(ĐSPL) - Khi được PV báo Đời sống và Pháp luật tham vấn, nhiều chuyên gia đều bày tỏ mối quan ngại việc bán quyền thu phí hoặc bán cổ phần các dự án đường cao tốc cho nhà đầu tư tư nhân.
Các chuyên gia lo ngại, việc "nhượng" các cao tốc "huyết mạch" có thể sẽ đẩy mức phí lên cao, người dân sẽ phải chịu mức phí này bởi không nhà đầu tư nào đầu tư mà không tính đến việc nhanh thu hồi vốn và có lãi. Đó là chưa kể, bên cạnh lợi ích kinh tế, quyền lợi của người dân và các vấn đề an ninh quốc phòng cũng phải được đặt lên hàng đầu.
Chuyên gia giao thông - TS. Phạm Sanh. |
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, chuyện bán quyền thu phí, khai thác đường cao tốc sau khi hoàn thành đã diễn ra ở nhiều nước trên thế giới.
"Nhà nước đầu tư vốn, khi xong thì bán cho đối tác nước ngoài hoặc trong nước trong vòng 30-40 năm để lấy tiền tiếp tục đầu tư tuyến đường khác. Nhưng khi bán quyền thu phí phải quy định rõ, nếu không, họ tận thu và trả lại con đường cũ nát thì Nhà nước phải mất tiền làm lại", ông Hùng đề xuất.
Trong khi đó, chuyên gia giao thông TS. Phạm Sanh phân tích, rủi ro trong chuyện này là suất đầu tư các đường cao tốc Việt Nam hiện nay khá cao, lưu lượng xe dự báo trong một thời gian quá dài chắc chắn không chính xác trong bối cảnh quy hoạch giao thông và các quy hoạch khác luôn thay đổi, và khung pháp lý Việt Nam chưa đầy đủ thậm chí chưa có thông lệ về chuyện này. Cho nên nếu định giá đúng và phương án tài chính khả thi có lợi cho cả 2 bên, việc tìm nhà đầu tư sẽ vô cùng khó khăn.
Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu cho vay tiền để chúng ta làm. Ngay cả nhà đầu tư nước ngoài cũng ngần ngại hình thức BOT làm cao tốc, thường chỉ làm BT, bỏ đầu tư ra rồi lấy lại ngay.
Đáng nói, bên nhà đầu tư nước ngoài khi mua quyền thu phí cũng như mua cổ phần các dự án đường cao tốc, họ sẽ trực tiếp quản lý hay thuê người Việt Nam làm quản lý cho họ. Nếu nhà đầu tư nước ngoài đưa người nước họ sang làm thì người Việt Nam lại mất việc làm.
Nhiều ý kiến thẳng thắn, nếu bán cao tốc cho nhà đầu tư nước ngoài thu phí thì việc di chuyển của người Việt Nam sẽ phải chịu sự cho phép của người nước ngoài trên chính những con đường ở đất nước của mình.
Việc bán những tuyến đường "huyết mạch", những dự án đặt ở vị trí trọng điểm cũng phải được tính toán hết sức kỹ lưỡng và phải có ý kiến bộ Quốc phòng. Khi được PV báo Đời sống và Pháp luật tham vấn về vấn đề này, một số tướng lĩnh đã nghỉ hưu cũng đồng tình với quan điểm trên. Theo đó, việc "nhượng" lại dự án "huyết mạch" cần phải được tính toán cẩn trọng.