(ĐSPL) - "Sân khấu đấu thầu" luôn tồn tại song hành vai chính diện và phản diện. Nhưng oái oăm là vai phản diện luôn nổi bật với chiêu luồn lách dưới ánh đèn pháp luật. Làm gì để ngăn chặn những chiêu trò ma mãnh trong "thế giới ngầm" đấu thầu, vẫn là câu hỏi lơ lửng chưa có lời giải đáp.
Lấp lỗ hổng bằng chiêu... "cấm cửa"
Trong khi PV báo Đời sống và Pháp luật đang thực hiện loạt bài viết này thì nguồn tin từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho hay, đơn vị này sẽ "cấm cửa" hàng loạt nhà thầu vì những vi phạm trong quá trình thực hiện dự án. Nếu việc làm này của Bộ GTVT được triển khai triệt để thì đây được xem là tiền lệ tốt (cũng có thể là không) nhằm loại bỏ những nhà thầu yếu kém một phần xuất hiện bởi việc "thông thầu" đang diễn ra hiện nay.
Trích dẫn nguồn thông tin từ Thanh tra Bộ GTVT cho thấy, chủ yếu là các nhà thầu bị "cấm cửa" đang thi công bốn dự án ở Cần Thơ. Các dự án gồm đường Thới Thuận - Thạnh Lộc (thuộc dự án WB5) thuộc quận Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh có chiều dài gần 12km. Dự án mở rộng đường Quang Trung - Cái Cui, thuộc quận Cái Răng dài khoảng 7km. Dự án mở rộng QL91 đoạn ngã tư bến xe - Trà Nóc qua quận Ninh Kiều và Bình Thủy. Dự án đường nối Vị Thanh - Cần Thơ đoạn qua TP. Cần Thơ.
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD & CLCTGT) Bộ GTVT cho biết: "Mục tiêu của Bộ GTVT trong năm 2014 là đổi mới, quyết liệt, chất lượng, hiệu quả, tăng tốc và phát triển hơn nữa nên mọi hành vi vi phạm trong quá trình đầu tư xây dựng đều sẽ bị xử lý nghiêm. Cục QLXD & CLCTGT sẽ cập nhật và công khai danh sách các nhà thầu không đủ năng lực, chây ỳ trong quá trình thi công, đồng thời đẩy mạnh việc thu hồi thiệt hại từ các dự án qua kết quả phát hiện được của Thanh tra Bộ GTVT". Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, hành động này của Bộ GTVT vẫn chỉ mang tính riêng biệt, quyết liệt từ một phía.
Đáng chú ý, việc siết chặt của Bộ GTVT diễn ra trong thời điểm nhạy cảm, khi thông tin nhà thầu Nhật Bản đã chi một khoản tiền không nhỏ cho quan chức ngành đường sắt để có được một gói thầu lớn đang triển khai ở TP. Hà Nội. Hiện chưa có thông tin chính thức về nghi án tiêu cực này, nhưng nó cho thấy "thông thầu" đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của xã hội.
Theo một cán bộ thuộc Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), muốn giảm thiểu tình trạng "đi đêm" trong đấu thầu thì cần phải tăng cường đào tạo về đấu thầu, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực và nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác đấu thầu, trong đó có chủ đầu tư, bên mời thầu là rất cần thiết. Khi chủ đầu tư "nắm chắc" pháp luật, nâng cao năng lực và có nghiệp vụ chuyên môn thì nhà thầu sẽ không có đất để "diễn trò". Chủ đầu tư cần phải tinh tường trong việc phát hiện các sai phạm của nhà thầu để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh không bị rơi vào cái bẫy do các nhà thầu tạo ra, làm ảnh hưởng đến kết quả lựa chọn nhà thầu cũng như hiệu quả đầu tư.
Thế nhưng, nói là một lẽ, còn thực hiện có đúng hay không và ai sẽ kiểm soát, vẫn còn bỏ lửng. Thực tế cho thấy, nhiều chủ đầu tư còn không nắm rõ các quy định đấu thầu, thậm chí là những quy định bắt buộc tối thiểu nhất. PV báo Đời sống và Pháp luật xin đưa ra một ví dụ điển hình ở gói thầu: Nhà đa năng trường THPT Ninh Giang (huyện Ninh Giang, Hải Dương) với chủ đầu tư cũng chính là nhà trường này. Nhưng, điều giật mình khi PV báo Đời sống và Pháp luật xuống tìm hiểu về gói thầu thì ông Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng nhà trường mới té ngửa rằng, mình còn chưa có Chứng chỉ đấu thầu và thực tế ông cũng chẳng hiểu gì về đấu thầu vì mọi việc đã có đơn vị tư vấn thực hiện. Chỉ đến khi báo chí vào cuộc, ông Dũng mới biết, còn nhiều cái sai mình đang mắc phải.
