+Aa-
    Zalo

    Bé gái tử vong, cả chung cư ở Trung Quốc phải bồi thường vì không tìm ra thủ phạm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Do không tìm ra thủ phạm làm quả bóng kim loại rơi từ tầng cao chung cư khiến một bé gái tử vong, tòa án đã yêu cầu các hộ gia đình sống ở đó phải bồi thường.

    Do không tìm ra thủ phạm làm quả bóng kim loại rơi từ tầng cao chung cư khiến một bé gái tử vong, tòa án đã yêu cầu các hộ gia đình sống ở đó phải bồi thường cho gia đình nạn nhân.

    Sự việc xảy ra tại một khu chung cư ở thành phố Toại Ninh, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Tòa án yêu cầu mỗi hộ gia đình sống ở tòa nhà phải đền bù 3.000 nhân dân tệ (439 USD) cho gia đình em bé. Quyết định gây tranh cãi này của tòa án được đưa ra 4 năm sau vụ việc xảy ra.

    Bé gái xấu số.

    Tháng 11/2016, người mẹ họ Chu đang đưa con gái Yanyan đi dạo. Bất ngờ, cô bé bị một quả bóng kim loại có kích thước bằng lòng bàn tay, loại thường dùng để tập thể dục, rơi từ trên tầng cao trúng vào người.

    “Không có tiếng khóc nào từ đứa trẻ, đứa trẻ nhanh chóng bất tỉnh”, truyền thông địa phương đưa tin.

    Yanyan được đưa vào bệnh viện ngay sau đó. Cô bé qua đời vào buổi tối cùng ngày. Trước đó 1 tuần, Yanyan vừa mới đón sinh nhật 1 tuổi.

    Trong những lần phỏng vấn, mẹ nạn nhân từng trả lời rằng cái chết của con khiến cô suy sụp, không muốn sống thêm. Tuy nhiên, những suy nghĩ về việc bắt được kẻ giết người và đòi lại công bằng cho con gái đã khiến cô tiếp tục sống.

    Trong suốt một tháng, cha mẹ của Yanyan đi tìm kiếm manh mối ở khu vực lân cận tòa nhà, hỏi thăm từng người dân. Cảnh sát đến gõ cửa từng nhà trong khu chung cư để điều tra song cũng không thu được kết quả. Khi không ai thừa nhận là chủ sở hữu trái bóng kim loại, hai người quyết định kiện cả khu dân cư ra tòa.

    Bốn năm sau vụ việc, vào cuối tháng trước, tòa án địa phương đã ra phán quyết rằng tất cả hộ gia đình trong khu nhà 8 tầng - ngoại trừ các căn hộ bỏ trống - đều phải chịu trách nhiệm và yêu cầu họ bồi thường.

    Quyết định được đưa ra dựa vào Điều 87 của Luật Trách nhiệm pháp lý, trong đó việc định tội được áp dụng đối với “tranh chấp về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vật ném, vật rơi không xác định được”.

    Viên bóng kim loại gây ra cái chết cho bé gái.

    “Mặc dù chỉ có một người có thể thực hiện hành vi nhưng luật pháp nên bảo vệ những người yếu thế và cân bằng lợi ích của các bên. Điều này có thể đạt được mục đích an ủi gia đình nạn nhân và là một lời cảnh báo cho công chúng”, phía tòa án nói.

    Phán quyết của tòa án sau đó tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trên mạng. Nhiều người dùng nói rằng mặc dù gia đình xứng đáng nhận được công lý nhưng không công bằng khi bắt mọi cư dân của tòa nhà phải chịu trách nhiệm.

    Những người khác đặt câu hỏi tại sao tòa án lại quá vội vàng trong việc đưa ra phán quyết.

    “Bất cứ ai thừa nhận ném bóng có thể phải bồi thường tới 1 triệu NDT và đối mặt với án tù. Nhưng theo cách này, mọi người kể cả thủ phạm, chỉ phải rút ra 3.000 NDT. Sẽ không ai chịu thừa nhận tội lỗi trong trường hợp này”, một người dùng viết.

    “Tòa án chỉ đơn giản là đưa ra một lối thoát nhanh chóng. Thủ phạm là một kẻ giết người và không nên buông tha dễ dàng như vậy”, một ý kiến khác cho biết.

    Trong khi đó, một bộ phận chỉ trích cảnh sát Toại Ninh đã không quyết liệt giải quyết vụ án. Nhiều người thắc mắc việc truy vết dấu vân tay trên quả bóng không có tác dụng và chỉ ra những quả bóng kiểu này thường đi theo cặp.

    Ở Trung Quốc, loại bóng kim loại này thường được đàn ông dùng để tập luyện, cụ thể là tung hứng một cặp trong lòng bàn tay, nhằm mục đích thư giãn cơ bắp.

    Mặt khác, một số người nghĩ tòa chung cư nên lắp thêm nhiều camera giám sát hơn và không thể bỏ qua giả thiết quả bóng rơi xuống do thú nuôi trong nhà đùa nghịch đẩy xuống.

    Một số hộ gia đình tuyên bố sẽ kháng cáo quyết định của tòa án, cho hay họ có bằng chứng chứng minh không có ai ở nhà vào thời điểm đó.

    Tờ Tin tức Bắc Kinh cho rằng phán quyết này là chưa công bằng và cho rằng cảnh sát nên tiếp tục truy tìm thủ phạm thực sự.

    Zhang Xingjin, một luật sư của Công ty Luật Shandong Qilu, nói rằng khi áp dụng luật, tòa án có lẽ tập trung vào sự cảm thông với nạn nhân và bảo vệ an toàn công cộng. “Mặc dù có vẻ không công bằng, nhưng nó có lẽ là cách tiếp cận nhân đạo nhất cho đến bây giờ. Ít nhất, nó sẽ buộc mọi người - cư dân và ban quản lý tòa nhà - phải thận trọng hơn, và thúc đẩy việc cải thiện các biện pháp và quy định an toàn trong các khu dân cư địa phương", Zhang nói.

    Phán quyết của tòa có thể chưa thỏa đáng bởi nhiều người phải đền bù cho tội ác mà họ không phạm phải và cha mẹ của Yanyan cũng chưa thể yên lòng khi không tìm ra được kẻ phải chịu trách nhiệm cho cái chết của con gái mình.

    Quỳnh Chi (T/h)

    Link bài gốc Lấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/be-gai-tu-vong-ca-chung-cu-o-trung-quoc-phai-boi-thuong-vi-khong-tim-ra-thu-pham-a338962.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan