Chỉ chưa tới 3 tuần nữa, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 sẽ diễn ra. Những cuộc thăm dò gần đây cho thấy hai ứng cử viên là Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump gần như ngang tài ngang sức.
Kết quả cuộc thăm dò toàn quốc của đài NBC News mới đây cho thấy, bà Kamala Harris nhận được sự ủng hộ từ 48% cử tri, tương tự, ông Donald Trump cũng nhận được 48% cử tri ủng hộ. Còn lại 4% cử tri tham gia khảo sát cho biết họ vẫn chưa quyết định hoặc sẽ không bỏ phiếu cho bất kỳ ai trong hai ứng cử viên này.
Theo đó, cuộc đua vào Nhà Trắng lần này rất khó đoán và đang ở giai đoạn chạy nước rút vô cùng gay cấn. Hiện tại, ông Trump liên tục tung ra những cảnh báo để khiến người Mỹ sợ hãi về vấn đề nhập cư hay kinh tế, khiến bà Harris chật vật tìm cách đối phó.
Chiến thuật gieo nỗi sợ hãi của ông Trump
Ngày 13/10, tại cuộc mít tinh ở bang chiến trường Arizona, ông Trump nói rằng nếu bà Harris được bầu, "toàn bộ đất nước sẽ biến thành trại di cư". Trước đó, tại cuộc vận động ở bang Wisconsin vào cuối tháng 9, cự tổng thống Mỹ cũng cảnh báo người nhập cư "sẽ bước vào bếp của bạn” và "thị trấn, thành phố và đất nước của các bạn đang bị phá hủy".
"Các bạn sẽ không còn đất nước nữa. Tốt hơn hết các bạn nên hy vọng tôi đắc cử", ông Trump nói tại cuộc mít tinh ở Las Vegas tháng trước.
Giới quan sát nói rằng, ông Trump đã sử dụng chiến thuật gieo rắc sợ hãi như công cụ để tăng cường sự ủng hộ của cử tri.
Ngày 11/10, khi vận động tranh cử ở bang Colorado, ông nhấn mạnh sẽ "bắt đầu chiến dịch trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ" nếu tái đắc cử. "Chúng tôi sẽ đóng cửa biên giới. Chúng tôi sẽ ngăn chặn cuộc xâm chiếm đất nước của những người di cư bất hợp pháp. Chúng tôi sẽ bảo vệ lãnh thổ", ông tuyên bố.
Bên cạnh các vấn đề trong nước, ông Trump cũng thường xuyên cảnh báo Mỹ đứng bên bờ vực chiến tranh toàn cầu mà chỉ ông mới có thể ngăn chặn. Cho rằng nhiệm kỳ đầu của ông đã duy trì nền hòa bình của thế giới, cựu tổng thống lập luận rằng việc đảng Dân chủ tiếp tục lãnh đạo đất nước sẽ kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine và Dải Gaza.
Cuộc cạnh tranh sít sao giữa hai ứng viên cho thấy nhiều cử tri vẫn nghiêng về Trump, khi ông dường như biết cách "rót vào tai" hàng triệu người Mỹ những điều họ muốn nghe, đặc biệt là cảnh báo gây sợ hãi về "tương lai đen tối", theo giới quan sát.
Ông Doug Sosnik, chiến lược gia đảng Dân chủ, cho rằng bà Harris đã chững lại trong cuộc đua tranh cử những ngày qua, khi ông Trump liên tiếp giành được một số lợi thế nhờ những tuyên bố mang tính đe dọa của mình.
"Bà ấy không thể thuyết phục cử tri rằng mình là tác nhân thay đổi trong cuộc đua, rằng bà ấy sẽ làm tốt hơn về vấn đề kinh tế, lạm phát, tội phạm hoặc cải thiện tình hình tài chính cho người dân. Và điều quan trọng là cử tri nói rằng ông Trump sẽ làm tốt hơn", ông Sosnik nói.
