(ĐSPL) - Bắt đầu là 25, rồi 108, rồi 111 trẻ em tử vong vì bệnh sởi. 1000, rồi 2000, rồi 3.000, và đến bây giờ là 7.000 trẻ đang mắc bệnh sởi. Những con số cứ mỗi ngày một tăng, khiến dư luận hoang mang lo lắng.
Báo chí vào cuộc, dư luận lại dậy sóng! Trăm dâu lại đổ đầu tằm! Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lại đang hứng chịu những mũi dùi của dư luận. Thậm chí có người còn "quá khích" đến độ... "khuyên" Bộ trưởng Y tế nên từ chức!? Người cho rằng bà chỉ biết nói “đau” trước thảm cảnh hàng trăm bệnh nhi đã lìa đời do sởi.
|
Bộ trưởng Y tế thăm bệnh nhi bị nhiễm sởi chiều 16/4.
|
Tuy nhiên, "sự quá khích" của một số người cũng là điều dễ hiểu! Khi những tin tức, hình ảnh hàng ngàn trẻ em đang vật lộn với bệnh sởi trong các bệnh viện ngập tràn trên báo chí, thì người dân tất sẽ bàng hoàng, dư luận sẽ hoang mang, nhất là khi số liệu trẻ tử vong, trẻ mắc bệnh sởi cứ tăng dần chẳng theo một quy luật cố định.
Chiều tối 15/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm các cháu và nắm tình hình dịch sởi. Tới lúc này, số lượng trẻ mắc sởi mới chỉ là 3.000, và số trẻ tử vong mới được thông báo là 108.
Hôm qua, 16/4 Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đến thăm Bệnh viện Nhi Trung ương lần đầu tiên kể từ đầu mùa sởi. Sau khi họp kín bất thường với đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thông điệp được ngành y phát đi là: số lượng trẻ đang mắc bệnh sởi lần này đã lên tới 7.000, số trẻ tử vong cũng đã là 111, vượt xa con số 25 trẻ tử vong mà 6 ngày trước đây, Bộ Y tế khăng khăng bảo vệ.
Đây cũng chính là điều khiến dư luận băn khoăn. Có hay không việc Bộ Y tế giấu dịch, để đảm bảo cam kết thanh toán dịch bệnh này trước 2017 với WHO? Dù Bộ trưởng đã lên tiếng minh định rằng, không có chuyện Bộ Y tế giấu dịch, thì những tin tức nhỏ giọt này cũng khiến dư luận còn băn khoăn.
Công bố dịch hay không, vẫn theo lời Bộ trưởng Y tế, phải còn tùy tình hình theo những quy định đã thành văn. Trong khi các quan chức, bộ ngành, địa phương vẫn còn đang loay hoay viện dẫn những quy định công bố dịch, thì hàng ngày, hàng ngàn trẻ em vẫn đang vật lộn, giành giật sinh mạng từ bệnh sởi vốn có nhiều biến chứng rất nhanh.
Những câu hỏi của công luận, những băn khoăn của người dân về nguyên nhân bệnh sởi, có lẽ lúc này chẳng cần câu trả lời. Vì yêu cầu khẩn cấp bây giờ vẫn là phòng chống sởi, để cứu vớt hàng ngàn trẻ em vô tội, đang "chờ" bị thần chết gọi tên.
|
Hàng ngàn trẻ em vẫn đang vật lộn với bệnh sởi - Ảnh VNE
|
Được gì và mất gì khi công bố dịch sởi, chắc chắn các bộ ngành, tỉnh thành cũng đang phải cân nhắc. Nhưng chắc chắn có một cái lợi rất lớn khi công bố dịch là: mọi nguồn lực sẽ được tập trung vào việc cứu chữa trẻ em mắc sởi; sẽ càng ít đi những cái chết thương tâm của trẻ em; sẽ càng ít những giọt nước mắt khốn cùng; sẽ càng ít đi những dòng ca thán.
Công luận chắc cũng sẽ tin rằng: sinh mệnh của trẻ em trong mắt những người quản lý các cơ quan hữu trách vẫn đáng giá hơn nhiều những thành tích trót cam đoan.
Trong công điện khẩn gửi các bộ ngành và tỉnh thành chiều ngày 16/4, đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung phòng chống dịch sởi, chủ động ngăn chặn lây lan dịch, hạn chế đến mức thấp nhất số người mắc bệnh và chết do bệnh sởi.
Sự chỉ đạo của Thủ tướng đã thật rõ ràng… Có dịch hay không có dịch, đối với hàng ngàn bệnh nhi và các bậc cha mẹ, cũng chẳng còn là điều đáng để quan tâm. Vì với họ, sinh mạng con mình có cứu được không mới là điều quan trọng.
Nhưng trách nhiệm của các bộ ngành, tỉnh thành trong việc công bố dịch sẽ vẫn là điều đòi hỏi phải có quyết tâm. Đến lúc ấy, trăm dâu sẽ chẳng còn đổ đầu tằm. Vì lẽ rằng y đức ít nhiều đã được thực thi.
Vì sao trước một việc tốt mà chúng ta hãy còn băn khoăn nhiều đến thế?
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/benh-soi-bung-phat-tram-dau-lai-do-dau-tam-a29633.html