Trước đó, vào ngày 20/1, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình phối hợp với Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng tiến hành kiểm tra đột xuất đối với Cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc Công ty TNHH thương mại Thượng Hoàng Phát (địa chỉ Thôn Trung, xã Song Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình).
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã thực hiện lấy mẫu xăng RON 95-III đang kinh doanh tại cửa hàng để gửi đi kiểm nghiệm chất lượng.
Ngày 21/2, căn cứ kết quả xác minh làm việc và kết quả thử nghiệm mẫu xăng Ron 95-III, Đội Quản lý thị trường số 1 đã lập Biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH thương mại Thượng Hoàng Phát về hành vi vi phạm: Buôn bán/bán hàng hoá có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng (Có trị số Octan không đạt yêu cầu về chất lượng theo quy định tại QCVN 01: 2022/BKHCN).
Hàng hóa vi phạm gồm gần 6.000 lít xăng RON 95-III. Ngay sau đó, Đội Quản lý thị trường số 1 đã báo cáo Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình và chuyển giao hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính đến Ủy ban nhân dân tỉnh do vụ việc vi phạm hành chính vượt thẩm quyền của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường.
Ngày 4/3, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định xử phạt đối với Công ty TNHH thương mại Thượng Hoàng Phát về hành vi vi phạm trên với số tiền gần 260 triệu đồng.
Theo thống kê từ Tổng cục Quản lý thị trường, năm 2023, lực lượng Quản lý Thị trường cả nước đã kiểm tra trên 3.080 vụ kiểm tra, xử lý 860 vụ vi phạm về kinh doanh xăng dầu, xử phạt vi phạm hành chính trên 31,8 tỷ đồng (tăng hơn 170%).
Trong đó, có nhiều vụ việc sai phạm với số lượng hàng hóa lớn điển hình như: Vụ việc 15.000 lít xăng không đảm bảo chất lượng tại Bình Dương; vụ việc chuyển cơ quan Công an điều tra dấu hiệu về tội lừa dối người tiêu dùng thu lợi bất chính trong kinh doanh xăng dầu tại Thạch Thất, TP. Hà Nội.
Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường các địa phương: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ, Đắk Lắk, Điện Biên, Hải Dương, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Thái Bình, Tây Ninh đã kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu với các hành vi như: Không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối; bán xăng dầu ngoài hệ thống phân phối; không áp dụng hoặc duy trì hệ thống quản lý chất lượng; không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan có thẩm quyền; nhân viên không được tập huấn, đào tạo và cấp Giấy chứng nhận theo quy định...
Năm 2024, lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng và các địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với nhóm hàng thiết yếu như xăng dầu.
Hiếu Nguyễn