(ĐSPL) - Trước đây, thông thường chỉ có học sinh cá biệt mới đánh nhau thì bây giờ lại có không ít “con ngoan, trò giỏi” cũng tham gia vào những cuộc ẩu đả đầy bạo lực.
Tung ảnh clip nữ sinh đánh nhau lên mạng đang trở thành hội chứng làm xấu hình ảnh ngành giáo dục, triết gia vườn bóp trán: “Chú thử xem diễn biến ngày một đáng báo động khi trước đây, thông thường chỉ có học sinh cá biệt mới đánh nhau thì bây giờ lại có không ít “con ngoan, trò giỏi” cũng tham gia vào những cuộc ẩu đả đầy bạo lực. Vậy vai trò của nhà trường, của gia đình, của các sở, ngành giáo dục… để ở đâu?”.
Nhà thơ vườn nhỏ nhẹ: “Bác ơi, các cấp cũng đang “đau đầu” lắm khi có một số ý kiến cho rằng: Trong khi bạo lực học đường đang nở rộ như một dịch bệnh suốt những năm qua thì dường như các sở, ngành giáo dục bất lực với vấn nạn này? Sở dĩ nhà làm quản lý không tìm ra được “thuốc đặc trị” vì căn bệnh thành tích trầm kha đã đẩy nền giáo dục nước nhà đi “lạc hướng” ngày càng xa.
Clip: Hai nữ sinh đánh nhau náo loạn giữa đường.
Phương pháp đào tạo “lạc điệu” với hơi thở của cuộc sống hiện đại nên dù có phát động phong trào “trường học thân thiện, học sinh tích cực” cách đây mấy năm cũng không thể sửa được những chỗ hỏng trong “cỗ máy” giáo dục?!”.
Triết gia vườn ngẫm ngợi: “Chú hãy xem những con số biết nói này nhé! Vừa qua, tại cuộc tọa đàm “Bạo lực học đường - Nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa” do viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức, PGS. Phạm Minh Mục cho biết, qua phiếu khảo sát với hơn 700 học sinh và 120 giáo viên của nhiều trường phổ thông thuộc nhiều địa phương, vùng miền khác nhau, học sinh hiện gặp khá nhiều “rắc rối” khi tham gia đời sống học đường, trong đó có 51,6\% cho biết đã từng liên quan tới bạo lực.
Cụ thể, bạo lực tinh thần như mắng chửi, đe dọa, bắt phạt, đặt điều, sỉ nhục... là những dạng thường gặp nhất (chiếm 73\%); bạo lực thể chất 41\%. Khi gặp vấn đề, khoảng 1/3 học sinh đã chọn giải pháp im lặng, không phản ứng. Vậy là có quá nửa số học sinh chúng ta hiện nay đã từng liên quan tới bạo lực học đường. Con số đáng nói chưa?”.
Nhà thơ vườn góp ý: “Bác à, về vấn đề “đau đầu” của ngành giáo dục hiện nay, theo một số nhà nghiên cứu, trong quá trình giáo dục, nhiều khi người lớn do thiếu kiến thức đã phạm phải những sai lầm khiến bạo lực học đường không được khống chế, ngăn chặn.
Một chuyên gia giáo dục cho rằng sai lầm hiện nay là cả nhà trường và gia đình đều dạy trẻ bằng kinh nghiệm: “Việc dùng lớp trưởng và các cán bộ lớp khác để quản lý lớp là một kinh nghiệm được nhiều giáo viên sử dụng. Điều đó rất nguy hiểm mà trường hợp ở Trà Vinh vừa qua là ví dụ cho thấy việc chúng ta sử dụng quyền lực trong quan hệ, trong quản lý đã khiến đứa trẻ học theo”.
Triết gia vườn thở dài: “Biết như thế mà ngành giáo dục vẫn chưa đề ra các giải pháp cho vấn đề này, theo các chuyên gia, thế giới học đường sẽ tiếp tục bùng nổ bạo lực nếu như người lớn không nghiêm túc nhìn nhận lại khuyết điểm của mình trong quá trình giáo dục trẻ. Không ít ý kiến nhận định vấn nạn bạo lực học đường đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về một nền giáo dục đang nặng dạy chữ mà coi nhẹ việc rèn người, dạy kỹ năng sống? Muốn giảm bạo lực học đường, cần phải thay đổi mục tiêu giáo dục từ đào tạo học sinh thành "cỗ máy" giải bài sang đào tạo một con người nhân ái có tri thức, chú hiểu không?”.
Nhà thơ vườn băn khoăn: “Bác ơi, ai chịu trách nhiệm trước vấn nạn bạo lực học đường hiện nay? Phụ huynh đổ lỗi cho nhà trường. Nhà trường thì biện minh chỉ quản lý các em vài tiếng đồng hồ, chủ yếu các em tiếp xúc gia đình và xã hội. Xã hội lại cho rằng gia đình và nhà trường không quan tâm đến học sinh nên bạo lực học đường tràn lan. Vậy trách nhiệm của sở GD-ĐT ở các địa phương và bộ GD-ĐT tính sao đây?”.
Triết gia vườn phán luôn:
Trách nhiệm của Bộ thế nào
Trách nhiệm của Sở ra sao, chuyện này
Học đường bạo lực từng ngày
Hồi chuông cảnh báo thật gay go rồi
Ngành giáo dục phải trồng người
Tìm ngay giải pháp kịp thời ngay cho.
VIỆT CHIẾN
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bao-dong-nha-truong-thanh-dau-truong-a90078.html