Số bệnh nhi mắc bệnh hô hấp tăng mạnh
Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhi mắc bệnh hô hấp đang tăng cao trên phạm vi cả nước. Ghi nhận tại các bệnh viện tuyến đầu, trẻ nhập viện do bệnh đường hô hấp tăng vọt so với các tháng đầu năm. Nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng "quá tải", không còn đủ giường bệnh.
Thông tin từ khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), những ngày qua, trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhi.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, số bệnh nhi đến khám tăng dần đều trong 3 tháng gần đây. Riêng tháng 9, khoa Khám bệnh tiếp nhận khoảng 150.000 trẻ, trong đó có khoảng 50% trẻ (chủ yếu từ 6 tháng đến 3 tuổi) mắc các bệnh đường hô hấp. 5% trong số trẻ đến khám có biểu hiện nặng, phải nhập viện điều trị, theo ghi nhận của VOV.VN.
Những bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ
Chia sẻ với PV ĐS&PL, BS.CKII Dương Văn Linh - Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Sản nhi (Quảng Ninh) cho biết trong thời kỳ chuyển mùa, trẻ thường mắc các bệnh về đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới.
"Về đường hô hấp trên, trẻ thường gặp các bệnh như viêm đường hô hấp trên, viêm mũi họng, viêm thanh quản. Về đường hô hấp dưới, trẻ hay gặp các bệnh viêm phế quản, viêm tiểu phế quản và viêm phổi. Trong đó, viêm phổi được đánh giá là nguy hiểm nhất.
COVID-19 tác động đến khắp cơ quan, trong đó có hệ hô hấp. Trẻ có thể bị tổn thương hô hấp do suy giảm miễn dịch, từ đó làm tăng lên số lượng bệnh nhi mắc bệnh hô hấp thời gian qua, đồng thời dẫn đến tình trạng quá tải tại nhiều bệnh viện", BS Linh cho biết.
Vị bác sĩ khuyến cáo phụ huynh, nếu trẻ mắc phải những triệu chứng sau cần lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt: "Thứ nhất, trẻ sốt cao liên tục, uống hạ sốt không đỡ, nhiệt độ thường ở 39 độ trở lên. Thứ 2, trẻ sốt quá 3 ngày. Thứ 3", trẻ sốt nằm li bì, ho nhiều, khó thở, khò khè, thở hõm lồng ngực. Thứ 4, trẻ bỏ bú, nôn nhiều. Với riêng trẻ dưới 3 tháng tuổi, nếu có biểu hiện sốt cần nhanh chóng có sự can thiệp của bác sĩ".
Phòng bệnh hô hấp cho trẻ
Cũng theo BS Linh, để phòng bệnh hô hấp cho trẻ, với các bệnh hô hấp, với những nguyên nhân đặc hiệu, phụ huynh có thể phòng bệnh cho trẻ bằng cách tiêm vaccine như vaccine phòng cúm, COVID-19... Với Adenovirus, hiện chưa có vaccine phòng bệnh, tuy nhiên vị trưởng kho cho biết việc tiêm các loại vaccine phòng bệnh khác cũng khiến cơ thể tăng cường hệ miễn dịch nhằm chống trọi tốt hơn với virus Adeno nếu trẻ mắc phải.
Bên cạnh đó, trẻ cần có chế độ ăn hợp lý như uống đủ nước, ăn nhiều rau củ quả tươi để bổ sung vitamin nhằm tăng sức đề kháng tự nhiên, cải thiện hệ miễn dịch của em bé.
Phụ huynh cần tránh cho trẻ tụ tập ở những nơi đông người như các khu vui chơi công động. Đây là những nơi dễ lây nhiễm bệnh hô hấp qua giọt bắn hoặc chạm tay vào các bề mặt chứa vi khuẩn. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần duy trì cho con thói quen đeo khẩu trang, giữ vệ sinh cá nhân, đồng thời cha mẹ cần khử khuẩn đồ chơi, sàn nhà... để tránh trẻ tiếp xúc với vi khuẩn gây hại.
Với những đứa trẻ trong độ tuổi bú sữa mẹ cần bú hoàn toàn bằng sữa mẹ. Trong sữa mẹ có rất nhiều yếu tố bảo vệ trẻ trong 6 tháng đầu tiên khỏi các bệnh về hô hấp.
Linh Chi