đầu biết đến dịch bệnh này nhờ các ghi chép của bác sĩ thời Trung Cổ, Paracelsus, người đến Strasbourg sau khi dịch xảy ra. Ngoài ra, trong kho lưu trữ của thành phố cũng có các ghi chép về sự kiện, như đoạn: "Gần đây có một dịch bệnh kỳ lạ. Nhiều người trong cơn điên loạn đã nhảy múa không ngừng, không ngừng cho đến khi bất tỉnh. Nhiều người đã chết vì nó."
Một biên niên sử khác của kiến trúc sư Daniel Specklin cũng mô tả hiện tượng tương tự. Cuối cùng, những "vũ công mê sảng" này đã được đưa tới một ngôi đền thờ Thánh Vitus tại Saverne, nơi họ được cho đi vòng quanh tượng Thánh với đôi chân đẫm máu và mang giày đỏ. Thật kỳ diệu, hiện tượng nhảy múa cuối cùng cũng chấm dứt sau vài tuần, nhưng nguyên nhân của nó vẫn là điều bí ẩn.
Nhiều thế kỷ sau, các nhà sử học vẫn không thể xác định nguyên nhân chính xác gây ra dịch bệnh năm 1518. Một số ý kiến cho rằng người dân đã bị ảnh hưởng bởi một loại nấm mốc có tên ergot, mọc trên lúa mạch đen ở khu vực ẩm ướt và sinh ra chất gây ảo giác giống LSD. Những người ủng hộ giả thuyết này cho rằng nấm ergot có thể gây ra ảo giác và các cơn co giật.
Một giả thuyết khác từ nhà sử học John Waller cho rằng dịch nhảy múa là biểu hiện của chứng cuồng loạn tập thể do cuộc sống khó khăn ở Strasbourg vào thời đó: sự nghèo đói, bệnh tật, và đói kém khiến người dân nhảy múa như một cách giải tỏa căng thẳng. Tuy nhiên, lập luận này cũng gây tranh cãi vì các tài liệu cổ ghi nhận nạn nhân rất khỏe mạnh và không có dấu hiệu suy yếu do đói.
Đến tận bây giờ, hơn 5 thế kỷ sau, câu hỏi về nguyên nhân của dịch bệnh nhảy múa năm 1518 vẫn chưa có câu trả lời xác đáng, khiến nó trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất của thế kỷ 16.