+Aa-
    Zalo

    "Bán" đường cao tốc: Đừng vì lợi ích kinh tế trước mắt!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Chủ trương "bán" hàng loạt đường cao tốc trong năm 2015 và có thể sẽ đưa dự án ra thị trường nước ngoài "mời gọi" được xem là từ trước đến nay chưa có tiền lệ.

    (ĐSPL) - Chủ trương "bán" hàng loạt đường cao tốc trong năm 2015 và có thể sẽ đưa dự án ra thị trường nước ngoài "mời gọi" được xem là từ trước đến nay chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn về tính "lợi bất cập hại" của chủ trương trên.

    PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Ân, nguyên Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ để mổ xẻ về vấn đề này.  

    Ông Đỗ Văn Ân, nguyên Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ (Ảnh Anh Đức).

    Không "quản" được thì "bán"?

    Từng nhiều năm giữ vị trí lãnh đạo ngành cơ yếu, ông đánh giá thế nào về chủ trương "nhượng" 5 tuyến đường "huyết mạch" cho nước ngoài của Bộ GTVT?

    Tôi không biết Bộ GTVT đã tính toán kỹ lưỡng các mặt lợi hại hay chưa, nhưng tôi nghĩ rằng, những tuyến đường "huyết mạch", những vị trí trọng yếu như cầu, cảng... có ảnh hưởng lớn đến vấn đề an sinh xã hội, an ninh quốc phòng. Tôi nghĩ, dù là bán quyền khai thác, nhưng những tuyến đường "huyết mạch" có vị trí quan trọng, "nhạy cảm" cần phải xem xét một cách nghiêm túc nếu không sẽ bất lợi nhiều mặt.

    Nhà đầu tư nước ngoài nào nhảy vào cũng nhằm mục đích thu lợi, khi họ đã mua thì có quyền quyết định việc áp giá mức thu phí sao cho thu hồi vốn nhanh nhất. Vẫn biết có hợp đồng, có điều khoản rõ ràng nhưng công tác giám sát, quản lý không tốt khả năng người dân sẽ phải cõng trên vai các loại phí là rất cao. Theo tôi hiểu, người dân đã phải đóng phí bảo trì đường bộ, nhà đầu tư nước ngoài vào khai thác sẽ đặt ra các loại phí cầu đường khác, điều này sẽ gây áp lực cho người dân. Như thế rất nguy hại! 

    Bộ GTVT giải thích rằng, cần "bán" các dự án này để quay vòng vốn và tái đầu tư cho các dự án khác. Quan điểm này một mặt nào đó cũng khá hợp lý. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

    Câu chuyện đặt ra là những số tiền lớn đó liệu có được sử dụng đúng mục đích hay không. Điều này thì khó mà biết được. Một số tiền rất lớn nếu không quản lý tốt sẽ lại xảy ra tham nhũng, thất thoát. Tại sao ta phải bán, phải chăng ta không đủ khả năng vận hành khai thác? Đã có những dự án do mình quản lý để xảy ra thất thoát, thu không đủ chi, nên tìm mọi cách bán đi cho gọn, sạch trơn, không còn phải chịu trách nhiệm gì hết. Việc giao cho người nước ngoài khai thác các công trình trọng điểm đó chắc chắn sẽ có những bất lợi khó mà lường trước được.

    Như ông nói, liệu có phải có tình huống sợ trách nhiệm, không quản được… thì "bán"?

    Có thể do Bộ GTVT muốn bán những công trình này đi cho gọn, bán rồi thì trách nhiệm gần như không phải chịu nữa. Trước khi anh bán phải phân tích được mọi khía cạnh của vấn đề tính hai mặt của việc chuyển nhượng này.

    Cân nhắc giữa nhiều lợi ích

    Nếu là nhà quản lý, đặt lên bàn cân so sánh, giữa lợi ích kinh tế trước mắt và quyền lợi lâu dài của người dân, ông nghiêng về phương án nào?

    Có nhiều lý do để nói việc bán các dự án này là cần thiết nhưng quan trọng phải xem việc bán những dự án này mang lại gì cho người dân, người dân sẽ được lợi ích gì từ việc này. Khi các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn, những tuyến đường sẽ như thế nào? Liệu có xảy ra cảnh sau thời gian dài họ khai thác đường hỏng Nhà nước lại phải tu sửa. Tiền đó chính là tiền thuế của người dân đóng góp. Tất nhiên tôi sẽ chọn phương án đảm bảo quyền lợi của nhân dân, bởi dân là gốc.

    Nếu "bán" cả 5 tuyến đường này số tiền thu về sẽ rất lớn, nhiều ý kiến cho rằng việc sử dụng nguồn tiền của ta chưa hiệu quả và thất thoát, ông nghĩ sao về vấn đề này?

    Nghi ngại này cũng đúng thôi, bởi nhiều công trình bị rút ruột, làm xong đi vào sử dụng được một thời gian đã hư hỏng. Trong khi đó chi phí đầu tư cho đường cao tốc hiện nay ở nước ta đắt gấp 3 lần ở Mỹ. Có rất nhiều lý do người ta đưa ra vì sao đắt như vậy. Tôi muốn nói đến vấn đề sử dụng nguồn tiền của không ít cơ quan còn yếu kém, để thất thoát. Bởi vậy mà việc sử dụng số tiền "bán" các dự án này có sử dụng đúng mục đích hay không thì cần phải có cơ quan giám sát chặt chẽ nếu không sẽ thất thoát.

    Ông nghĩ sao trước nhiều ý kiến cho rằng đây là những tuyến đường huyết mạch, "nhạy cảm", vấn đề an ninh quốc phòng cần phải đặt lên hàng đầu?

    Về an ninh quốc phòng là vấn đề cần phải suy nghĩ, đặc biệt những vị trí trọng yếu do người nước ngoài kiểm soát. Tôi nghĩ rằng những tuyến đường quan trọng phải có sự tham vấn của Bộ Quốc phòng. Không thể vì lý do kinh tế, xoay vòng vốn, tái đầu tư mà lơ là vấn đề an ninh quốc phòng. Như vị trí đèo Hải Vân vừa rồi là một bài học kinh nghiệm.

    Thực tế chúng ta chỉ bán quyền khai thác mà vẫn quản lý hành chính. Thế nhưng, anh chỉ quản lý hành chính mà nội dung anh không quản lý thì có ý nghĩa gì. Khi đã bán quyền khai thác cho họ rồi, trong địa phận đấy họ làm gì làm sao biết được. Khi bán cho họ rồi thì sẽ rất nhiều thứ phát sinh mà mình khó kiểm soát được. Ví như họ đưa phương tiện, nhân công sang làm việc, nếu không quản lý chặt chẽ sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh. 

    Trân trọng cảm ơn ông!

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ban-duong-cao-toc-dung-vi-loi-ich-kinh-te-truoc-mat-a81122.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan