Bệnh nhân vào nằm viện gần 2 ngày nhưng bác sĩ khoa Huyết học lâm sàng của bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau không xác định đúng bệnh, làm chậm trễ công tác điều trị, gây hậu quả nghiêm trọng và bị kỷ luật.
Để lại hậu quả nghiêm trọng
Mới đây, sở Y tế tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo bệnh viện Đa khoa tỉnh này kiểm điểm rút kinh nghiệm và xử lý các cá nhân có liên quan tới việc không xác định đúng bệnh cho bệnh nhân nhằm cải thiện chất lượng khám chữa bệnh. Sau đó, bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau đã ban hành quyết định kỷ luật bằng hình thức “khiển trách” đối với ông Huỳnh Công Danh, bác sĩ khoa Huyết học lâm sàng. Ngoài ra, bác sĩ Danh Thị Bé Ng. và Phan Thị Thu Th. cùng thuộc khoa Cấp cứu (cùng ê kíp trực ngày 29/4) cũng bị trừ điểm thi đua.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, nơi xảy ra vụ việc. |
Cũng theo sở Y tế tỉnh Cà Mau, Hội đồng chuyên môn bệnh viện kết luận các bác sĩ trực khoa Cấp cứu ngày 29/4 gồm bác sĩ Danh Thị Bé Ng. và Phan Thị Thu Th. trong quá trình thăm khám, chuẩn đoán bệnh cho Nguyễn Bích T., 44 tuổi, ngụ xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau chưa giải thích thấu đáo dẫn đến gây bức xúc cho người bệnh và thân nhân người bệnh. Bác sĩ Danh còn hạn chế trong chuyên môn, chưa tuân thủ quy trình, quy định, quy chế chuyên môn (quy chế hội chẩn). Từ đó, không xác định đúng bệnh của bệnh nhân, làm chậm trễ công tác điều trị, gây hậu quả nghiêm trọng.
Sau khi có kết luận Hội đồng chuyên môn, Hội đồng kỷ luật của bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau đã thống nhất hình thức xử lý đối với các bác sĩ có liên quan đến quá trình tiếp nhận, thăm khám, theo dõi và điều trị cho bệnh nhân T. như nêu trên.
Nằm viện hai ngày không phát hiện ra bệnh?
Trước đó, trên mạng xã hội Facebook liên tục lan truyền thông tin về việc người nhà một bệnh nhân ở tỉnh Cà Mau bị “viêm phúc mạc ruột thừa” cho rằng bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau thăm khám, siêu âm và xét nghiệm máu trong thời gian 2 ngày (ngày 29 và 30/4/2019 – PV) nhưng không phát hiện ra bệnh lý, còn khẳng định là không có bệnh. Khi tiếp nhận thông tin, UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn yêu cầu ngành Y tế tỉnh Cà Mau kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh.
Qua xác minh, sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, vào khoảng 14h10 ngày 29/4, bệnh nhân Nguyễn Bích T., có đến nhập viện vào khoa Cấp cứu của bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau với lý do đau bụng và mệt. Sau khi khám và xử trí ban đầu, bệnh nhân được chuyển lên khoa Huyết học lâm sàng với chẩn đoán: Đau bụng chưa rõ nguyên nhân + theo dõi viêm dạ dày để tiếp tục theo dõi điều trị.
Tại khoa Huyết học lâm sàng, bác sĩ tiến hành thăm khám và chẩn đoán bệnh nhân bị đau bụng chưa rõ nguyên nhân/viêm dạ dày, theo dõi viêm tụy - bụng ngoại khoa. Bệnh nhân được làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết và tiếp tục theo dõi điều trị. Sau khi có các kết quả cận lâm sàng, kèm theo triệu chứng đau bụng của bệnh nhân không thuyên giảm, bác sĩ khoa Huyết học lâm sàng giải thích cho bệnh nhân và người nhà là bệnh nhân là cần phải chụp CT scanner bụng để xác định chính xác chẩn đoán cho bệnh nhân. Tuy nhiên, gia đình không đồng ý và xin về để chuyển tuyến trên mặc dù các bác sĩ khoa Huyết học lâm sàng đã giải thích về tình trạng nguy hiểm của bệnh nhân.
Sau đó, bệnh nhân không đi tuyến trên điều trị mà đi khám lại tại phòng khám tư nhân và đến bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ -Minh Hải. Sau khi thăm khám và làm các cận lâm sàng có liên quan, bác sĩ tại bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ - Minh Hải đã chẩn đoán: “Viêm phúc mạc ruột thừa” cho chỉ định mổ cấp cứu. Kết quả phẫu thuật: Viêm phúc mạc ruột thừa. Thời gian hậu phẫu 5 ngày, tình trạng bệnh nhân ổn định, cho xuất viện.
Theo sở Y tế tỉnh Cà Mau, khi bệnh nhân T. mới vào bệnh viện Đa khoa Cà Mau, các bác sĩ đã thăm khám toàn diện, chỉ định các kỹ thuật cận lâm sàng phù hợp giúp chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, dấu hiệu bệnh lý ở giai đoạn này chưa biểu hiện rõ, mặt khác do kỹ năng cận lâm sàng (siêu âm – PV) còn hạn chế nên các bác sĩ chưa đưa ra kết luận chẩn đoán kịp thời và thái độ xử trí chậm.
Khi bệnh nhân được đưa đến bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ - Minh Hải (khoảng 15h13 ngày 30/4 – PV), diễn tiến bệnh đã có những dấu hiệu khá điển hình của tình trạng viêm ruột thừa cấp như: Đau nhiều hố chậu phải, có phản ứng phúc mạc; với sự hợp tác của bệnh nhân, siêu âm ổ bụng đã xác định được tình trạng ruột thừa sau manh tràng, có tụ dịch xung quanh và viêm ruột thừa hoại tử. Do đó, các bác sĩ tại đây đã chẩn đoán xác định và xử trí phù hợp.
Theo báo cáo của sở Y tế Cà Mau, thời gian nằm viện của bệnh nhân Nguyễn Bích T. tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau gần 25 giờ (từ 14h10 ngày 29/4 đến 15h ngày 30/4), bệnh viện có chẩn đoán, theo dõi bụng ngoại khoa nhưng chưa kết luận chẩn đoán chính xác là viêm ruột thừa cấp để có phương pháp điều trị phù hợp. Đây là vấn đề cần phải kiểm điểm rút kinh nghiệm. |
Việt Tâm
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 92