+Aa-
    Zalo

    Bí ẩn chưa lời giải xung quanh cặp rồng trên cột đá khổng lồ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - ĐSPL) - Cột đá độc đáo này nằm trong khuôn viên ngôi chùa 99 gian có tuổi đời ngàn năm. Đến nay, thật khó để hiểu hết được ẩn ý của người xưa khi đặt cột đá này

    (ĐSPL) - Cột đá độc đáo này cao 5m, nặng khoảng 35 tấn nguyên khối, phía trên đỉnh được chạm hai con rồng, đặt trên đỉnh núi cao, trong khuôn viên ngôi chùa 99 gian có tuổi đời ngàn năm. Đến nay, thật khó để hiểu hết được ẩn ý của người xưa khi đặt cột đá này trong khuôn viên của ngôi chùa cổ.

    Chỉ biết rằng, để đưa được cột đá khổng lồ lên đỉnh núi, người Việt xưa phải vận chuyển vượt qua một quãng đường hàng trăm cây số từ Ninh Bình về Bắc Ninh gian khổ như thế nào. Xung quanh cột đá này, hiện các nhà khoa học đang tìm cách giải mã thông điệp, tuy nhiên chưa một ai giải thích đủ thuyết phục về sự xuất hiện của hai con rồng trên tảng đá.

    Kiệt tác của người xưa!?

    Cột đá lạ nằm trong khuôn viên của chùa Dạm - ngôi chùa được vua Lý Nhân Tông cho xây dựng vào năm 1086 trên sườn núi Đại Lãm (còn gọi là núi Dạm), nhìn về phía sông Đuống (nay thuộc xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Theo sử sách, chùa Dạm là công trình Phật giáo lớn nhất thời Lý, được xây suốt 9 năm mới hoàn thành, một tổng thể kiến trúc bằng đá kết hợp với gỗ độc đáo. Chùa được xây dựng với 99 gian bề thế, với tổng diện tích khoảng 8.400m2. Nơi đây đã từng là trung tâm Phật giáo nổi tiếng của Việt Nam suốt từ thời Lý đến hết Nguyễn (Phật Hoàng Trần Nhân Tông từng đến tu học). Thời kháng chiến chống Pháp chùa bị phá, hiện nay ngôi chùa chỉ còn là phế tích, riêng cột đá ngàn tuổi gần như vẫn nguyên vẹn.

    Đến với quang cảnh của chùa Dạm ngày hôm nay, qua những dấu tích còn sót lại, người dân có thể hình dung được sự bề thế của công trình tôn giáo này với hàng ngàn phiến đá vẫn nằm vương vãi khắp nơi. Điều khiến du khách ấn tượng nhất là một cột đá cao sừng sững, vài người ôm không xuể được đặt ở vị trí trung tâm của không gian kiến trúc. Phía trên cột đá chạm khắc hình hai con rồng uốn lượn tinh tế mang phong cách thời Lý thế kỷ XI. Theo nhiều cứ liệu khoa học, đây là loại đá có xuất xứ từ vùng đất Hoa Lư (Ninh Bình). Cột đá giờ không còn nguyên vẹn như trước, nhưng cũng đủ cho người ta thấy sự kỳ vĩ của nó. Phải khẳng định cột đá này là một thành tựu tiêu biểu, tuyệt tác của nghệ thuật chạm khắc đá đặc trưng thời Lý.

    Bí ẩn chưa lời giải xung quanh cặp rồng trên cột đá khổng lồ

    Phế tích còn sót lại của ngôi chùa ngàn tuổi.

    Theo quan sát của chúng tôi, cột đá khổng lồ này tựa lưng vào núi Đại Lãm, một mặt hướng về phía Đông bao quát được cả một khoảng không rộng lớn. Chia làm hai phần rõ rệt, phía trên có hình trụ tròn chạm nổi đôi rồng uốn lượn. Đầu rồng vươn cao chầu về viên ngọc tỏa sáng, thân quấn quanh cột, đuôi ngoắc vào nhau. Người dân trong vùng cho rằng, trước đây cột đá còn cao hơn nhiều. Xung quanh cột đá là hệ thống kiến trúc bằng gỗ với 4 cột gỗ lim to, chắc chắn như một cái gác chuông để che chắn cho tuyệt tác này. Việc cột đá chùa Dạm với chạm trổ hình rồng là một kiến trúc hết sức quan trọng, có ý nghĩa tâm linh sâu sắc.

    Đa số người dân khi đến chùa Dạm và tận mắt chiêm ngưỡng cột đá ngàn tuổi này đều tự đặt câu hỏi, bằng cách nào người xưa có thể vận chuyển một cột đá nguyên khối nặng tới 35 tấn từ Hoa Lư (Ninh Bình) về tận Bắc Ninh ngày nay. Rồi đưa cột đá khổng lồ này từ đồng bằng lên núi. Qua công trình trên đủ minh chứng sức sáng tạo của người Việt xưa. Có nhiều giả thuyết được đưa ra nhằm lý giải cho hiện tượng trên, nhưng đa số đều cho rằng cột đá được vận chuyển theo đường thủy, qua sông Đuống rồi theo ngòi Con Tên để đưa lên chùa. Với phương tiện thủ công thời Lý thì việc để đưa tảng đá nặng đến 35 tấn lên độ cao 300m so với mực nước biển và dựng thẳng đứng vuông góc chẳng kém phần công phu như người Ai Cập xây Kim Tự tháp.

    Bí ẩn hai con rồng trên cột đá

    Sự kỳ công trong việc đưa tảng đá khổng lồ này từ Ninh Bình về Bắc Ninh, cùng với đó việc người Việt xưa kỳ công điêu khắc hai con rồng một cách tinh xảo cho thấy sự quan trọng của cột đá ngàn tuổi này. Nó phải là cột đá giữ vị trí đặc biệt và ẩn chứa thông điệp về tâm linh quan trọng trong tổng thể kiến trúc của chùa Dạm.

