(ĐSPL) – Virus Ebola không phải là nguyên nhân chính dẫn tới sự bùng phát đại dịch sốt xuất huyết, mà đó là do sự biến đổi của châu Phi.
CBC News đã đưa ra nhận định như vậy trong bối cảnh dịch bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola gây ra đang lây lan nhanh chóng và khiến cả thế giới lo ngại với số người thiệt mạng tính tới thời điểm hiện tại đã tăng lên gần 1.000 người.
Một phần lý giải cho sự bùng phát của dịch bệnh Ebola hiện tại có thể được tìm thấy trong cách châu Phi đã biến đổi như thế nào kể từ khi dịch sốt xuất huyết Ebola bùng phát lần đầu tiên ở Cộng hòa Dân chủ Congo và Sundan năm 1976. Sự bùng phát dịch bệnh lần này tại các khu vực của châu Phi với “mật độ dân số đông hơn, tiến trình đô thị hóa nhanh hơn”, tiến sĩ Richard Olds, một chuyên gia về bệnh nhiệt đới nhận định.
Tình nguyện viên đang chôn cất một thi thể nhiễm virus Ebola tại Kailahun, Sierra Leone ngày 2/8. |
Theo tiến sĩ Olds, sự kết hợp giữa quá trình đô thị hóa, du lịch cùng sự phát triển kinh tế dường như tạo điều kiện thuận lợi cho virus Ebola lan rộng. Cùng lúc đó, cơ sở hạ tầng chăm sóc y tế chưa đáp ứng đủ điều kiện để có thể ngăn chặn Ebola trước khi nó bùng phát.
Có thể nói, dịch bệnh Ebola bùng phát dữ dội như vậy là do công tác xử lý y tế yếu kém tại các quốc gia châu Phi với hạ tầng xã hội suy kiệt. Những quốc gia châu Phi có dịch bệnh bùng phát đều trải qua những cuộc đảo chính, nội chiến hoặc chế độ độc tài quân sự.
Tại Guinea, những cuộc đảo chính liên tiếp, các nhà độc tài vơ vét và nguy cơ nội chiến khiến hạ tầng xã hội của họ trở nên suy kiệt. Hoàn cảnh của Liberia cũng vậy, một cuộc đảo chính quân sự diễn ra năm 1980 và sau đó là hai cuộc nội chiến liên tiếp khiến nền kinh tế nước này suy kiệt. Hai cuộc nội chiến tại Liberia kéo dài từ năm 1989 đến tận năm 2003 đã cướp đi nửa triệu sinh mạng. Cuộc nội chiến Sierra Leon kéo dài suốt 11 năm từ 1991 đến 2002 với sự hỗ trợ của các phe phái tại Liberia, đã hủy hoại nền kinh tế nước này.