Truyền thông Trung Quốc đưa tin, cách đây nửa tháng, Đông Đông (13 tuổi, ở Tương Đàm, Hồ Nam, Trung Quốc) phát hiện một nốt mụn trên mũi, cảm thấy rất khó chịu nên nặn ra. Vài ngày trước, khi tỉnh dậy, cậu bé thấy mí mắt dưới bên trái và vùng da xung quanh hơi đỏ nhưng không mấy để tâm.
Đông Đông cho rằng tình trạng đó sẽ giảm bớt sau 2 ngày, không ngờ vùng da quanh mắt của cậu bé ngày càng đỏ hơn, thậm chí toàn bộ mắt trái sưng tấy, chảy nhiều dịch vàng. Bên cạnh đó, cậu bé còn sốt cao tới 39,7 độ C và bị đau đầu.
Lo lắng trước tình trạng của con, người mẹ nhanh chóng đưa cậu đến bệnh viện địa phương thăm khám. Qua kiểm tra, bác sĩ phát hiện Đông Đông bị viêm mô tế bào và viêm màng não mủ do nặn mụn ở vùng "tam giác chết” trên khuôn mặt. Sau đó, bé trai được chuyển tới Bệnh viện Nhi tỉnh Hồ Nam điều trị.
Theo bác sĩ Chen Bo – Trưởng khoa Thần kinh Bệnh viện Nhi tỉnh Hồ Nam, chỉ số nhiễm trùng rất cao, mặt sưng phù rõ ràng, trong máu được tìm thấy tụ cầu vàng. Rất may, sau thời gian điều trị, cơn sốt cao của bé trai 13 tuổi đã được kiểm soát, hiện tượng sưng phù mặt dần thuyên giảm, tình trạng bệnh đang được cải thiện.
Nguy hiểm khi nặn mụn ở vùng “tam giác chết”
Nhân trường hợp bé trai 13 tuổi, bác sĩ Chen cảnh báo thanh thiếu niên trong độ tuổi dậy thì có lượng hormone tương đối cao, vùng "tam giác chết" có nhiều tuyến bã nhờn và tuyến mồ hôi, dễ bị tắc nghẽn nang lông, viêm nhiễm, nổi mụn hoặc nhọt.
Nếu thấy mụn nhọt xuất hiện, tuyệt đối không được nặn mà hãy giữ vệ sinh vùng đó, điều trị và chăm sóc dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế chuyên nghiệp trong trường hợp cần thiết.
“Vùng tam giác chỉ hình tam giác hình thành giữa khóe miệng và hốc mũi. Đây là một vị trí cực kỳ nguy hiểm. Thứ nhất, các tĩnh mạch bề mặt ở vùng này bao gồm các tĩnh mạch thái dương trước và động mạch thái dương bề ngoài, kết nối với xoang hang nội sọ.
Thứ hai, van của các tĩnh mạch trước kém phát triển, ít và yếu, đồng thời đóng không hoàn toàn. Chức năng quan trọng nhất của van tĩnh mạch là hoạt động như van một chiều để đảm bảo máu chảy theo hướng của tim. Thông thường dưới sự co cơ, máu có thể được chuyển trở lại.
Khi xảy ra tình trạng viêm nhiễm ở vùng tam giác này, rất dễ gây trào ngược máu lên tĩnh mạch nhãn cầu. Một khi biến chứng xảy ra, các triệu chứng như phù nề mi mắt hoặc nghẹt cổ họng, mắt lồi bất thường, sụp mí mắt, thậm chí rối loạn thị giác thường xảy ra”, bác sĩ Chen giải thích.
Được biết, tình trạng viêm nhiễm còn có thể lan sang mắt và các mô xung quanh, gây ớn lạnh, sốt, nhức đầu… Nếu nặng thì có thể bị nhiễm trùng huyết, nhiễm độc máu, xâm nhập vào các xoang trên não, dẫn đến viêm tắc tĩnh mạch xoang hang nặng hoặc áp xe não nghiêm trọng, gây nguy hiểm tính mạng.
Cần lưu ý điều gì khi nặn mụn?
Thông thường, mụn xuất hiện và tự lặn trong khoảng 3-5 ngày mà không cần nặn bằng tay. Nếu bị mụn không nghiêm trọng, bạn có thể giữ vệ sinh da mặt, đợi nốt mụn tự lặn đi và lành lại.
Trong trường hợp bị mụn trứng cá như mụn đầu đen nhưng mụn đầu trắng thì có thể nặn được. Nguyên nhân hình thành mụn là do lỗ chân lông bị bít kín, lúc này cần nặn mụn lấy nhân ra.
Lưu ý, không được tùy ý nặn mụn bọc gây viêm nhiễm, sưng đỏ. Nếu bị mụn nghiêm trọng, tốt nhất bạn nên đến khoa da liễu của các bệnh viện chuyên khoa và uy tín để được thăm khám và xử lý phù hợp.
Để giảm nguy cơ bị mụn trứng cá, bạn nên tăng cường vận động hợp lý, uống nhiều nước, ăn nhiều rau quả, ăn ít chất béo, đường, cay, rửa mặt sạch sẽ, xây dựng thói quen vệ sinh, ngủ đủ giấc và giữ tinh thần vui vẻ.
Một số điều cần chú ý khi bị mụn:
- Lưu ý việc làm sạch da sau khi bị mụn, không nên rửa mặt bằng nước nóng, tránh tẩy da chết kẻo gây tổn thương cho da.
- Người bị nổi mụn cần hạn chế ăn các loại thịt đỏ, trái cây có tính nóng như vải, sầu riêng, xoài… vì có thể làm tình trạng mụn nặn thêm.
- Trước khi đến kỳ kinh nguyệt, con gái thường bị nổi nhiều mụn. Cần chú ý nghỉ ngơi, điều hòa cảm xúc, không nên quá căng thẳng và lo lắng.
- Một số ít phụ nữ bị mụn trứng cá do bệnh nội tiết gây ra như hội chứng buồng trứng đa nang. Nếu rơi vào trường hợp này thì nên đến bệnh viện thăm khám và điều trị.
Đinh Kim(T/h)