Câu chuyện của một nữ sinh lớp 7 ở Hoa Trung (miền Trung Trung Quốc) phải nhập viện nhiều lần trong một tháng vì áp lực học tập là bài học cảnh tỉnh cho nhiều bậc phụ huynh. Đây là sự việc do bác sĩ chuyên khoa hồi sức - cấp cứu Ngụy Chí Nhân chia sẻ trên chương trình The doctor is so spicy.
Theo đó, nữ sinh 13 tuổi này đang theo học tại một trường THCS ở Hoa Trung. Đối với bố mẹ, em là niềm tự hào to lớn vì vừa học giỏi vừa ngoan ngoãn. Cô bé không phải làm việc gì, ngoài chuyên tâm học hành.
Cách đây không lâu, mẹ của nữ sinh bất ngờ nhận được cuộc gọi của giáo viên chủ nhiệm báo con đang được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Bác sĩ kể lại, khi đang ngồi học cô bé đột ngột kêu tức ngực, khó thở. Ngay sau đó, nữ sinh được đưa xuống phòng y tế nhưng tình trạng ngày càng tồi tệ, nên được chuyển đến bệnh viện.
Điều khó hiểu là sau khi tới được phòng cấp cứu thì các triệu chứng này gần như biến mất. Nhưng chỉ vài ngày sau đó, nữ sinh này lại được mẹ và giáo viên hớt hải đưa quay lại phòng cấp cứu vì lý do tương tự. Chỉ trong chưa đầy 1 tháng, tổng cộng cô bé đã phải cấp cứu tới 5 lần do suy hô hấp, rối loạn nhịp tim.
Bác sĩ Wei Zhiwei kể lại, các y bác sĩ cũng thấy bất ngờ khi kiểm tra sức khỏe tổng thể không chỉ ra bất cứ điều gì khác thường. Mẹ của cô bé này thậm chí còn đưa con đi làm siêu âm tim - phổi, nội soi dạ dày, xét nghiệm máu và nước tiểu, kiểm tra gan - thận, chụp CT não… nhưng vẫn không tìm ra vấn đề.
Lần thứ 6 nữ sinh này vào phòng cấp cứu thì tất cả mọi việc đã sáng tỏ. Người trực ca ngày hôm đó là bác sĩ Wei Zhiwei. Sau khi đọc bệnh án và trò chuyện với giáo viên chủ nhiệm của Tiểu Huệ, ông đã yêu cầu sự hỗ trợ của bác sĩ tâm lý thuộc Khoa Tâm thần và bác sĩ Khoa Nội Thần kinh. Hóa ra, bệnh của nữ sinh 13 tuổi này là bệnh về tâm lý, do áp lực hành hành mà ra.
Lý giải về vấn đề này, bác sĩ cho biết những lần cô bé bị rối loạn nhịp tim, khó thở, thậm chí ngất xỉu là do quá căng thẳng, áp lực học hành và sự kỳ vọng của bố mẹ. Điều này, đã khiến nữ sinh rơi vào trạng thái tâm lý bất ổn khi có bài kiểm tra, thi học kỳ và những thời khắc quan trọng khác. Từ đó, dây thần kinh giao cảm bị tác động mạnh nên việc tự chủ bị rối loạn nghiêm trọng và dẫn tới các triệu chứng nguy hiểm như trên.
Thông qua trường hợp của nữ sinh lớp 7, bác sĩ lên tiếng cảnh báo áp lực học hành của học sinh hiện nay. Người này cho rằng, áp lực vừa phải trong thời gian ngắn sẽ là động lực để học sinh tăng khả năng tập trung.
Tuy nhiên, nếu áp lực diễn ra trong thời gian dài sẽ xảy ra các vấn đề về tâm lý nghiêm trọng, thậm chí có cả tình trạng tự tử.
Phương Linh (T/h)