    Bí ẩn chưa lời giải xung quanh cặp rồng trên cột đá khổng lồ

    Cột đá chạm rồng ở chùa Dạm vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

    Để giải thích vai trò của cột đá này đến nay trong giới khoa học vẫn còn tranh luận và chưa đến hồi kết. Thậm chí có những cuộc bút chiến trên các tạp chí giữa hai trường phái khác nhau. Luồng ý kiến được đông đảo nhiều nhà khoa học thừa nhận cột đá ở chùa Dạm là biểu tượng sinh thực khí Nam (Linga) phản ánh tín ngưỡng phồn thực của người Việt xưa. Còn cái giếng bên cạnh cột đá khổng lồ đó lại là biểu hiện của sinh thực khí Nữ (Yoni). Tuy nhiên, đã có nhiều người phản đối cách giải thích trên.

    Lý do, được đưa ra là từ trước đến nay người Việt không bao giờ chạm hình rồng ở trên biểu tượng Linga cả. Rồng là biểu tượng của vua, đấng thần linh không thể chạm khắc một cách tuỳ tiện. Ngoài ra, phía trên đỉnh của cột đá khổng lồ này có sáu lỗ được đục rất công phu chứng tỏ đây không thể là biểu tượng Linga. Để giải thích cho những dấu hiệu lạ trên, đặc biệt là sự xuất hiện của hai con rồng trên cột đá, nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, cột đá trên là một phần kiến trúc của ngôi chùa một cột bằng đá.

    Theo đó, phần các lỗ đục trên là để kết nối với ngôi chùa phía trên. ông Vĩ cho rằng, ngoài chùa Một cột ở Hà Nội thì triều Lý còn xây dựng một ngôi chùa một cột nữa ở núi Lãm Sơn. Cột đá khổng lồ trên là để nâng đỡ cho phần kiến trúc đồ sộ trên đó? Tuy nhiên đến giờ vẫn chỉ là một giả thuyết, bởi chưa có một tư liệu nào viết về ngôi chùa một cột thứ hai ở Việt Nam.

    Thông điệp kỳ lạ của người xưa

    Trong khi khoa học chưa thể lý giải, thì một số người dân sống xung quanh chùa Dạm cho rằng cột đá này có vai trò để yểm hồn Cao Biền (người từng làm Tiết độ sứ ở Việt Nam thế kỷ IX. Tương truyền ông Cao Biền là người có tài phong thuỷ và luôn tìm cách phá hoại nước Nam bằng việc trấn yểm). Trấn yểm là giữ cho hồn Cao Biền không thể thoát ra được. Câu chuyện đó gắn với truyền thuyết "Cao Biền dậy non". Chính cột đá khổng lồ này đè cho hồn Cao Biền "lẩy bẩy". Vì thế mà trong dân gian có câu "lẩy bẩy như Cao Biền dậy non", có ý chê cười về sự thất bại của trò phù thủy này.

    Tuy nhiên sự lý giải trên không thực sự thuyết phục, bởi khi tham quan chùa phóng viên còn biết được bên cạnh cột đá khổng lồ trên là gò con rùa nơi thờ thần Kim Quy. Do đó, có thể thấy hình tượng hai con rồng chạm khắc trên đá và con rùa khổng lồ nằm bên cạnh cột đá phải có sự liên quan trong một bố cục chặt chẽ. Hai trong bốn tứ linh được chạm khắc độc đáo và ở vị trí trang trọng nhất trong tổng thể kiến trúc chùa Dạm cho thấy ẩn ý ông cha ta muốn gửi tới là rất lớn và đó vẫn là điều bí ẩn chờ lời giải.

    Đề cử làm bảo vật quốc gia

    ý nghĩa của cột đá tại chùa Dạm đến nay vẫn còn là điều bí ẩn, nhưng với kiến trúc độc đáo bởi kích thước to lớn và nghệ thuật điêu khắc đá tuyệt khéo, đặc sắc nhất là đôi rồng trên trụ tròn được chạm nổi tinh tế, đường nét sinh động, trau chuốt (đôi rồng ngoắc đuôi vào nhau quấn quanh cột, chân trước hai con chụm vào cùng nâng đỡ một viên ngọc đã thu hút sự quan tâm của người dân và nhiều nhà nghiên cứu. Hai đầu rồng trong tư thế chầu nhau, ở giữa có một lá đề chạm nổi, mỗi con ngậm một viên ngọc, mắt sáng trong tư thế hướng lên bầu trời, thân rồng uốn khúc hình sin, hai chân sau tựa vào khối hộp vuông phía dưới tạo cho đôi rồng uốn lượn như đang bay. Những chỗ trống bên cạnh đôi rồng được khắc những chi tiết hoa văn cúc dây) thì đây là một kiệt tác. Chính vì vậy sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã lập hồ sơ đề nghị xét xếp hạng cột đá chùa Dạm là bảo vật quốc gia.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-an-chua-loi-giai-xung-quanh-cap-rong-tren-cot-da-khong-lo-a50462.html
    Những ngôi chùa nơi đầu sóng

    Những ngôi chùa nơi đầu sóng

    Ở Trường Sa, chùa không chỉ là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của người dân, mà còn là nơi thờ tự những người đã hy sinh quên mình vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Những ngôi chùa nơi đầu sóng

    Những ngôi chùa nơi đầu sóng

    Ở Trường Sa, chùa không chỉ là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của người dân, mà còn là nơi thờ tự những người đã hy sinh quên mình vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền