Sau thông tin phản ảnh việc bệnh nhân phải chờ mổ gần nửa năm xảy ra tại Bệnh viện Việt Đức trong thời gian qua, Bộ Y tế đã có buổi làm việc về tình hình mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ hoạt động của bệnh viện này.
Tại buổi làm việc, TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, thời gian qua có những lúc bệnh viện thiếu thuốc, vật tư, tuy nhiên "đó là những lúc thiếu trong tổng thể thiếu chung", còn thời điểm này, Bệnh viện vừa có kết quả gói mua sắm theo hình thức áp kết quả thầu quy mô hơn 400 tỷ đồng.
“Gói thầu hơn 400 tỷ này chỉ là một góc nhỏ trong tổng gói thầu lớn và cũng chỉ có thể phục vụ được nhu cầu phẫu thuật trong hơn 2 tháng, bởi trung bình mỗi năm bệnh viện thực hiện tới 75.000 ca phẫu thuật.
Chúng tôi là tuyến cuối về ngoại khoa, bình thường số lượng mua sắm luôn là 130% kế hoạch, tức là đã tính cả những tình huống khác. Nhưng thời gian qua số lượng bệnh nhân chuyển từ tuyến dưới, cơ sở khác đến rất đông, ảnh hưởng đến công tác này. Tuy nhiên hoạt động mổ cấp cứu và ghép tạng vẫn đảm bảo đủ thuốc và vật tư. Trung bình hiện bệnh viện thực hiện 30-40 ca phẫu thuật cấp cứu/ngày, chúng tôi nỗ lực nhất để đảm bảo phục vụ cấp cứu cho người bệnh", ông Hùng nhấn mạnh,
Ngoài ra, ông Hùng cũng cho biết thêm, việc mua sắm khẩn cấp, tức là chỉ được mua dưới 50 triệu đồng với Bệnh viện Việt Đức khó có thể thực hiện vì thiết bị, vật tư phục vụ phẫu thuật khá đắt.
Ông Hùng lấy ví dụ, một bộ khớp giá khoảng 140 triệu đồng, nếu như mua theo hình thức khẩn cấp cũng không thể thực hiện được trong 1 gói thầu.
Giám đốc Bệnh viện Việt Đức giãi bày thêm, cùng với gói thầu hơn 400 tỷ đồng đã áp và đang thực hiện mua sắm, một số hàng hoá, vật tư đã và đang về bệnh viện, còn có 6 gói thầu với 131 mặt hàng, tổng giá trị 71,5 tỷ đang thực hiện và sẽ sớm có kết quả trong tuần tới.
Ngoài ra, còn có các mặt hàng đã duyệt dự toán và lập, thẩm định, chờ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu bao gồm 5 gói thầu với tổng số 219 mặt hàng, tổng giá trị 151,5 tỷ đồng.
Đối với thuốc, nhu cầu sử dụng thuốc tại bệnh viện không quá lớn, chủ yếu dùng thuốc kháng sinh, giảm đau (chủ yếu là xương khớp), gây mê… nên không bị ảnh hưởng nhiều.
"Có thời điểm chúng tôi lo lắng thiếu thuốc ức chế miễn dịch cho người ghép thận bởi bệnh viện đang quản lý một lượng bệnh nhân đông, tuy nhiên điều đó đã không xảy ra. Chúng tôi vẫn còn thuốc dùng này đến tháng 8/2024.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc thực hiện đấu thầu và mua sắm thuốc, vật tư để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cũng như phẫu thuật cấp cứu của người dân, cùng đó cơ sở y tế này cũng sẽ cân đối, điều phối lại những vật tư tiêu hao không thuộc loại kỹ thuật cao để sử dụng phù hợp với thực tiễn", TS Hùng cho hay.
Cũng trong buổi làm việc, các đầu mối phụ trách công tác mua sắm, đấu thầu, xây dựng dự toán, kế hoạch… của Bệnh viện Việt Đức đã chia sẻ những băn khoăn, khó khăn khi triển khai thực hiện trong điều kiện hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho rằng, chúng ta đặt ra vấn đề để cùng nhau chia sẻ nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hiểu chưa đầy đủ về việc mua sắm, đấu thầu. Đã có một số nội dung tháo gỡ ngay tại chỗ, riêng vấn đề nhà thuốc trong khuôn viên bệnh viện, Bộ Y tế sẽ trao đổi tiếp với các bộ, ngành liên quan để có phản hồi cho bệnh viện.
Ngoài ra, trong quá trình mua sắm, đấu thầu nếu có nội dung nào còn vướng mắc, chưa hiểu đầy đủ, đề nghị Bệnh viện gửi thông tin sớm nhất về Bộ Y tế để cùng trao đổi, tháo gỡ tránh để xảy ra những tình huống thiếu vật tư và bệnh nhân mổ phiên phải đợi như đã có thông tin phản ánh.
Cùng đó, Thứ trưởng Lê Đức Luận cũng cho biết, dự kiến có thể trong tuần này Bộ Y tế sẽ ký ban hành 3 Thông tư liên quan đến hướng dẫn công tác đấu thầu, mua sắm trong y tế.