Tại Mỹ, các bang dao động - hay còn gọi là bang chiến trường - là nơi không đảng nào chiếm ưu thế trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Những bang này có vai trò quan trọng trong việc giành chiến thắng của ứng cử viên. Và trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chỉ còn hơn 2 tuần nữa sẽ diễn ra, các ứng cử viên đang dồn nguồn lực để tìm kiếm thêm sự ủng hộ.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, các bang thuộc nhóm này gồm: Wisconsin, Michigan, Pennsylvania, North Carolina, Georgia, Arizona và Nevada.
Theo phân tích các kết quả thăm dò mới nhất do chuyên trang khảo sát RealClearPolitics.com thực hiện, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa - ông Donald Trump đang dẫn trước đối thủ đảng Dân chủ - bà Kamala Harris ở cả 7 bang chiến địa nhưng với khoảng cách không đáng kể.
Cụ thể, ở thời điểm này, 48,3% số người được hỏi sẵn sàng ủng hộ ông Trump, cao hơn một chút so với mức 47,5% cho biết sẽ bỏ phiếu cho bà Harris.
Cuối tuần này, các ứng cử viên ráo riết thực hiện chiến dịch vận động tại bang Michigan. Đây được đánh giá là bang có mức độ cạnh tranh gay gắt nhất khi các kết quả thăm dò chỉ ra hai ứng cử viên đang bám đuổi sát sao về tỷ lệ cử tri ủng hộ.
Trong những tuần cuối cùng của chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, tỷ phú Elon Musk - người giàu nhất thế giới - đã dốc toàn lực ủng hộ cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, ứng viên của Đảng Cộng hòa.
Sự ủng hộ của ông Musk dành cho ông Trump ngày càng mạnh mẽ hơn trong giai đoạn nước rút của cuộc bầu cử. Ông Musk đã tận dụng triệt để mạng xã hội X của mình để truyền tải các thông điệp ủng hộ ứng viên của Đảng Cộng hòa.
Tuần này, ông chủ của hai công ty Tesla và SpaceX cũng triển khai đợt vận động kéo dài 5 đêm cho ông Trump ở bang chiến trường Pennsylvania, nơi mà ông tin có thể là chìa khóa cho việc tái đắc cử của cựu tổng thống.
Trong khi đó, tỷ phú Mark Cuban cũng xuất hiện tại buổi vận động tranh cử của Phó tổng thống Kamala Harris ở Wisconsin. Tại đây, ông chỉ trích về đề xuất thuế quan của ông Trump.
Trong thời gian qua, bà Harris cũng đã nhận được sự ủng hộ từ các tỷ phú công nghệ và các quỹ đầu tư mạo hiểm khác như nhà đồng sáng lập mạng xã hội LinkedIn Reid Hoffman, nhà đồng sáng lập Sun Microsystems Vinod Khosla, nhà đồng sáng lập của Apple Stephen Wozniak, nhà đầu tư mạo hiểm Chris Sacca, Ron Conway...
Trong một thông tin liên quan, theo thống kê của New York Times, tính đến cuối ngày 19/10, gần 12 triệu cử tri ở Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử tổng thống 2024. Họ bỏ phiếu trực tiếp tại các điểm bầu cử hoặc bỏ phiếu qua thư điện tử.
Trong đó, mỗi bang California, Georgia có hơn 1,2 triệu cử tri đi bầu, Florida có hơn 1,1 triệu cử tri đã bỏ phiếu.
Hiến pháp Mỹ quy định, công dân nước này từ đủ 18 tuổi trở lên đều có thể tham gia bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử. Tuy nhiên trong các kỳ bầu cử luôn có một bộ phận lớn người dân không muốn đi bỏ phiếu, do không quan tâm tới chính trị hay đơn giản là không thích các ứng cử viên.
Trên thực tế, bầu cử tổng thống ở Mỹ được tiến hành song song với bầu cử quốc hội để chọn ra các nghị sĩ Hạ viện, Thượng viện. Cử tri Mỹ không trực tiếp bầu ra tổng thống mà họ dùng phiếu phổ thông để quyết định đến lá phiếu của các đại cử tri trong bang. Các đại cử tri này sau đó mới bầu ra tổng thống dựa trên kết quả phổ thông đầu phiếu tại bang mà cử tri đó đại diện.