+Aa-
    Zalo

    ĐBSCL:Nông dân thất thu vì biến đổi khí hậu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân, biến đổi khí hậu hiện nay còn khiến hàng chục triệu nông dân trồng lúa ở khu vực này chịu ảnh hưởng nặng

    Theo đó, nhiều cánh đồng lúa bị mất trắng, nhiều vùng hoa màu, cây trồng chuyên canh bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sự biến đổi bất thường của thời tiết, mưa lũ và cả tình trạng nước biển bị xâm thực lẫn nồng độ phèn trong đất ngày một gia tăng.
    Thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt
    Hiện nay, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi được coi là vựa lúa lớn nhất cả nước đang bước vào vụ thu hoạch mới. Khác với những vụ thu hoạch trước, vụ hè thu, nông dân luôn phải sống trong âu lo và bất an bởi đây cũng chính là mùa nước nổi, mùa lũ lụt bao trùm cả một vùng rộng lớn này. Theo nhiều nông dân ở khu vực Đồng Tháp Mười, một nơi được coi là rốn lũ mùa nước nổi thì mặc dù biết năm nào nước lũ cũng tràn về nhưng nông dân ở đây không có cách gì ứng phó hiệu quả bởi nó không tuân theo bất cứ quy luật nào và họ thường rơi vào thế bị động.
    Cụ thể, như năm nay, mặc dù nước lũ đã tràn về từ đầu tháng 9, cộng thêm lượng mưa sẵn có bắt đầu từ tháng 8, nhiều khu vực ở Đồng Tháp Mười đã ngập trong nước nhưng lúa của nông dân vẫn chưa chín hết. Vì thế, nhiều người bắt buộc phải thu hoạch sớm, thay vì có thể mất trắng cả một vụ lúa nếu cố gắng chờ đợi. Có thể nói, việc sản lượng nông sản và năng suất mùa màng của người trồng lúa phụ thuộc nhiều vào chế độ mưa lũ ở khu vực này là điều không thể tránh khỏi, dù đã có một số hệ thống kênh rạch và đê bao được xây dựng quanh vùng. Tuy nhiên, do biến đổi khi hậu ngày một bất thường, những nông dân ở đây còn đối mặt với một rủi ro hoàn toàn ngược lại, ấy là khi nước lũ về muộn hoặc như cách đây 2, 3 năm, nước lũ không về. Cụ thể, do phía thượng nguồn sông Mê Kông có nhiều thay đổi, chế độ lũ ở dưới vùng hạ lưu (tức toàn bộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam) cũng thay đổi theo. Nếu nó về sớm, về nhiều thì nông dân có thể bị mất mùa, bị thất thu vì đơn giản, nước lũ, với mực nước cao từ 1 đến 2,5 mét sẽ nhấn chìm rất nhiều ruộng đồng. Nhưng, nếu nước lũ không về thì hậu quả mà người nông dân phải gánh chịu cũng nặng nề không kém. Đó chính là do đặc điểm đất đai của vùng này, nước lũ có tác dụng cung cấp phù sa, rửa phèn mặn làm ngọt ruộng đồng. Khi ấy, nếu không có nước lũ, nồng độ phèn trong hầu hết những nguồn nước bề mặt ở Đồng bằng sông Cửu Long đều vượt quá giới hạn cho phép khiến nhiều loại cây trồng mà thông dụng nhất là cây lúa nước không phát triển và năng suất cũng giảm rất nhiều. Cụ thể, Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam thì, hàng năm, xâm nhập mặn kết hợp với thiếu nước đầu nguồn sông Mê Kông từ tháng 12 năm trước đến tháng 5 năm sau đã trở nên nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc lấy nước mặn nuôi tôm ở bán đảo Cà Mau đã phát sinh nhiều vấn đề mà chúng ta còn đang giải quyết một cách thụ động. Trong 5-10 năm tới, lưu lượng nước vào tháng khánh kiệt nhất (tháng 4) của sông Mê Kông ở đầu nguồn dự báo giảm gấp đôi so với hiện nay do sự khai thác của các nước Tiểu vùng sông Mê Kông. Điều này sẽ tạo nguy cơ đưa tầng sinh phèn cao hơn mực thủy cấp và ảnh hưởng rất lớn đến năng suất lúa. Hơn nữa, diện tích đất trồng lúa ở Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, Tây sông Hậu là khoảng 1,8 triệu ha đang đứng trước nguy cơ không kiểm soát được phèn. Bên cạnh đó, chất lượng nước ở các sông rạch, kênh chính ngày một bị ô nhiễm, đất bạc màu tăng. Tất cả bất cập này sẽ khó giải quyết, nếu không có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ...
    Thế nhưng, theo nhiều nghiên cứu thì không chỉ người trồng lúa mà hầu hết nông dân canh tác các loại hoa màu, cây ăn trái khác cũng như nuôi trồng thủy sản đều bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi bất thường của thời tiết ở khu vực này. Cụ thể, hằng năm, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến 50.000 ha lúa hè thu và tác động trực tiếp đến hệ thống canh tác lúa tôm khoảng 250.000 ha ở các tỉnh ven biển. Riêng về tình trạng khô hạn cũng tác động đến 300.000 ha lúa hè thu (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang và Long An), đồng thời gây khô hạn cục bộ cho 500.000 ha vào cuối tháng 4 đến giữa tháng 5 hằng năm tại nhiều địa phương. Thêm vào đó, lũ sông Mê Kông tác động trực tiếp đến 500.000 ha lúa tại An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang và Kiên Giang, đồng thời ảnh hưởng tới sản xuất vụ thu đông và vụ đông xuân của năm sau.
