Với chiều dài hàng chục ngàn cây số bờ biển cùng hàng trăm ngàn chiếc ghe tàu làm nghề đánh bắt thủy hải sản, nước ta có rất nhiều cảng cá lớn nhỏ khắp từ bắc tới nam.
Mặc dù là nơi mua bán thủy sản cũng như cung cấp lương thực, xăng dầu cho tàu bè nhưng hiện nay, rất nhiều cảng cá của ngư dân đang ở trong tình trạng bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi số lượng tàu ghe quá lớn, lượng hải sản trung chuyển nhiều cũng như hệ thống xử lý nước thải ở khu vực cảng cá hầu hết là rất thô sơ. Tình trạng này không chỉ gây ra những xáo trộn nghiêm trọng về môi trường biển ven bờ mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội của những khu dân cư quanh khu vực các cảng cá này.
Đổ thẳng ra môi trường
Theo thống kê của Cục Thủy sản, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì hiện nay ở nước ta có tổng cộng khoảng 70 cảng cá được cấp phép hoạt động, tập trung nhiều ở khu vực miền Tây Nam bộ. Theo đó, đây không chỉ là nơi tập trung ghe, thuyền của ngư dân sau mỗi chuyến biển mà còn chính là nơi xuất nhập hàng hóa. Ngư dân thường bán thủy hải sản khai thác được tại cảng và mua những nhu yếu phẩm cần thiết cho mỗi chuyến biển kéo dài hàng tháng trời của mình. Thông thường, mỗi cảng cá ở Việt Nam có lưu lượng ghe thuyền lưu thông lên hàng ngàn chiếc/tháng, đặc biệt là tăng cao vào mùa khai thác thủy sản như hiện nay. Chính vì vậy, qua một số khảo sát thấy rằng, hầu hết những cảng cá này đều đang bị ô nhiễm trầm trọng. Và nguy hiểm hơn nữa khi tình trạng ô nhiễm này lại diễn ra tràn lan và không kiểm soát được. Nguyên nhân chính của việc những cảng cá ở nước ta trở lên ô nhiễm là tình trạng xả thải thiếu ý thức của ngư dân khi tham gia những hoạt động tại cảng cá, đặc biệt là hoạt động bốc vác, sơ chế hàng hóa thủy sản bởi cá biển sau khi đánh bắt thường trải qua một quãng thời gian nhất định bảo quản trước khi tiêu thụ. Ngoài ra cũng cần tính đến sự quản lý lỏng lẻo của ban quản lý khu vực cảng cá khi không kiểm soát được những hành vi này.
Cụ thể, tại cảng cá ở một số tỉnh Kiên Giang, Cà Mau hay Sóc Trăng, khi kiểm tra kết quả nồng độ các mẫu nước thải đều cho kết quả là những chất cấm đều vượt quá ngưỡng cho phép nhiều lần. Nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm cảng cá, theo nhiều người dân địa phương thì chính là việc hầu hết ngư dân khi cập ghe thuyền vào cảng là để xuất bán sản phẩm. Khi ấy, hàng trăm tấn cá được ướp lạnh trong khoang đá sẽ được vận chuyển lên bờ. Kèm theo đó, những chất thải mà lượng thủy sản này phát sinh ra cùng với những hóa chất dùng để bảo quản hải sản thường xuyên được đổ thẳng ra môi trường nước biển với số lượng ngày một nhiều khiến khu vực nước ở những cảng cá này lúc nào cũng trong tình trạng bốc mùi hôi thối.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những hoạt động khiến cảng cá trở lên ngày càng ô nhiễm chính là việc chế biến thủy hải sản ngay tại cảng. Theo đó, như một thói quen, hầu hết thủy sản sau khi vận chuyển vào cảng đều được chế biến ngay tại chỗ. Như cảng cá Phước Tỉnh nằm ở xã Phước Tỉnh (Long Điền, Bà Rịa Vũng Tàu), một trong những cảng cá lớn nhất miền Đông với lưu lượng thủy sản như cá, tôm, cua ghe, mực… cập cảng hàng chục tấn mỗi ngày. Tại đây, hầu hết thủy sản đều được sơ chế ở khu vực cảng khiến cho môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ngoài ra, rác thải của hàng trăm con người sinh hoạt trong khu vực cảng cũng được ném thẳng xuống nước khiến môi trường bị tàn phá nặng nề. Hơn nữa, theo thống kê của Cục khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, mỗi năm, đội tàu thuyền nước ta khai thác được khoảng gần 2,5 triệu tấn hải sản. Trong số này, hầu hết đều được chế biến và sơ chế ngay tại cảng trước khi đem đi tiêu thụ. Và đó chính là nguyên nhân khiến cho hàng trăm tấn chất thải phát sinh từ những lần sơ chế này đều được đổ thẳng xuống biển.
Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết những cảng cá của ngư dân Việt Nam đều được hình thành từ thói quen sinh hoạt lâu đời trong nghề biển. Nghĩa là những nơi nào thuận lợi, gần cửa sông, ven biển, địa hình dễ dàng tránh gió bão là dần dần hình thành những cảng cá. Sau đó, chính quyền địa phương có quy hoạch thêm, xây dựng những hạ tầng cơ sở cơ bản để phục vụ ghe thuyền và hình thành những khu cảng cá. Tuy vậy, xét một cách tổng quan thì hầu hết những cảng cá ở nước ta chưa có một hệ thống xử lý chất thải đồng bộ và do nằm sát bờ biển nên chất thải thường được đổ thẳng ra môi trường ven biển.
Có thể nói, tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm chất thải, ô nhiễm hóa chất…tại hầu hết những khu vực cảng cá ở nước ta đã tới mức báo động và gây nguy hiểm trực tiếp tới đời sống sinh hoạt cũng như hệ sinh thái môi trường của người dân trong khu vực. Nếu trong thời gian tới, chúng ta không có những biện pháp hữu hiệu nhằm cải thiện tình hình thì rất có thể, ô nhiễm còn lây lan ra cả những khu vực sinh thái môi trường biển lân cận ở cảng cá nữa.
Chung tay tìm những giải pháp
Rất nhiều những cảng cá đang hoạt động hiện nay đều được cảnh báo là mối hiểm họa thường trực của sự ô nhiễm môi trường xung quanh. Điều này cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều khu vực ven biển ở nước ta bị ô nhiễm trầm trọng có nguyên nhân xuất phát từ khu vực cảng cá. Thế nhưng, để giải quyết được bài toán về ô nhiễm này lại là một vấn đề nan giải và khó khăn bởi lượng ghe thuyền nhiều, thường xuyên thay đổi.
Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia về môi trường biển thì những cảng cá ở nước ta luôn xảy ra tình trạng ô nhiễm là bởi lượng xăng dầu được vận chuyển ở cảng cá nhiều. Theo đó, hầu hết những ghe thuyền cập cảng xuất bán thủy hải sản thì đều phải nhập xăng dầu và những nhu yếu phẩm khác. Chính vì thế, tình trạng xăng dầu cặn bã, nguyên liệu máy móc đã được đổ xuống nước mà không được kiểm soát. Mặc dù số lượng chất thải này là không lớn nhưng tác hại của nó tới môi trường sinh thái biển lại rất nguy hiểm bởi đó là những hóa chất khó bị tiêu hủy, có thể tồn tại một thời gian dài trong môi trường nước biển và tác động tiêu cực lên nhiều loài sinh vật biển ở khu vực thềm lục địa. Vì vậy, để xử lý và hạn chế lượng chất thải công nghiệp này ở những khu vực cảng cá cũng là một vấn đề hết sức nan giải và khó khăn.
Vì vậy, ưu tiên hàng đầu cho việc ngăn chặn tình trạng này chính là việc xây dựng lại những cảng cá có quy mô và hệ thống nước thải, chất thải đúng quy định. Điều đó có thể giúp những mô hình cảng cá trở lên trong sạch và thân thiện hơn với môi trường xung quanh. Hơn nữa, nó cũng làm lành mạnh hơn môi trường biển ở ven bờ thềm lục địa trong thời gian tới. Điều này là rất quan trọng bởi nó giúp cho sự đa dạng và phong phú của hệ sinh vật môi trường biển được tăng lên, trữ lượng thủy sản ven bờ cũng sẽ được cải thiện nhiều.
Hơn nữa, việc tuyên truyền để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của ngư dân cũng hết sức quan trọng. Đây có thể coi là nhiệm vụ của tất cả mọi người, đặc biệt là những ngư dân sinh sống và làm việc trong khu vực cảng cá bởi chính họ chứ không phải ai khác mới là người gìn giữ và cải tạo môi trường khu vực cảng cá. Bên cạnh đó, việc ô nhiễm quanh khu vực cảng cá cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống và sức khỏe của mọi người. Vì vậy, để người dân cùng chung tay hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường là một việc làm vô cùng thiết thực.
Thêm nữa, theo nhiều chuyên gia môi trường biển, một giải pháp nữa là đưa việc buôn bán, sơ chế thủy hải sản ra khu vực ngoài xa vùng bờ biển bằng những khu chợ ngoài khơi. Nghĩa là, thủy hải sản khai thác xong sẽ được sơ chế, mua bán ở ngoài khơi, cách xa khu vực cảng cá. Như vậy, những chất thải độc hại sẽ giảm thiểu và đó có thể là cách để cứu lấy môi trường đang ô nhiễm nghiêm trọng quanh khu vực cảng cá.
Chúng tôi tiếp nhận tất cả các thông tin phản ánh về vấn đề môi trường của bạn đọc 24/24h
Liên hệ: Viện nghiên cứu môi trường và các vấn đề xã hội\_phân viện phía nam
Địa chỉ: 58 Nguyễn Phi Khanh, Phường Tân Định, Quận 1
Hotline: 0988.66.66.88 - - 08.6683.7519
Đoàn Đại Trí
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bao-dong-o-nhiem-cang-ca-a53599.html