Ngôi đền cổ Lepakshi, có từ thế kỷ 16, được gọi là Veerabhadra, nằm tại làng Lepakshi, thuộc quận Anantapur, bang Andhra Pradesh, Ấn Độ. Đền cách Hindupur 15 km về phía đông và cách Bangalore 120 km về phía bắc.
Điều đặc biệt của ngôi đền này không chỉ là tuổi thọ lâu đời mà còn ở kỹ thuật kiến trúc độc đáo. Trong hơn 70 cột đá, có một cột được treo từ trần, không chạm đất, tạo nên hiện tượng mọi người có thể dễ dàng luồn các vật mỏng qua.
Một giả thuyết cho rằng các khối đá của cột này được lắp ráp hoàn hảo tạo ra sự cân bằng, khiến nó trông như treo lơ lửng. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào về mối nối đá. Một số ý kiến khác suy đoán rằng cột có thể được làm rỗng để giảm trọng lượng, hoặc thiết kế này nhằm giúp đền chịu được động đất tốt hơn.
Thời kỳ thuộc địa, một kỹ sư người Anh đã cố di chuyển cột này, dẫn đến sự lệch vị trí và làm một phần mái đền sụp đổ. Tuy nhiên, điều này chỉ khiến cột đá trở nên huyền bí hơn, thu hút nhiều người tới tham quan và nghiên cứu.
Ngôi đền do hai anh em Viranna và Virupanna, quan chức của đế chế Vijayanagara, xây dựng dưới thời vua Achutaraya.
Kiến trúc đền theo phong cách Vijayanagara, với nhiều bức điêu khắc tinh tế về các vị thần, vũ nữ và nhạc công. Trên các bức tường, cột, và trần còn có hàng trăm bức tranh miêu tả những câu chuyện thần thoại như Mahabharata, Ramayana, và Puranas.
Đền Lepakshi có bức tranh tường dài khoảng 7m trên trần, miêu tả Veerabhadra - vị thần sinh ra từ thần Shiva. Đây là một trong những bức tranh tường lớn nhất ở Ấn Độ. Trước đền là bức tượng Nandi, con bò thiêng của thần Shiva, được khắc từ một khối đá lớn, là một trong những bức tượng đá lớn nhất thế giới.
Làng Lepakshi còn có liên hệ với sử thi Ramayana. Theo truyền thuyết, con chim Jatayu, bạn của vua Dasharatha, bị thương và rơi tại đây sau trận chiến với Ravana. Khi vua Rama đến, ông nói với Jatayu "Le Pakshi" có nghĩa là "hồi sinh đi, chim ơi" trong tiếng Telegu.