    Không những vậy, biến đổi khí hậu còn dẫn tới diện tích canh tác của nông dân ở khu vực này bị giảm đáng kể. Theo đó, chỉ tính riêng cây lúa. Thời gian qua, biến đổi khí hậu đã khiến nhiều nông dân không dám canh tác 3 vụ như những năm trước bởi vụ hè thu thường chịu hậu quả nặng nề của thiên tai lũ lụt, không có hiệu quả. Vì vậy, sản lượng lúa và nhiều cây trồng khác tính tổng cả một năm cũng giảm theo, gây nhiều khó khăn cho đời sống người nông dân. Cụ thể, theo thống kê của Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn, giai đoạn 2005- 2015, diện tích đất trồng lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giảm chừng 205.400 ha/. Tức là, mỗi năm, diện tích trồng lúa giảm khoảng hơn 20 ngàn ha. Điều đáng nói là con số này ngày một gia tăng khiến nỗi lo càng thêm chất chồng.
    Chung sức ứng phó biến đổi khí hậu
    Có thể nói, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chính là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của những biến đổi khí hậu trong những năm gần đây và việc mọi người cùng chung sức để ứng phó với thiên nhiên là một điều hết sức cần thiết. Theo phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Sánh, Viện Nghiên cứu Phát triển đồng bằng sông Cửu Long thì vấn đề cốt yếu chính là phát triển bền vững hệ sinh thái của vùng, cần chú ý đối với vùng ven biển. Để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, bảo vệ hệ sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long cần có những giải pháp thiết thực như: đầu tư các trạm quan trắc, theo dõi để cảnh báo sạt lở; phục hồi rừng ngập mặn ven biển. Qui hoạch dân cư và qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội hợp lý để ổn định sinh kế cho người dân địa phương. Nâng cao nhận thức chính quyền địa phương và cộng đồng về tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Đẩy mạnh hoạt động kêu gọi sự giúp đỡ của quốc tế và đàm phán với các quốc gia thượng nguồn để đảm bảo dòng chảy sông Mê Kông không bị thay đổi.
    Phát triển và khai thác hợp lý rừng ngập mặn; chọn giống, nhân giống cây ngập mặn trong từng vùng sinh thái để thực hiện quy hoạch phát triển rừng ngập mặn. Lập các quy luật về các hệ sinh thái rừng ngập mặn và các quy trình nuôi hải sản trong rừng ngập mặn nhằm khai thác hợp lý, bảo tồn và phát triển vốn rừng ngập mặn. Phát triển 4 khu dự trữ sinh quyển (trong đó có 3 khu Cần Giờ, Kiên Giang và Cà Mau đã được UNESCO công nhận là 3 khu dự trữ sinh quyển thế giới), và khu dự trữ sinh quyển cửa sông Cửu Long cần phấn đấu để cũng được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới để trở thành 4 khu dự trữ sinh quyển tiêu biểu trong các nước nhiệt đới. Ngoài ra ứng  xử với môi trường cần quan tâm tới các vấn đề như biến đổi khí hậu và di dân; thích ứng cộng đồng với biến đổi khí hậu; nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu.
    Ngoài ra, cần phải nâng cao ý thức của chính người dân về công tác bảo vệ môi trường sống, không hủy hoại môi trường sống bằng những loại hóa chất độc hại và tuyên truyền để mọi người xung quanh cùng hưởng ứng bởi ai cũng biết, biến đổi khí hậu của thiên nhiên có nguồn gốc xuất phát từ chính các hoạt động có ý thức của con người gây lên.
    Đoàn Đại Trí
    CHÚNG TÔI TIẾP NHẬN TẤT CẢ CÁC THÔNG TIN PHẢN ÁNH VỀ VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG CỦA BẠN ĐỌC 24/24H
    LIÊN HỆ: VIỆN NGHIÊN CỨU MÔI TRƯỜNG VÀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI\_PHÂN VIỆN PHÍA NAM
    ĐỊA CHỈ: 58 Nguyễn Phi Khanh, Phường Tân Định, Quận 1
     HOTLINE: 0988.66.66.88 - - 08.6683.7519 
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dbsclnong-dan-that-thu-vi-bien-doi-khi-hau-a49323.html
    Ô nhiễm vì khai thác tài nguyên khoáng sản

    Ô nhiễm vì khai thác tài nguyên khoáng sản

    Là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản cực kỳ dồi dào với những mỏ than đá, đất hiếm, vàng bạc hay dầu khí, khí đốt… nên việc khai thác với quy mô lớn

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Ô nhiễm vì khai thác tài nguyên khoáng sản

    Ô nhiễm vì khai thác tài nguyên khoáng sản

    Là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản cực kỳ dồi dào với những mỏ than đá, đất hiếm, vàng bạc hay dầu khí, khí đốt… nên việc khai thác với quy mô lớn