(ĐSPL) - Đại gia Đoàn Nguyên Đức- ông chủ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ngoài biệt danh bầu Đức, doanh nhân này còn có một biệt danh mà không phải ai cũng biết...
Là một trong những doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán, ông Đoàn Nguyên Đức cũng là người có mức độ xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Không giống như nhiều doanh nhân Việt vốn kín tiếng, ông chủ của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) luôn thích chia sẻ thẳng thắn khi gặp phải những nghi vấn về chuyện làm ăn, cũng như cuộc sống phía sau công việc.
Là con thứ hai trong gia đình, ông chủ Hoàng Anh Gia Lai thường được những người quen gọi là anh "Ba Đức", theo đúng cách gọi của người miền Trung. Nhưng ngoài cái tên Ba Đức, giống như hầu hết doanh nhân làm bóng đá khác, ông Đoàn Nguyên Đức còn được biết đến với biệt danh quen thuộc hơn là bầu Đức.
Đoàn Nguyên Đức sinh năm 1962 (tại xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định). Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em. Cậu bé Đoàn Nguyên Đức ngày ngày dắt trâu ra đồng, thả ước mơ vào bãi ngô xanh và cánh diều no gió.
Bầu Đức còn được những người quen gọi là anh Ba Đức |
Lớp 12, năm 1982, cậu vào TP HCM thi đại học, mang theo khát vọng của cả gia đình và những tham vọng từ thuở ấu thơ. Thế nhưng, con đường học vấn không mở ra trước mắt. Năm ấy, Đức trượt đại học… Không nản lòng, cậu lại vùi đầu vào sách vở. Sáng dắt trâu ra đồng, chiều về tranh thủ học bài. Nhưng dù cố gắng đến mấy, Đức vẫn không thể vào được cổng trường đại học. Như một định mệnh, cả 4 lần đi thi Đức đều không đạt kết quả như ý muốn.
Xét ở một góc độ nào đó, trượt đại học khiến bầu Đức dồn tâm sức nhiều hơn cho nghiệp kinh doanh. Và như vậy mới có Hoàng Anh Gia Lai lớn mạnh như ngày nay.
Năm 1990, Đoàn Nguyên Đức khởi nghiệp bằng việc trực tiếp điều hành một phân xưởng mộc nhỏ, chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại xã. Sau đó, ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất hàng nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác.
Năm 1993, ông thành lập xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku. Đến năm 2006, nó trở thành Công Ty Cổ Phần Hoàng Anh Gia Lai với nhiều lĩnh vực kinh doanh như khoáng sản, gỗ, cao su, thủy điện, địa ốc và bóng đá. Công ty bắt đầu niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) vào năm 2008 với mã HAG. Tính đến thời điểm tháng 11 năm 2010 tổng vốn hóa thị trường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đạt 22.524,09 tỷ đồng.
Có Hoàng Anh Gia Lai lớn mạnh mới có bầu Đức – người sở hữu khối tài sản lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Thậm chí có năm bầu Đức trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Những thông tin này về bầu Đức có lẽ dư luận Việt Nam đã thuộc nằm lòng.
Đại gia Đoàn Nguyên Đức- Bầu Đức- Ba Đức, cũng là người có mức độ xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. |
Theo báo cáo tình hình quản trị 2015 của công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, tại thời điểm 21/12/2014, bầu Đức nắm giữ gần 343 triệu cổ phiếu HAG, tương ứng 43,39\% vốn HAG. Theo thị giá HAG ngày 22/1/2015, khối tài sản trên thị trường chứng khoán của bầu Đức đạt gần 7.650 tỷ đồng. Bầu Đức vẫn đứng ở vị trí thứ 2 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán.
Trong gần 30 năm kinh doanh trên thương trường, ông chủ HAGL đã từng có nhiều quyết định gây nghi vấn. Ông giảm giá nhà, chuyển phần lớn việc đầu tư ra nước ngoài bằng ngành nông nghiệp, chọn Myanmar - một quốc gia khi đó còn đang "ngủ đông về tăng trưởng" - để phát triển dự án bất động sản trọng tâm... Đỉnh điểm của mọi nghi vấn là khi ông xuất đường về Việt Nam và nuôi bò để bước chân vào ngành sữa, những mảng kinh doanh xa lạ với bước khởi nghiệp của vị tỷ phú này.
Ông chủ HAGL không cần tiêu tiền, không đi du lịch trong suốt 20 năm, làm việc không tính theo giờ mà chỉ nghỉ khi hết việc, và thành công nhờ biết đón những con sóng lớn, dù trong ngành địa ốc, bất động sản hay nông nghiệp.
Thời gian đầu bước vào kinh doanh ngành nông nghiệp, bầu Đức vẫn tiếp tục thực hiện nhiều dự án bất động sản, khai khoáng cũng như thủy điện. Khi đó, nghề nông nghiệp được dự đoán là cách để bầu Đức thực hiện lấy ngắn nuôi dài: Dùng lợi nhuận của mía đường, dầu cọ... để tạo vốn cho địa ốc, bất động sản, thậm chí chỉ là để nuôi rừng cây cao su của ông chủ HAGL.
Nhưng bất ngờ, khi mía đường trở thành mảng kinh doanh đem lại một nửa doanh thu trong quý I/2014 (khoảng 500 tỷ đồng), cùng với việc triển khai trồng ngô diện tích lớn của HAGL, bầu Đức đã ngầm khẳng định rằng, đây mới chính là ngành trọng tâm của tập đoàn trong thời gian tới. Đến khi kế hoạch nuôi bò được công bố, bầu Đức lại khẳng định chính thức bước chân vào những ngành mà Việt Nam có nhu cầu cao, là sữa tươi, thịt bò và cả thức ăn chăn nuôi.
Với bất động sản, ông từng nhận định "càng làm càng lỗ" khi giảm giá nhà, rút dần khỏi các dự án ở Việt Nam. Khi đổ tiền vào Yangon, dù phải nói dối cổ đông về kế hoạch kinh doanh, bầu Đức vẫn khẳng định rằng mình "không thể không thành công". Đến khi làm bò sữa, doanh nhân phố núi vẫn kiên định rằng càng không biết, càng thành công nhờ công nghệ, như cái cách ông làm "cao su tính bằng núi và mía đường tính bằng km" trên đất Lào, Campuchia.
Từ đây, người ta thấy được mối tương đồng giữa bầu Đức ở thời làm mưa làm gió với bất động sản và chính ông trong vai trò là một "doanh nhân nông nghiệp". Bầu Đức vẫn đi trước thị trường, vẫn làm cái việc mà ông ưa thích, đó là "định giá thị trường", như chính ông từng chia sẻ: “Cái khó nhất là giá bất động sản nhưng HAGL đã từng có vai trò quyết định trong việc định giá suốt thời gian dài. Tôi cam đoan thịt bò và sữa chúng tôi đủ lực để quyết định giá, lập lại mặt bằng giá, và chắc chắn mức giá của HAGL rất cạnh tranh”.