Gói thầu có dấu hiệu chênh lệch 40%
Trên cơ sở của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 của Quốc hội, một bộ khung pháp lý thống nhất, minh bạch về công tác đấu thầu, sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước đã được tạo lập cùng các nghị định, thông tư hướng dẫn đi kèm.
Tuy nhiên, thực tế thì việc thực thi pháp luật không nghiêm tại một số địa phương đã tạo đà cho các cơ sở y tế “bắt tay” với doanh nghiệp để “thổi giá”, trục lợi từ nguồn ngân sách. Điều này đã dẫn đến những vụ việc vi phạm quy định nghiêm trọng trong đấu thầu, khiến bộ Công an và công an các tỉnh thành phải vào cuộc, liên tục điều tra, khởi tố, bắt tạm giam hàng loạt lãnh đạo Sở, giám đốc bệnh viện, giám đốc doanh nghiệp...
Trước thực trạng này, tạp chí Đời sống và Pháp luật đã tổ chức triển khai chuyên đề nghiên cứu về trách nhiệm tiết giảm ngân sách từ những gói thầu do các sở, ban, ngành tổ chức nhằm đóng góp những thông tin hữu ích, giúp các cơ quan quản lý Nhà nước nâng cao hiệu quả trong công tác sử dụng vốn đầu tư công. Đơn cử như tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu.
Cụ thể, theo Quyết định số 327/QĐ-BVĐKT ngày 16/5/2022, Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu Đào Việt Hưng phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói thầu Mua sắm, lắp đặt thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu. Đây là gói thầu thuộc loại hoạt động chi thường xuyên, sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước.
Đơn vị trúng thầu là công ty TNHH Công nghệ cao Gia Khánh (Công ty Gia Khánh; MST: 0107400522; Địa chỉ: số 18, ngõ 14 Pháo Đài Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) với giá trúng thầu 7.671.140.000 đồng (bằng chữ: Bảy tỷ, sáu trăm bảy mươi mốt triệu, một trăm bốn mươi nghìn đồng). Đây là nhà thầu duy nhất tham gia và trúng gói thầu này.
So với giá dự toán 7.686.832.000 đồng (bằng chữ: Bảy tỷ, sáu trăm tám mươi sáu triệu, tám trăm ba mươi hai nghìn đồng), số tiền tiết kiệm sau đấu thầu chỉ hơn 15 triệu đồng, đạt tỉ lệ “tượng trưng” 0,2%.
Đáng chú ý, theo nghiên cứu tìm hiểu của PV, nhiều mặt hàng được mua sắm trong gói thầu có dấu hiệu đội giá cao hơn nhiều so với giá nhập khẩu.
Nổi bật là sản phẩm Máy thở xâm nhập và không xâm nhập dùng cho người lớn và trẻ em (Model eVolution® 3e) của hãng eVent Medical (Mỹ) có đơn giá trúng thầu 701.360.000 đồng (hơn 701 triệu đồng). Thế nhưng, theo tìm hiểu của PV, bộ máy này và phụ kiện đi kèm với cùng model, hãng sản xuất được nhập khẩu từ Mỹ ngày 20/9/2021 có giá chỉ 338.422.972 đồng (hơn 338 triệu đồng – đã bao gồm thuế). Nếu tính trên số lượng mua sắm là 8 bộ, chủ đầu tư có thể đã phải chi cao hơn mức giá nhập khẩu gần 3 tỷ đồng sau đấu thầu.
Dù vẫn chưa tiến hành nghiên cứu toàn bộ hàng hóa trong gói thầu, thế nhưng chỉ tìm hiểu ngẫu nhiên 3/6 sản phẩm được mua sắm, PV đã nhận thấy dấu hiệu đội giá so với thị trường với tổng số tiền chênh lệch 3.074.784.578 đồng (hơn 3 tỷ đồng).
Sự “im lặng” đến từ chủ đầu tư
Khi thực hiện nghiên cứu đề tài này, chúng tôi vẫn có niềm tin rằng, sẽ không có chuyện nâng giá thiết bị y tế để trục lợi tại gói thầu đã nêu ở trên. Vì vậy, để có những thông tin khách quan, đa chiều nhất, PV liên hệ tới bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu nhưng không nhận được phản hồi.
Liên quan đến sự chênh lệch giá trong gói thầu trên, Luật sư Nguyễn Công Tín (công ty Luật AMI, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng) đánh giá: “Trong dự toán gói thầu thì giá này đã bao gồm thuế và các chi phí khác (như chi phí vận chuyển, lắp đặt…). Nhưng chi phí này đội lên hơn 3 tỷ đồng thì rõ ràng là bất thường, có dấu hiệu “đội giá” gói thầu, các cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc xác minh, làm rõ và nếu có vi phạm phải được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.”
“Theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi “đội giá” gói thầu nhằm trục lợi hoặc gây thiệt hại cho Nhà nước có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222 Bộ Luật Hình sự); Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360 Bộ Luật Hình sự); Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ (Điều 356 Bộ Luật Hình sự)…”, Luật sư Tín nhấn mạnh.
Ngọc Bảo