Ảnh minh họa. |
Những phòng tuyến ngăn chặn hành vi vi phạm
Ông Vũ Bá Phú, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho rằng: Hành vi "thông thầu" sẽ làm giảm tính cạnh tranh, gây tổn hại đến ngân sách quốc gia, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp. Hành vi "thông thầu" có thể xuất hiện dưới bốn hình thức: Trúng thầu lần lượt; "quân xanh, quân đỏ"; bỏ thầu và thầu phụ. Để quản lý hành vi này, chúng ta cần có chế tài xử lý thật nghiêm khắc nhằm đảm bảo hoạt động đấu thầu cạnh tranh, minh bạch, công bằng và hiệu quả.
Trong khi đó, đại diện Cục Quản lý Đấu thầu, bà Vũ Quỳnh Lê cho hay: Hành vi "thông thầu" là một trong số 19 hành vi bị cấm được quy định tại Luật Đấu thầu năm 2005, được sửa đổi, bổ sung và quy định chi tiết tại Nghị định số 85/2009/NĐ-CP. Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm một trong những điều bị cấm trên thì bị xử lý theo các hình thức cụ thể như: Cảnh cáo, phạt tiền, bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu, thậm chí sẽ bị xử lý hình sự nếu hành vi đó cấu thành tội phạm. Vấn đề là cần phải tăng cường kiểm tra giám sát để phát hiện và xử lý nghiêm khắc hành vi này.
Theo những chuyên gia quản lý về đấu thầu, trong các văn bản pháp luật, trên các diễn đàn đã nói nhiều về quyền giám sát của Quốc hội, HĐND và người dân đối với hoạt động đấu thầu. Tuy vậy, điều kiện cơ bản để các đại biểu Quốc hội, HĐND và người dân có thể thực thi vai trò giám sát là thông tin thì lại không có. Nếu có, chỉ là những thông tin mà chủ đầu tư thích cung cấp, không có thông tin cần cung cấp như thiết kế kỹ thuật, giải pháp thi công, đơn giá dự toán chi tiết đơn giá trúng thầu... Thông tin công khai chưa thể triệt tận gốc gian lận, tham nhũng, song chí ít cũng khiến những người quen trò "quân đỏ, quân xanh", gian dối, ăn chia cũng phải chùn tay.
Với những nhà thầu cố tình vi phạm, các chủ đầu tư cần công khai danh tính các nhà thầu này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các bộ, địa phương với chức năng quản lý Nhà nước về đấu thầu, cần tập hợp và thống kê đầy đủ danh sách các nhà thầu vi phạm đưa lên trang web của bộ, ngành, địa phương mình, đồng thời gửi cho Cục Quản lý Đấu thầu (bộ Kế hoạch và Đầu tư) để đưa lên website chính thức của Hệ thống đấu thầu qua mạng quốc gia VNEPS. Ngoài ra, cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về đấu thầu trong suốt quá trình thực hiện dự án, từ khâu chuẩn bị tổ chức đấu thầu (lập, bán HSMT... ) đến việc quản lý hợp đồng sau đấu thầu của chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, một phương pháp nâng cao tính minh bạch, hạn chế sai phạm của chủ đầu tư và nhà thầu là thực hiện đấu thầu điện tử. Đấu thầu điện tử được hiểu là quá trình sử dụng hệ thống mạng công nghệ thông tin (internet) và các thiết bị điện toán để thực hiện quá trình lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ tư vấn và xây lắp theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Về việc này, đại diện Cục Quản lý Đấu thầu cho biết, khi hệ thống đấu thầu qua mạng quốc gia VNEPS được chính thức đưa vào sử dụng và có tính chất bắt buộc với hành lang pháp lý hoàn thiện, các chủ đầu tư, bên mời thầu đều sẽ phải tổ chức lựa chọn nhà thầu thông qua hệ thống trên. Từ đó, tránh được tình trạng áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà thầu một cách tràn lan, chỉ định ngầm, thiếu công khai, minh bạch.
Thay vì phải đến tận địa chỉ của chủ đầu tư, bên mời thầu để mua HSMT, nộp hồ sơ dự thầu và tham dự lễ mở thầu theo giờ hành chính, thì nay, dù tổ chức đấu thầu ở Hà Nội, một công ty ở TP.HCM, Cà Mau... cũng dễ dàng mua HSMT và nộp hồ sơ dự thầu bất cứ lúc nào với vài cú nhấp chuột đơn giản. Khi tham gia đấu thầu qua mạng, nhà thầu không tiếp xúc trực tiếp với chủ đầu tư, bên mời thầu, nên việc phát sinh tiêu cực hạn chế hơn, tính cạnh tranh cao hơn.
Phát hiện "thông thầu" có thể khởi tố các bên liên quan Ông Osamu Igarashi, chuyên gia tư vấn cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA, tại Việt Nam cho biết: "Thông thầu" được coi là một trong các dạng hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh ở mức nghiêm trọng nhất. Tại Nhật Bản, người tái phạm thực hiện hành vi "thông thầu" có thể bị xử lý hình sự. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản để quản lý, xử lý hành vi "thông thầu", nếu phát hiện tái phạm hành vi này thì cần khởi tố, truy tố bên liên quan. |