Liệu kỳ quan cuối cùng trong 7 kỳ quan thế giới sẽ sớm hé lộ những điều bí ẩn? Đây là điều mà đội ngũ Explore theGreat Pyramid (EGP) mong muốn sẽ thực hiện được. Trong một báo cáo công bố trên kho lưu trữ thông tin trực tuyến arXiv, các nhà khoa học đã thông báo sẽ thực hiện nghiên cứu mới về Đại kim tự tháp Giza.
Kiến trúc của kim tự tháp lớn nhất được xây dựng vào thời Ai Cập cổ đại cách đây hơn 4500 năm luôn là đề tài của nhiều nghiên cứu. Kim tự tháp đã được dựng lên bằng cách nào? Đó vẫn còn là câu hỏi lớn của các nhà khoa học.
Năm 2015, một nhóm nghiên cứu đã khởi động dự án ScanPyramids nhằm khám phá cấu trúc bên trong công trình vĩ đại này nhờ vào những kỹ thuật tiên tiến nhất. Dự án đã đem lại một kết quả bất ngờ. Năm 2017, trên tạp chí Nature, các nhà khoa học công bố sau khi thực hiện 3 cuộc thử nghiệm độc lập, đã xác định được một hốc rộng cao 6m và dài 30m ở trung tâm kim tự tháp, được gọi là “big void”. Đây được cho là một trong số những phát hiện khoa học quan trọng nhất, tuy nhiên, cũng gây tranh cãi vì theo một số nhà khoa học khác, nhóm nghiên cứu “đã quá vội vàng”.
Theo sứ mệnh của đội ngũ EGP, các nhà khoa học dự định sẽ thực hiện 1 lần quét bức xạ mới với hy vọng sẽ thu được những phát hiện chi tiết hơn về cấu trúc của Đại kim tự tháp. Cũng như dự án ScanPyramids, các nhà nghiên cứu quyết định sử dụng kỹ thuật dò tìm mới nhờ vào bức xạ vũ trụ có tên phương pháp chụp cắt lớp bằng hạt muon (1 loại hạt cơ bản như electron). Do đó, các hạt năng lượng cao này sẽ liên tục rơi xuống Trái đất, nhưng vô hại.
Đúng như tên gọi, kỹ thuật mới này sẽ dựa trên phân tích từ các hạt muon, được tạo thành nhờ phản ứng giữa bức xạ vũ trụ với tầng khí quyển trên cùng. Từ các phân tích trên, các nhà nghiên cứu sẽ phác thảo ra được kiến trúc bên trong kim tự tháp nhờ phân biệt được “phần rắn” và “phần rỗng”.
Cũng trong báo cáo, các nhà khoa học giải thích: “Chúng tôi sẽ lắp đặt hệ thống kính thiên văn có độ nhạy hơn gấp 100 lần so với hệ thống được sử dụng gần đây”. Điều này sẽ giúp họ thu được hình ảnh bên trong kim tự tháp từ mọi góc độ và có thể đó là bản chụp cắt lớp chính thức đầu tiên của công trình kiến trúc đồ sộ này.
Các máy dò quét dự kiến sẽ rất lớn nên sẽ được lắp đặt xung quanh bên ngoài kim tự tháp. Theo các nhà nghiên cứu, kính thiên văn từ vô số hạt muon cho phép thu được các hình ảnh có độ phân giải cao hơn nhiều.
Phát hiện quan trọng mới về cấu trúc bên trong kim tự tháp
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện mô phỏng hệ thống này và thu được những minh chứng thuyết phục về khả năng đem lại những phát hiện quan trọng mới về cấu trúc bên trong kim tự tháp. Họ thậm chí còn khẳng định hệ thống dò tìm này nhạy tới mức có thể cho thấy rõ được các hiện vật bên trong.
Nhóm EGP hiện đã nhận được sự chấp thuận của Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập để thực hiện nghiên cứu. Tuy nhiên, nhóm vẫn đang tìm kiếm các nguồn tài trợ và nguồn vốn cần thiết để sản xuất các thiết bị hiện mới đang ở dạng mẫu thử nghiệm. Theo họ, sẽ mất khoảng 2 năm để sản xuất ra các máy dò tìm. Ngay khi sản xuất xong, họ sẽ ngay lập tức lắp đặt máy dò xung quanh kim tự tháp và thực hiện các quan sát đầu tiên. Dự kiến sẽ cần từ 2 đến 3 năm để thu thập đủ dữ liệu từ hạt muon nhằm đạt được độ nhạy tối đa cho nghiên cứu về Đại kim tự tháp Giza.
Diệu Hân (Theo GEO)