Ông Sosnik đồng thời đặt câu hỏi là liệu bà Harris có thể chịu được áp lực để có thể thuyết phục những người không muốn bỏ phiếu cho Trump nhưng lo ngại về ứng viên Dân chủ hay không.
Áp lực dội lên đội ngũ của bà Harris
Bà Sarafina Chitika, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của bà Harris, đã chỉ trích những bình luận mang tính "hù dọa" của cựu tổng thống. "Donald Trump không còn gì để nói với người Mỹ ngoài những điều đen tối và dối trá. Thay vì đưa ra giải pháp, ông ấy lan truyền thuyết âm mưu và hủy hoại đất nước chúng ta", bà Chitika nói.
Bà Harris dẫn trước ông Trump trong một số cuộc khảo sát dư luận quốc gia gần đây, nhưng ưu thế này đang ngày càng hẹp dần và nhiều người lo ngại ứng viên đảng Dân chủ có thể giành được nhiều phiếu phổ thông hơn nhưng vẫn thất bại về phiếu đại cử tri, giống như kịch bản của bà Hillary Clinton năm 2016.
Các thành viên đảng Dân chủ cho rằng Phó Tổng thống Kamala Harris vẫn chưa thể thuyết phục được cử tri với tư cách là ứng cử viên tổng thống có thể quản lý nền kinh tế tốt hơn, một nhiệm vụ mà họ cho là rất quan trọng để xây dựng vị thế dẫn đầu tại các bang chiến trường trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Nhiều người cho rằng Phó Tổng thống Harris đang gặp nhiều thách thức trong việc thuyết phục cử tri rằng bà có thể giải quyết tốt vấn đề kinh tế hơn cựu Tổng thống Donald Trump, người đang dẫn trước về khả năng quản lý nền kinh tế. Mặc dù bà Harris đã có những sáng kiến như giảm chi phí thuốc men và hỗ trợ phụ huynh học sinh, bà vẫn chưa tạo được sự kết nối mạnh mẽ với cử tri.
Theo lưu ý từ các chiến lược gia của đảng Dân chủ, bà Harris cần một cách tiếp cận mạnh mẽ hơn để làm suy giảm lợi thế của ông Trump, đặc biệt là khi cử tri vẫn nghi ngờ về thành tựu kinh tế của chính quyền Biden-Harris.
Ông Evan Roth Smith, nhà thăm dò ý kiến thuộc sáng kiến Blueprint của đảng Dân chủ, cho rằng bà Harris đang đối mặt với thách thức lớn nhất trong việc truyền tải thông điệp kinh tế của mình, khi chính quyền Biden-Harris bị cho là không thuyết phục được cử tri về cách giải quyết các vấn đề kinh tế.
Một số nhà phân tích cho rằng bà Harris cần một cách tiếp cận mạnh mẽ hơn để phản bác lại danh tiếng của ông Trump về thành tích kinh tế. Chiến lược gia kỳ cựu của đảng Cộng hòa Mike Murphy nhận định: "Bà ấy (Harris) cần làm rõ hơn kế hoạch kinh tế của mình và phải bắt đầu làm điều đó ngay bây giờ". Theo ông Murphy, bà Harris đã không tận dụng cơ hội trong cuộc tranh luận để tạo ra sự khác biệt đáng kể so với ông Trump về vấn đề này.
Thời điểm gần đây, bà Harris đã đưa ra các đề xuất và sáng kiến về việc giảm chi phí thuốc, hỗ trợ phụ huynh và chống đầu cơ giá thực phẩm. Mặc dù các sáng kiến này thu hút sự ủng hộ trong các cuộc thăm dò, nhưng chúng chưa được trình bày một cách cụ thể và đáng tin cậy với cử tri. Nhà phân tích Ruy Teixeira cho rằng các ý tưởng này còn mơ hồ và khó lòng tạo được sự kết nối với tầng lớp lao động ở các bang dao động, những người mà bà Harris cần thu hút nhất.